Chế độ dinh dưỡng hợp lý đối với bệnh nhân mắc thận mạn tính
Ngày xuất bản: 03/08/2019

Thận đóng vai trò như một nhà máy xử lý rác thải, loại bỏ những chất độc hại và giữ thăng bằng nước, các chất khoáng cần thiết cho cơ thể. Khi bị bệnh thận mạn, chức năng này của thận sẽ bị suy giảm. Chế độ dinh dưỡng hợp lý là yếu tố then chốt để quyết định chiến đấu tiếp hay dừng bước trước cuộc chiến chống lại biến chứng của bệnh thận mạn.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bệnh nhân thận mạn tính bao gồm: giúp bệnh nhân không bị suy dinh dưỡng, giảm tải để bảo tồn chức năng thận còn lại, kiểm soát việc tạo lập chất thải từ thức ăn; hỗ trợ bệnh nhân hạn chế tình trạng buồn nôn, ngứa, chán ăn cũng như giữ cân nặng và  khối lượng cơ; cung cấp đủ năng lượng cho hoạt động hàng ngày và kiểm soát đường huyết. Chế độ dinh dưỡng thích hợp cần được bắt đầu sớm ngay khi bệnh nhân được chẩn đoán bệnh thận mãn. Chế độ ăn trong điều trị bệnh thận mạn cần đáp ứng 4 nguyên tắc sau: ít đạm, dùng protein quý có giá trị sinh học cao, đủ acid amin thiết yếu, tỷ lệ hấp thu cao. Giàu năng lượng, đủ để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng trong cơ thể. Đủ vitamin, yếu tố vi lượng, chống thiếu máu. Đảm bảo cân bằng nước - muối, ít toan, đủ canxi, ít phosphat.
 
Tuy nhiên, khẩu phần ăn dành cho mỗi bệnh nhân là hoàn toàn khác nhau, phụ thuộc vào độ tuổi, tiền sử bệnh, giai đoạn bệnh, chức năng thận, hoạt động thể lực và những yếu tố khác. Dinh dưỡng trong điều trị không chỉ làm chậm quá trình xơ hóa cầu thận mà còn kéo dài thời gian cần phải lọc máu. Nguyên tắc chung về chế độ ăn điều trị suy thận mạn: là chế độ ăn nhằm hạn chế tăng ure máu và làm chậm quá trình suy thận mạn tính. Chế độ ăn này tuỳ theo từng giai đoạn của suy thận mạn tính và tuỳ thuộc vào từng bệnh nhân có lọc hay không lọc máu, dựa trên các nguyên tắc sau:
 
Protein (chất đạm) là thành phần dinh dưỡng vô cùng quan trọng. Thiếu đạm, bệnh nhân dễ bị mắc thêm các bệnh phối hợp khác và có nguy cơ tử vong. Tuy nhiên, ure bị ứ đọng do sự thoái biến của protein ở những bệnh nhân bị suy thận sẽ khiến cho tình trạng bệnh thêm nặng nề. Nếu không lọc máu phải giảm protein trong khẩu phần, dùng protein có giá trị sinh học cao để hạn chế  tăng urê máu, chủ yếu là dùng nguồn protein động vật như protein của trứng, sữa, thịt, cá... Các nguồn protein thực vật như protein của gạo, ngô, đậu đỗ... phải hạn chế. Lượng protein phụ thuộc vào mức độ suy thận: suy thận độ 1: 0,8g/kg/ngày; suy thận độ 2: 0,6g/kg/ngày; suy thận độ 3 và 4: 0,55g/kg/ngày. Nếu có lọc máu: chạy thận nhân tạo: 1-1,2g/kg/ngày.
 
Năng lượng: cần ăn đủ nhu cầu năng lượng để có thể hạn chế ure máu tăng. Trung bình năng lượng ở mức 30 - 35 kcal/kg/ngày. Chất bột: nên sử dụng các chất bột ít chất đạm như bột sắn, mì miến, khoai củ (bột sắn dong, bột sắn dây, miến dong ...). Ăn ít gạo, mì, ngô ... vì có nhiều đạm thực vật. Lipid: nên chiếm từ 20 - 25% năng lượng khẩu phần. Trong đó 1/3 acid béo không no một nối đôi và 1/3 acid béo không no nhiều nối đôi.
 
Vitamin và chất khoáng: chế độ ăn đầy đủ các vitamin và chất khoáng nên chọn các thực phẩm giàu sắt, vitamin B12, acid folic, vitamin B6... để chống thiếu máu cho bệnh nhân; giàu các vitamin nhóm B để chuyển hoá năng lượng của khẩu phần. Có thể dùng các loại rau, quả nhưng nên giảm những loại rau có hàm lượng đạm cao. Do chế độ ăn kiêng khem nên nhiều người thận mạn bị thiếu vitamin, đặc biệt là các loại protein tan trong nước. Việc bổ sung vitamin là cần thiết. Tuy nhiên, người bệnh không nên tự ý mua các loại thuốc bổ để bổ sung vitamin vì nó có thể có thành phần gây hại cho bệnh nhân thận mạn. Khi chế độ dinh dưỡng tiết chế cho thấy có hiệu quả, nghĩa là các chỉ số xét nghiệm đã nằm trong ngưỡng cho phép thì nên thay đổi thực đơn, thêm nhiều gia vị phong phú, nhiều màu sắc, nhằm kích thích người bệnh ăn ngon miệng hơn. Nên tăng cường ăn các loại thực phẩm, các loại dầu ăn chứa nhiều acid béo không no và omega 3.
 
Đảm bảo cân bằng nước, muối: Ăn nhạt khi có phù, tăng huyết áp, suy tim. Trung bình 2 - 4 g muối / ngày. Cụ thể: lượng nước hàng ngàyở người lớn = lượng nước tiểu/ 24giờ + (500 - 700 ml); lượng nước hàng ngàyở trẻ em = lượng nước tiểu/ 24 giờ + 200 ml.
 
Bệnh nhân mắc thận mạn tính nên thải bớt 2 chất kali, phốt pho khi chế biến thực phẩm bằng cách cắt nhỏ, ngâm thực phẩm trong nước, nên nấu vài lần rồi bỏ nước trước khi ăn. Những loại hoa quả giàu kali như xoài, chuối, bí đỏ...., thức ăn từ sữa như bánh sữa, sữa chua..., các loại phô mai, nội tạng động vật như gan, thận... cũng nên hạn chế sử dụng trong chế độ ăn của người bị bệnh thận mạn.
 
Bệnh thận mạn tính thường được chia thành 5 giai đoạn và mỗi một giai đoạn của bệnh sