Việt Nam triển khai các giải pháp rất nhanh, kịp thời và hiệu quả
Ngày xuất bản: 13/05/2020

Chiều ngày 12/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona đã có buổi làm việc với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam về tình hình phòng, chống dịch Covid-19.

Cùng tham dự có một số chuyên gia quốc tế, lãnh đạo Bộ Y tế và đại diện một số bộ, ngành liên quan.

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cho đến nay, nước ta đã qua 26 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng. Hoạt động giám sát được triển khai chặt chẽ đối với các nhóm nguy cơ tại cộng đồng và trong các cơ sở y tế.

Đối với tất cả các trường hợp nhập cảnh đều phải cách ly tập trung 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm 2 lần. Hiện mỗi ngày nước ta xét nghiệm khoảng gần 2.000 mẫu, tính đến nay đã thực hiện xét nghiệm 275.000 mẫu, phát hiện 288 trường hợp mắc Covid-19.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 tập trung điều phối hoạt động của các bộ, ngành, địa phương, lực lượng phòng, chống dịch. Tăng cường đội ngũ làm công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là đội ngũ y tế trong chăm sóc, điều trị người nhiễm Covid-19 ở tất cả các tuyến.

Bên cạnh đó, đã chủ động sản xuất nhiều trang thiết bị, dụng cụ, vật tư y tế, máy thở, thuốc điều trị ở trong nước nhằm đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống dịch.

TS. Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đã bày tỏ ấn tượng trước các biện pháp rất nhanh, kịp thời và hiệu quả đã được triển khai thời gian qua của Việt Nam.

Đặc biệt, Việt Nam đã chủ động phối hợp chặt chẽ, chia sẻ thông tin đầy đủ về mọi hoạt động phòng, chống dịch bệnh Covid-19, kể cả số liệu về số ca nhiễm bệnh, số ca điều trị khỏi, và chưa có ca nào tử vong.

TS. Kidong Park cho biết, nhóm chuyên gia của WHO đã tham gia một cuộc họp kỹ thuật thảo luận về cập nhật hướng dẫn quản lý Covid-19, chiến lược xét nghiệm và trường hợp tử vong của bệnh nhân số 251.

Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam và một số chuyên gia quốc tế cho biết, hiện trên thế giới vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu hay vắc xin điều trị Covid-19. Do vậy, dịch bệnh được dự báo sẽ kéo dài nhiều tháng, thậm chí tính bằng năm và con người phải tập sống chung với dịch bệnh, nó có thể bùng phát bất cứ lúc nào.

Chính vì vậy, Việt Nam vẫn phải luôn xác định ở trong tâm thế hết sức cảnh giác, theo dõi chặt chẽ khi các quốc gia trên thế giới đang phải ứng phó vô cùng vất vả với dịch bệnh, vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ có những ca bệnh tại cộng đồng.

Trong thời gian tới, để chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh một cách hiệu quả, các chuyên gia quốc tế khuyến nghị cần tăng cường hơn các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh dài hạn như mô hình hóa sự lây lan dịch bệnh, đánh giá hệ thống y tế để tìm ra điểm yếu, hạn chế, từ đó đầu tư kịp thời, bảo đảm luôn chủ động phòng, chống dịch.

Đồng thời, tiếp tục ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài, tăng cường giám sát các nhóm nguy cơ lây bệnh.

Bên cạnh đó, cần thường xuyên rà soát lại các biện pháp hạn chế, đánh giá, cập nhật thông tin mới để làm cơ sở đưa ra khuyến nghị phù hợp theo từng hoàn cảnh cụ thể.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã cảm ơn sự hợp tác, hỗ trợ tích cực của WHO, các tổ chức và chuyên gia quốc tế ngay từ những ngày đầu phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam và mong muốn hai bên tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp và khó lường. Vì vậy, Việt Nam vẫn phải "bao đê cho chặt", nghĩa là phải tiếp tục chính sách quản lý chặt chẽ người nhập cảnh để bảo đảm an toàn, mới có thể nới lỏng được ở bên trong để thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Việt Nam luôn sẵn sàng chia sẻ thông tin, đóng góp các sáng kiến, bài học kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh đối với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước nghèo, đang phát triển nhằm hỗ trợ, sẻ chia, cùng chung tay trong phòng, chống dịch.

Các bộ, ngành, các địa phương phải thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, ban hành các bộ tiêu chí an toàn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cũng đặc biệt lưu ý trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trong thực hiện nghiêm việc cách ly đối với những chuyên gia, lao động kỹ thuật cao tại các cơ sở lưu trú ở địa phương.

Đặc biệt, các lực lượng phòng, chống dịch như y tế, quân đội, công an… tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ, không được nghỉ ngơi, luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng phó với dịch khi có yêu cầu.

Ngành y tế cần tiếp tục tập trung triển khai việc nghiên cứu thuốc, vắc xin, phác đồ điều trị, lập hồ sơ sức khỏe điện tử của từng người dân.

Đối với các lực lượng quân đội, công an cần tiếp tục tăng cường kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh, thực hiện nghiêm việc cách ly tập trung, đảm bảo an toàn sức khỏe của người dân trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay.

Duy Tuân

Các tin khác
Dịch vụ viêm chủng Dịch vụ xét nghiệm Dịch vụ khử trùng Quan trắc môi trường Khám sức khỏe người lao động Kiểm dịch y tế quốc tế Dịch vụ trực tuyến

                           TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT THÀNH PHỐ HÀ NỘI

                         Địa chỉ cơ quan: - Số 70 Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội (Trụ sở chính)

                                                      - Khu Hành chính mới, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội (Cơ sở 2)

                                                      - Số 1 Ngõ 2, đường Quang Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội (Cơ sở 3)

                         Điện thoại: 02438343537           Hotline: 0949396115                Email: ttksbt_soyt@hanoi.gov.vn               

                         Ghi rõ nguồn: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội khi phát hành lại thông tin