Chăm sóc sức khỏe người lao động cần sự vào cuộc đa ngành
Ngày xuất bản: 20/12/2024

Chăm sóc sức khỏe người lao động cần sự vào cuộc đa ngành

Nhằm tăng cường sự vào cuộc của các đơn vị quản lý, trách nhiệm của chủ cơ sở lao động theo quy định của pháp luật trong việc chăm sóc, nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, sáng 20/12, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với UBND huyện Chương Mỹ tổ chức Hội nghị chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương phát biểu tại Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương; ThS BS Đinh Xuân Ngôn - Trưởng khoa Vệ sinh an toàn lao động, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế); PGS.TS Nguyễn Thị Kiều Anh, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội; lãnh đạo Trung tâm y tế, Phòng y tế huyện Chương Mỹ cùng đại diện khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) vừa và nhỏ, doanh nghiệp khác đóng trên địa bàn huyện.

Theo báo cáo, Hà Nội có 10 KCN, chế xuất; 111 CCN, trong đó, 70 CCN đã hoạt động ổn định; 1.350 làng nghề, trong đó có 300 làng nghề được công nhận. Ngành nghề sản xuất như gia công cơ khí, kim khí; sản xuất sản phẩm từ nhựa; hàng dệt may; sản xuất sản phẩm từ da; sơn; mạ… ảnh hưởng tới điều kiện làm việc, sức khỏe người lao động (NLĐ), tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Tổng số cơ sở lao động được thống kê, quản lý là 3.062 cơ sở lao động thuộc 30 quận, huyện, thị xã. Trong đó, huyện Chương Mỹ có 141 cơ sở, chiếm 4,6%. Tổng số cơ sở lao động được giám sát trên địa bàn huyện là 36 cơ sở. Trong đó 33/36 (chiếm 92%) cơ sở lao động thuộc KCN, CCN. Tập trung vào các ngành nghề cơ khí, may mặc, chế biến thực phẩm, dược phẩm, sản xuất sơn, sản xuất hàng thủ công mây tre đan… Số cơ sở lao động có phân công người chịu trách nhiệm kiểm soát YTNH, YTCH tại nơi làm việc là 10/36 (chiếm 28%). Số cơ sở lao động có phương án kiểm soát, phòng ngừa và giảm thiểu những ảnh hưởng của YTCH trong môi trường lao động là 12/36 (chiếm 33%). Tổng số cơ sở lao động tổ chức khám phát hiện bệnh nghề nghiệp là 8/34 (chiếm 23%). Trên địa bàn huyện không có cơ sở lao động có NLĐ mắc bệnh nghề nghiệp.

ThS BSCKII Cao Thị Ánh Tuyết - Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội cho rằng huyện Chương Mỹ cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật về vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe NLĐ, phòng bệnh nghề nghiệp. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức truyền thông, hướng dẫn người sử dụng lao động, NLĐ trong việc nhận biết YTCH, YTNC mắc bệnh nghề nghiệp và biện pháp phòng chống, quan tâm đến cả các cơ sở lao động ngoài KCN, làng nghề.

Đối với cơ sở lao động, cần xây dựng kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động theo quy định. Tổ chức lực lượng sơ cứu, cấp cứu tại đơn vị và tổ chức huấn luyện theo quy định. Trang bị thiết bị, vật tư sơ cứu, cấp cứu đầy đủ theo quy định. Chú trọng công tác đánh giá YTNC, YTCH trong môi trường lao động, xây dựng phương án phòng ngừa và kiểm soát YTCH, YTNC ảnh hưởng đến sức khỏe NLĐ, gây bệnh nghề nghiệp. Đồng thời, thực hiện tốt công tác khám sức khỏe trước khi bố trí làm việc, khám sức khỏe định kì, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, khám định kì bệnh nghề nghiệp; quản lý tốt NLĐ mắc bệnh mạn tính, bệnh nghề nghiệp, tai nạn sau điều trị, phục hồi chức năng… sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe NLĐ. Cấp phương tiện bảo vệ cá nhân phù hợp với vị trí làm việc, giám sát việc thực hiện của NLĐ…

Tại Hội nghị, ThS BS Đinh Xuân Ngôn - Trưởng khoa Vệ sinh an toàn lao động, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn vệ sinh lao động.

