Tỷ lệ nhiễm sán lá gan nhỏ liên quan đến thói quen ăn gỏi cá ở một số tỉnh còn cao
61% người có thói quen ăn gỏi nhiễm sán lá gan nhỏ
Cụ thể, tỷ lệ nhiễm sán lá gan nhỏ năm 2018 tại Hòa Bình là 24,4%; Nam Định 11,8%; Ninh Bình 21%; Thanh Hóa 21,6%; Phú Yên 15,3%. Đánh giá chung là 61% người có thói quen ăn gỏi nhiễm sán lá gan nhỏ.
Trong năm 2019, cả nước có trên 8 triệu lượt trẻ em từ 24 - 60 tháng tuổi và học sinh tiểu học uống thuốc tẩy giun an toàn. Viện Sốt rét, Ký sinh trùng, Côn trùng Trung ương đã tổ chức điều tra, phát hiện và điều trị cho hàng chục ngàn người bị nhiễm sán lá gan lớn, sán lá gan nhỏ, sán lá phổi, ấu trùng sán lợn,ấu trùng giun đũa, ấu trùng giun đầu gau, ấu trùng giun chó mèo.
Theo phân tích của Viện Sốt rét, Ký sinh trùng, Côn trùng Trung ương, nguyên nhân dẫn đến bệnh do ký sinh trùng (giun, sán) còn phức tạp và phổ biến tại nhiều vùng, do thói quen ăn uống, lao động chưa hợp vệ sinh. Sán lá gan nhỏ ký sinh ở đường mật đẻ trứng, trứng theo mật xuống ruột rồi theo phân ra ngoài. Trứng được rơi vào môi trường nước. Trứng bị ốc nuốt nở ra ấu trùng lông để phát triển thành ấu trùng đuôi.
Ấu trùng đuôi rời ốc bơi tự do trong nước. Ấu trùng xâm nhập vào cá nước ngọt, rụng đuôi phát triển thành ấu trùng nang ký sinh ở trong thịt của cá. Người (hoặc động vật) ăn phải cá có ấu trùng nang chưa được nấu chín thì sau khi ăn, ấu trùng này vào dạ dày, xuống tá tràng rồi ngược theo đường mật lên gan, phát triển thành sán lá gan trưởng thành ký sinh và gây bệnh ở đường mật. Thời gian từ khi ăn phải ấu trùng nang trong cá đến khi thành sán trưởng thành mất khoảng 26 ngày.
Do ký sinh trong đường mật, người nhiễm sán lá gan nhỏ thường có các biểu hiện: đau tức vùng gan do sán sinh sản gây tắc các đường mật trong gan dẫn đến biểu hiện đau tức hạ sườn phải; rối loạn tiêu hóa (kém ăn, bụng ậm ạch khó tiêu); đôi khi có biểu hiện sạm da, vàng da và dấu hiệu gan to hay xơ gan tùy theo mức độ của bệnh. Trường hợp nặng, sán lá gan nhỏ có thể gây viêm đường mật, chảy máu đường mật, ung thư đường mật, xơ gan mật... Việc phát hiện và điều trị sớm có vai trò rất quan trọng, do đó khi có các dấu hiệu trên, người bệnh nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.
Dễ mắc nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa
Để phòng chống bệnh sán lá gan ở người, Bộ Y tế khuyến cáo mỗi cá nhân cần đảm bảo vệ sinh ăn uống và xử lý tốt nguồn chất thải bằng cách:
- Thực hiện ăn chín, uống sôi. Không ăn gỏi cá và các món ăn chế biến từ cá, cua nếu chưa được nấu chín hoàn toàn. Không uống nước lã, không ăn gan các loài động vật chưa được nấu chín.
- Hạn chế ăn sống các loại rau mọc dưới nước như rau ngổ, rau om, cải xoong, rau cần, ngó sen,... Đặc điểm của sán lá gan lớn là bám rất chắc vào trong thành rau, nên dù có rửa kỹ dưới vòi nước chảy trực tiếp vẫn khó loại bỏ sán. Các loại rau thủy sinh này cần phải được nấu chín trước khi ăn. Nhiệt độ sẽ tiêu diệt các ấu trùng sán lá gan có trong rau và không gây hại đến sức khỏe khi ăn.
- Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Giữ gìn vệ sinh môi trường, không thả phân tươi xuống ao nuôi cá, không phóng uế vào các nguồn nước.
- Các cơ quan quản lý tăng cường tuyên truyền về tác hại của của bệnh sán lá gan ở người.
Diệu Linh