Hướng đến hiện đại hóa y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân
Ngày xuất bản: 23/07/2020

Quyết liệt trong thực hiện nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, hạn chế sai sót chuyên môn và đảm bảo an toàn người bệnh, trong thời gian qua, các cơ sở y tế trong cả nước đã tích cực thực hiện Đề án khám chữa bệnh từ xa; thực hiện Hồ sơ sức khỏe điện tử đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao về chăm sóc sức khoẻ của nhân dân.

Thống kê của Bộ Y tế, hiện cả nước có 39 bệnh viện tuyến trung ương; 492 bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố; 645 bệnh viện tuyến huyện; 72 bệnh viện ngành; 275 bệnh viện tư nhân; 32.000 phòng khám tư nhân; 11.000 trạm y tế.

Thực hiện hồ sơ sức khỏe điện tử giúp giảm bớt các thủ tục rườm rà tại cơ sở y tế.

Đề án Khám chữa bệnh từ xa được Bộ Y tế ban hành tại Quyết định số 2628/QĐ-BYT ngày 22/6/2020 với 2 mục tiêu căn bản, đó là tất cả các cơ sở y tế, nhất là tuyến huyện được hỗ trợ chuyên môn liên tục và mọi người dân đều được hỗ trợ y tế thường xuyên. Theo đó, Bộ Y tế đã chỉ định 24 bệnh viện tuyến trên đầu ngành trong cả nước tham gia nhằm hỗ trợ cho các bệnh viện tuyến dưới. Trong giai đoạn 2020-2021, ưu tiên đầu tư các chuyên khoa: tim mạch, ngoại, sản, nhi, truyền nhiễm, ung bướu, huyết học truyền máu, các bệnh không lây nhiễm…

Theo Bộ Y tế, trước đây, hỗ trợ chuyên môn theo phương thức 1-1, tức là một tuyến trên hỗ trợ cho một tuyến dưới thì hiện nay sẽ mở rộng theo mô hình 1-N để đảm bảo hiệu ứng tốt hơn.

Cụ thể, tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới nhưng tất cả bệnh viện tuyến dưới đều có thể tham gia vào hội chẩn, theo dõi, để qua đó được học tập, nâng cao chuyên môn. Bên cạnh đó, Đề án khám chữa bệnh từ xa còn có nhiệm vụ góp phần nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh theo phương thức kết hợp của bác sĩ tuyến trên và bác sĩ tuyến dưới theo mô hình 1-4-4-2. Tức là 1 bác sĩ tuyến trên hỗ trợ cho 4 bác sĩ tuyến tỉnh, 4 bác sĩ tuyến huyện và 2 bác sĩ tuyến xã. Trong đó bác sĩ tuyến trên đóng vai trò như người bảo trợ, hỗ trợ cho tuyến dưới khi cần thiết.

Khám chữa bệnh từ xa sẽ là một dịch vụ y tế của bệnh viện và là hoạt động thường ngày tại cơ sở y tế. Mỗi bác sĩ giỏi của các bệnh viện tuyến trên dành ít nhất 60 phút mỗi ngày để hỗ trợ tuyến dưới, đây là chiến lược quan trọng của ngành y tế, đặc biệt trong giai đoạn tất cả các bộ, ngành đều tham gia vào chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Minh chứng trong đợt dịch bệnh Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay, việc thực hiện khám chữa bệnh từ xa đã thu được nhiều kết quả tích cực như đảm bảo giãn cách xã hội trong phòng chống dịch; giảm chi phí và thời gian cho người bệnh; giảm quá tải, tạo cân bằng người bệnh giữa tuyến trên - tuyến dưới; tăng cường năng lực chuyên môn tuyến dưới và kết nối mạng lưới các bệnh viện.

Đối với hồ sơ sức khỏe điện tử được triển khai thực hiện Quyết định số 5349/QĐ-BYT ngày 12/11/2019. Mục tiêu chung của việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử là bảo đảm mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe điện tử, từng bước hình thành cơ sở dữ liệu về sức khỏe người dân tại Trung tâm dữ liệu y tế quốc gia. 

Việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử đáp ứng các mục tiêu như xây dựng, hoàn thiện hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử; cung cấp các giao diện tương tác với Bộ Y tế, Sở Y tế, cơ sở khám chữa bệnh, chuyên gia y tế và người dân; thu thập trực tiếp thông tin sức khỏe của người dân hoặc thu thập từ cơ sở khám chữa bệnh vào hồ sơ sức khỏe điện tử thông qua các tiêu chuẩn mà ngành y tế đã ban hành.

Tính đến hết tháng 3/2020, toàn quốc đã có 7 nhà cung cấp tham gia triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân và được thực hiện tại 39/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Hiện nay, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội đang phối hợp để quản lý, thống nhất hồ sơ sức khỏe điện tử. Trước mắt sẽ thực hiện hồ sơ sức khỏe điện tử đối với khám, chữa bệnh ngoại trú.

Mặc dù vậy, để triển khai thuận lợi hoạt động khám chữa bệnh từ xa và hồ sơ sức khỏe điện tử thì ngành y tế còn nhiều việc phải làm. Ngành y tế đang xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật để kết nối giữa các phần mềm bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử, phần mềm quản lý trạm y tế xã, phường, thị trấn và phần mềm ứng dụng ở các bệnh viện với nhau. Các phần mềm này phải thống nhất và việc chia sẻ liên kết phải bảo đảm nguyên tắc bảo mật, an toàn thông tin của người bệnh, cơ sở khám bệnh và bệnh viện.

Trong khi đó, một số bệnh viện mới dừng ở việc sử dụng máy tính trong công tác khám chữa bệnh bởi việc đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, tập huấn cho cán bộ y tế cần phải có kinh phí và thời gian. Một số bất cập khác xảy ra ở nhiều địa phương như phần mềm áp dụng chưa liên thông; một số địa phương còn lúng túng khi lựa chọn phần mềm, mã định danh y tế, mẫu hồ sơ và khai thác dữ liệu phục vụ công tác quản lý…

Diệu Linh

Các tin khác
Dịch vụ viêm chủng Dịch vụ xét nghiệm Dịch vụ khử trùng Quan trắc môi trường Khám sức khỏe người lao động Kiểm dịch y tế quốc tế Dịch vụ trực tuyến

                           TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT THÀNH PHỐ HÀ NỘI

                         Địa chỉ cơ quan: - Số 70 Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội (Trụ sở chính)

                                                      - Khu Hành chính mới, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội (Cơ sở 2)

                                                      - Số 1 Ngõ 2, đường Quang Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội (Cơ sở 3)

                         Điện thoại: 02438343537           Hotline: 0949396115                Email: ttksbt_soyt@hanoi.gov.vn               

                         Ghi rõ nguồn: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội khi phát hành lại thông tin