Báo chí luôn đồng hành với ngành y tế thủ đô trong sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân
Ngày xuất bản: 20/06/2025

Phát huy sứ mệnh tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, suốt 100 năm qua, Báo chí Cách mạng Việt Nam không ngừng đổi mới, sáng tạo, đồng hành với ngành y tế Việt Nam nói chung và ngành y tế thủ đô nói riêng trong sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Báo chí luôn đồng hành với ngành y tế thủ đô trong sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Ngành Y tế là một ngành đặc thù, việc truyền thông tốt sẽ làm thay đổi hành vi, nhận thức của người dân từ đó không chỉ nâng cao sức khỏe mà còn góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với hệ thống an sinh xã hội. Những năm gần đây, truyền thông trong lĩnh vực y tế đang ngày càng thể hiện vai trò quan trọng. Để được chăm sóc sức khỏe tốt, để mối quan hệ giữa cơ sở y tế – thầy thuốc – bệnh nhân thực sự thấu hiểu, chia sẻ với nhau, thì công tác thông tin, tuyên truyền hay truyền thông y tế đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong quý I năm 2025, các cơ sở y tế trên địa bàn đã thực hiện khám bệnh cho hơn 2,34 triệu lượt bệnh nhân, trong đó có trên 1,4 triệu lượt bệnh nhân khám bảo hiểm y tế. Tổng số lượt điều trị ngoại trú tăng 32,2%; điều trị nội trú tăng 26,7%; số ca phẫu thuật thực hiện tăng 30,5% so với quý I năm 2024. Ngoài ra, các chỉ số xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng cũng tăng, từng bước đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân. Song song với đó, công tác chủ động phòng chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố được đẩy mạnh, ngành y tế thủ đô sớm xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống các dịch bệnh thường xuyên lưu hành trên địa bàn, không để phát sinh dịch lớn, có các biện pháp phòng, chống các bệnh thường xuyên xuất hiện như sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng...; chỉ đạo các đơn vị trong ngành từ dự phòng và điều trị chủ động làm tốt chức năng nhiệm vụ của mình để hạn chế thấp nhất hậu quả dịch bệnh gây ra. Ngành y tế cũng tham mưu với UBND thành phố, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố ban hành kế hoạch, công văn, tổ chức giao ban để chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay. Các đơn vị trong hệ thống y tế dự phòng làm tốt công tác giám sát, dự báo tình hình dịch bệnh, chủ động triển khai các hoạt động phòng bệnh như diệt bọ gậy, tuyên truyền phòng, chống sốt xuất huyết, tiêm chủng vắc xin. Trong 4 tháng đầu năm 2025, thành phố đã tổ chức 3 đợt chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng sởi cho trẻ từ 6 tháng đến 15 tuổi, thực hiện trên 150.000 mũi tiêm, góp phần kiểm soát bệnh sởi...

Phóng viên khoa Truyền thông GDSK (áo xanh đứng thứ 2 từ trái sang) cùng các báo chí ghi hình phản ánh hoạt động phòng chống đại dịch Covid-19 của ngành Y tế trong đêm tại Hạ Lôi - Mê Linh.

Xác định truyền thông là kim chỉ nam, là sợi chỉ xuyên suốt, luôn đi đầu sáng tạo, lan tỏa những kết quả tích cực, những thành tựu của ngành y tế với người dân. Từ đó tạo sự tin tưởng của các ban ngành, lãnh đạo các cấp đối với ngành y tế và của người dân trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Để bảo đảm thông suốt về thông tin, tránh gây hoang mang không đáng có, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) Hà Nội là đầu mối thực hiện nắm bắt, xử lý, cung cấp thông tin y tế thông qua hệ thống điểm báo thông tin y tế, đẩy lùi tin giả, tin sai sự thật. Cùng với đó, Sở Y tế luôn chủ động cung cấp thông tin, tăng cường truyền thông các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vận động, khuyến khích người dân tham gia tiêm chủng vắc xin đầy đủ, đúng lịch, tuyên truyền các kỹ thuật mới, những thành tựu nổi bật của ngành y tế đến toàn thể nhân dân.

Không chỉ vậy, ngành y tế thủ đô đã có mạng lưới truyền thông giáo dục sức khỏe rộng khắp tại từ thành phố đến trung tâm y tế quận, huyện, thị xã và các trạm y tế xã, phường, thị trấn. Khoa Truyền thông, giáo dục sức khoẻ - CDC Hà Nội được giao là đầu mối của mạng lưới truyền thông y tế, các cán bộ của khoa được đào tạo chuyên sâu về báo chí, truyền thông, chuyên môn y tế. Sự duy trì mối liên hệ hợp tác với cơ quan báo chí, đài phát thanh và truyền hình... sự nỗ lực, chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch truyền thông, sản xuất sản phẩm truyền thông y tế với loại hình như tin, bài, phóng sự, ảnh, video truyền hình... tuyền tải thông tin đến người dân. Bên cạnh đó Khoa Truyền thông, giáo dục sức khoẻ cũng thường xuyên bám sát các hoạt động của ngành y tế nhằm cung cấp kịp thời thông tin, diễn biến tình hình dịch bệnh truyền nhiễm, các thành tựu của ngành y tế trên địa bàn, truyền tải minh bạch thông tin để người dân biết đến và chủ động nắm bắt các biện pháp chăm sóc sức khỏe và thực hiện khuyến cáo của ngành y tế. Qua các phương tiện truyền thông của Sở, CDC Hà Nội, sự đồng hành của các cơ quan báo chí, các thông điệp phòng chống dịch bệnh từ đó được truyền tải nhanh chóng đến người dân

Đặc biệt hiện nay, các đơn vị y tế từ khối điều trị đến y tế dự phòng đều đã thành lập các website, fanpage, cập nhật thường xuyên, liên tục đăng tải tin, bài, các hoạt động về y tế trên trang thông tin của đơn vị. Các bệnh viện, trung tâm y tế thành lập các tổ truyền thông, bố trí cán bộ phụ trách truyền thông sản xuất nhiều tin, bài, video clip truyền tải thông tin về sức khỏe đến với cộng đồng nhanh, hiệu quả.

Cùng với dòng chảy thời gian, những nỗ lực và thành tựu của ngành y tế thủ đô, thông qua việc phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế và các cơ quan báo chí, vừa thông tin, phản ánh kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và thành phố trong việc bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa định hướng dư luận, phản biện kịp thời các vấn đề liên quan đến lĩnh vực của ngành y trong công cuộc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân nhân, chủ động “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Với sự vào cuộc của hệ thống cơ quan thông tấn, báo chí đã tạo dòng chảy thông tin chính thống, góp phần truyền tải nhanh chóng, chính sác các quan điểm chỉ đạo của Đảng, chính sách của Nhà nước về phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Thông qua việc phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế và các cơ quan báo chí, các hoạt động, thành tựu của ngành y tế được truyền tải đến người dân.

Có những thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, điển hình dịch bệnh Covid-19 hay sốt xuất huyết, sởi... các cơ quan thông tấn, báo chí đã chủ động nhập cuộc, tăng thêm thời lượng, mở thêm chuyên mục, bố trí thêm phóng viên, biên tập viên để khai thác mọi chủ đề của đời sống liên quan dịch bệnh, không ngại các điểm nóng, ổ dịch, thực hiện cập nhật thông tin 24/7. Qua đó, các thông tin chính thống, chính xác về phòng, chống dịch tạo một dòng chảy chủ đạo của tuyên truyền trong phòng, chống dịch bệnh, tạo được niềm tin của người dân đối với sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp.

Báo chí đóng vai trò đặc biệt, tiên phong cung cấp các thông tin về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Lực lượng báo chí phát huy tinh thần chủ động, nhanh nhạy, kịp thời, sáng tạo không ngừng cung cấp thông tin chính thống, chính xác cho các tầng lớp nhân dân trong phòng, chống dịch bệnh; phản ánh những tấm gương tận tụy, hy sinh của lực lượng tuyến đầu chống dịch, tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái và sự sẻ chia trong cộng đồng để cùng nhau vượt qua đại dịch… Ngành y tế chủ động phối hợp các cơ quan báo chí thành phố tăng cường công tác tuyên truyền với nhiều hình thức sáng tạo trên các loại hình, mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến. Các chiến dịch truyền thông giúp người dân chủ động tham gia các hoạt động phòng bệnh như hưởng ứng tham gia các chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng bệnh, tham gia đưa con em bổ sung vitamin A, thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, diệt muỗi, bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết... Từ đó góp phần quan trọng trong việc loại trừ các yếu tố nguy cơ gây bệnh cũng như không để bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng.

Báo chí thực sự trở thành cầu nối vững chắc cho các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực y tế với người dân và góp phần xây dựng một xã hội văn minh, khỏe mạnh. Báo chí không chỉ phản ánh trung thực mà còn là cầu nối hiệu quả, giúp lan tỏa các thông tin chính thống và xây dựng niềm tin, cùng với ngành y tế thủ đô vượt qua các thử thách. Thời gian tới, ngành Y tế Thủ đô tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý điều hành, khám bệnh, chữa bệnh, hoàn thành triển khai bệnh án điện tử tại các bệnh viện để người dân được thụ hưởng các tiện ích trong khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe toàn diện. Đồng thời, ngành y tế thủ đô đẩy mạnh hợp tác quốc tế, phát triển khoa học kỹ thuật chuyên sâu, kỹ thuật mới, các dịch vụ y tế chất lượng cao… phục vụ tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân. Các cơ quan báo chí sẽ tiếp tục đồng hành, truyền tải những thông tin, hình ảnh phản ánh chân thực nhất sự hy sinh thầm lặng, cũng như những chiến công của các chiến sĩ áo trắng. Đồng thời, luôn sát cánh với ngành y tế thành phố trong những nỗ lực tìm ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn, góp phần huy động sức mạnh của toàn xã hội trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Thắng Đạt

Các tin khác
Dịch vụ viêm chủng Kênh thông tin Cải cách hành chính và chuyển đổi số Quan trắc môi trường Dịch vụ xét nghiệm Khám sức khỏe người lao động Kiểm dịch y tế quốc tế Dịch vụ khử trùng

                           TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT THÀNH PHỐ HÀ NỘI

                         Địa chỉ cơ quan: - Số 70 Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội (Trụ sở chính)

                                                      - Khu Hành chính mới, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội (Cơ sở 2)

                                                      - Số 1 Ngõ 2, đường Quang Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội (Cơ sở 3)

                         Điện thoại: 02438343537           Hotline: 0866067525                Email: ttksbt_soyt@hanoi.gov.vn               

                         Ghi rõ nguồn: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội khi phát hành lại thông tin