Một số doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện Chương Mỹ cũng chia sẻ bài tham luận trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chăm sóc sức khỏe người lao động tại doanh nghiệp.

PGS.TS Nguyễn Thị Kiều Anh, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội nhấn mạnh việc chăm sóc sức khỏe NLĐ là một trong những nòng cốt để xây dựng, phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Với mong muốn UBND huyện Chương Mỹ trong năm tới và những năm tiếp theo chỉ đạo, xây dựng kế hoạch chăm sóc sức khỏe nhân dân trong đó có chăm sóc sức khỏe cho NLĐ ở các cơ sở lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp phù hợp với tình hình địa phương. Đặc biệt, trên địa bàn huyện có các làng nghề thủ công, do đó cần có kế hoạch phù hợp với điều kiện về các cơ sở lao động. Đầu tư nhân lực, nguồn kinh phí thực hiện. UBND huyện chỉ đạo, phối hợp liên ngành hàng năm định kì cập nhật các cơ sở lao động trên địa bàn để chia sẻ số liệu, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn lao động và chăm sóc sức khỏe NLĐ. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát. Đặc biệt là công tác truyền thông, truyền thông tới chủ các đơn vị sử dụng lao động. Nâng cao năng lực cho cán bộ y tế trên hệ thống để giúp cho các cán bộ y tế tại các cơ sở lao động, cung cấp các dịch vụ y tế lao động cho các đơn vị trên địa bàn.

Đối với các cơ sở lao động, nghiên cứu đầy đủ các quy định của pháp luật xây dựng được kế hoạch an toàn vệ sinh lao động thật chuẩn, từ đó thực hiện được đầy đủ các quy định của pháp luật về chăm sóc sức khỏe NLĐ và phòng chống bệnh nghề nghiệp. Bổ sung thêm phòng chống các bệnh không lây nhiễm, phòng chống YTNC của bệnh không lây nhiễm để phòng bệnh không lây nhiễm (chế độ dinh dưỡng, lạm dụng rượu bia, thuốc lá…) từ đó nâng cao sản lượng lao động cũng như phát triển sản xuất lao động trong tương lai. Nhấn mạnh truyền thông giáo dục sức khỏe cho các đối tượng lao động tại cơ sở.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cũng chỉ ra rằng nếu chăm sóc sức khỏe NLĐ không đúng cách sẽ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh. Do vậy, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đa ngành trong việc triển khai chăm sóc sức khỏe NLĐ sao cho đạt hiệu quả cao nhất, đặc biệt là các đối tượng NLĐ nữ, NLĐ cao tuổi. Bên cạnh việc chăm sóc sức khỏe NLĐ, phòng chống bệnh nghề nghiệp theo đúng quy định của pháp luật, các cơ sở lao động cần chú trọng công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại cơ sở.

Việt Nam

Các tin khác
Dịch vụ viêm chủng Kênh thông tin Dịch vụ khử trùng Dịch vụ xét nghiệm Quan trắc môi trường Khám sức khỏe người lao động Kiểm dịch y tế quốc tế Dịch vụ trực tuyến

                           TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT THÀNH PHỐ HÀ NỘI

                         Địa chỉ cơ quan: - Số 70 Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội (Trụ sở chính)

                                                      - Khu Hành chính mới, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội (Cơ sở 2)

                                                      - Số 1 Ngõ 2, đường Quang Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội (Cơ sở 3)

                         Điện thoại: 02438343537           Hotline: 0866067525                Email: ttksbt_soyt@hanoi.gov.vn               

                         Ghi rõ nguồn: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội khi phát hành lại thông tin