Theo thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh tăng hơn 8% từ năm 2011 đến năm 2015. Đến đầu năm 2017, tỷ lệ hộ gia đình nông thôn của cả nước được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 85,7%, trong đó chỉ có 49% được sử dụng nước sạch.
Hệ thống thoát nước, xử lý nước thải không được quy hoạch một cách bài bản, người dân lại thiếu kiến thức trong việc xử lý chất thải và không ý thức về giữ gìn vệ sinh môi trường nên xả thải một cách bừa bãi ra cống rãnh, ao hồ dẫn đến ô nhiễm nguồn nước. Nguồn nước bị ô nhiễm dẫn đến người dân bị các bệnh lây lan như dịch tả, bệnh ngoài da, bệnh hô hấp và đặc biệt là căn bệnh hiểm nghèo như ung thư.
Hiện cả nước có 17 triệu người dân sử dụng nước bị nhiễm asen do dùng nước từ giếng khoan chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa triệt để, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Cả nước có hơn 4 triệu giếng khoan, trong đó nhiều giếng có nồng độ asen cao hơn 20-50 lần giới hạn cho phép (0,01mg/l).
Ô nhiễm asen trong nước tập trung tại một số vùng nông thôn các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá... Có 3/4 số hộ dân được điều tra tại 8 tỉnh Đồng bằng sông Hồng bị nhiễm asen cao hơn nhiều mức cho phép, trong đó tỉnh Hà Nam nhiễm cao nhất với 50/160 xã (chiếm 43%) có nguồn nước bị nhiễm asen...
Để từng bước khắc phục tình trạng này, trong Đề án truyền thông về cải thiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch nông thôn giai đoạn 2018-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 mà Bộ Y tế vừa xây dựng hướng đến tăng cường triển khai có hiệu quả các hoạt động thông tin, truyền thông về cải thiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và sử dụng nước sạch nông thôn góp phần củng cố, nâng cao nhận thức và trách nhiệm thực hiện của các cấp, các tầng lớp nhân dân.
Duy Tuân