Hà Nội: Chủ động các biện pháp phòng, chống trước tình hình dịch sởi có xu hướng gia tăng
Trong 3 tháng đầu năm 2025, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam cũng diễn biến phức tạp, khó lường. Bệnh Sởi tiếp tục gia tăng nhanh tại nhiều tỉnh, thành phố. Tại Hà Nội, trong 3 tháng đầu năm, bệnh sởi có xu hướng gia tăng. Cụ thể, số mắc Sởi theo tuần có xu hướng tăng từ 2 tháng cuối năm 2024 đến nay. Cộng dồn từ 2024 đến 14/3/2025 toàn thành phố ghi nhận 1.446 trường hợp mắc, 0 tử vong (trong đó 2024: 570 trường hợp, 2025: 876 trường hợp), số mắc trung bình 4 tuần gần đây là 108 trường hợp/tuần. Bệnh nhân ghi nhận tại 377 xã, phường, thị trấn, 30/30 quận, huyện, thị xã, tập trung chủ yếu tại các quận nội thành và huyện giáp ranh, trong đó một số đơn vị có số mắc cao như: Hoàng Mai (221 ca), Hà Đông (100 ca), Thanh Trì (93 ca), Nam Từ Liêm (90 ca), Đống Đa (85 ca), Tây Hồ (71 ca)... Hầu hết bệnh nhân mắc bệnh là trẻ dưới 5 tuổi (66%) và chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ 2 mũi vắc xin phòng bệnh (91%). Ghi nhận số mắc giảm trong nhóm tuổi từ 1-5 tuổi nhưng gia tăng số ca mắc bệnh trong nhóm tuổi 6-9 tháng tuổi trong năm 2025.
Để chủ động triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn Thành phố, ngay từ cuối năm 2024, UBND Thành phố và Sở Y tế đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch. Sở Y tế đã ban hành Kế hoạch số 515/KH-SYT ngày 10/02/2025 về Triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch Sởi trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2025 đồng thời tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến ngày 11/02/2025 với TTYT và các TYT trên toàn địa bàn Thành phố để hướng dẫn, quán triệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của ngành Y tế đảm bảo triển khai thực hiện an toàn, hiệu quả chiến dịch... Đối với công tác giám sát, đáp ứng chống dịch, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC Hà Nội) cùng các TTYT đã tổ chức giám sát chủ động phát hiện bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm tại 68 bệnh viện đóng trên địa bàn Thành phố để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm vào điều trị tại các bệnh viện, từ đó nắm được diễn biến tình hình dịch và đề xuất các biện pháp phòng, chống dịch cần triển khai; Phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để thực hiện hoạt động giám sát tác nhân gây bệnh đối với các tác nhân gây bệnh: Sởi/Rubella, Bại liệt, Tay chân miệng; Giám sát vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh tại các khu vực nguy cơ cao, các địa điểm tổ chức Lễ hội.
Về việc triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch Sởi trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2025, các quận, huyện, thị xã đã bắt đầu triển khai Chiến dịch từ ngày 17/02/2025 và vẫn đang tiếp tục triển khai. Kết quả tính đến ngày 13/03/2025, tỷ lệ tiêm chủng Chiến dịch năm 2025 cho trẻ 6-9 tháng tuổi toàn Thành phố đạt 66%. Đồng thời tiếp tục rà soát tiền sử tiêm chủng của trẻ từ 1-5 tuổi, trẻ tại các trường Tiểu học có học sinh được xác đinh mắc Sởi để tổ chức tiêm bù vắc xin Sởi cho những trẻ chưa được tiêm đủ 02 mũi vắc xin có thành phần Sởi.
Cùng với đó, CDC Hà Nội đã phối hợp với Đài truyền hình Hà Nội tổ chức tọa đàm trực tuyến trên truyền hình về phòng chống bệnh Sởi; đồng thời các đơn vị trong ngành đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông như viết tin bài và quay phóng sự để phát trên sóng truyền hình về công tác phòng chống bệnh Sởi, Cúm, dịch bệnh mùa đông xuân, …; Tăng cường công tác truyền thông phòng chống dịch qua mạng xã hội (zalo, facebook, tiktok) để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh và đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Tổ chức các buổi tiêm chủng thường xuyên đảm bảo an toàn, hiệu quả...
Dự báo trong thời gian tới, số mắc Sởi tiếp tục gia tăng trên địa bàn Thành phố, có thể ghi nhận các trường hợp tử vong do bệnh Sởi (đặc biệt ở nhóm trẻ em mắc các bệnh lý nền, thường xuyên phải nhập viện điều trị). Vì vậy, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các cơ quan y tế, giáo dục phối hợp với các đơn vị liên quan để tiếp tục rà soát và đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin Sởi cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng thường xuyên và trẻ em thuộc đối tượng tiêm chủng Chiến dịch, học sinh tiểu học tại các trường có trẻ mắc Sởi mà chưa được tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vắc xin Sởi theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Đặc biệt lưu ý với Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng chống dịch sởi cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi phải kết thúc muộn nhất vào ngày 31/03/2025, đạt mục tiêu kế hoạch 95% theo chỉ đạo của Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 23/CĐ-TTg ngày 15/3/2025 về việc đẩy nhanh tiêm chủng vắc xin phòng, chống bệnh Sởi. Tăng cường công tác phối hợp Y tế - Giáo dục để phòng chống các dịch bệnh trong trường học. Tổ chức rà soát tiền sử tiêm chủng của trẻ em khi nhập học mầm non, mẫu giáo (2 tuổi), và khi nhập học lớp 1 (6 tuổi), để tiêm chủng bổ sung cho trẻ còn thiếu trước khi nhập học. Khi có trường hợp mắc bệnh tại các trường học thì tổ chức rà soát việc tiêm chủng của trẻ để tiêm chủng cho trẻ còn chưa được tiêm để phòng bệnh kịp thời. Tăng cường các hoạt động truyền thông bằng nhiều hình thức để người dân không chủ quan và chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo khuyến cáo của ngành Y tế. Tổ chức hoạt động Tiêm chủng mở rộng hàng tháng đảm bảo an toàn, hiệu quả: Rà soát tiền sử tiêm chủng để mời đi tiêm bổ sung càng sớm càng tốt.
Để phòng chống bệnh sởi, ngành Y tế Hà Nội khuyến cáo:
1. Chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin phòng bệnh Sởi đi tiêm đầy đủ, đúng lịch và các nhóm tuổi khác (6-9 tháng, 1-5 tuổi) tham gia chiến dịch tiêm vắc xin phòng, chống bệnh sởi theo hướng dẫn của ngành y tế Hà Nội.
2. Không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi; đeo khẩu trang nơi đông người, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ.
3. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày; đảm bảo dinh dưỡng, giữ ấm cơ thể cho trẻ.
4. Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng và đủ ánh sáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.
5. Khi phát hiện có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh Sởi (sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban) cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời.
6. Đối với trẻ trên 5 tuổi và người lớn có thể đến điểm tiêm dịch vụ gần nhất để được tư vấn tiêm bổ sung vắc xin Sởi để củng cố miễn dịch cho cơ thể.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội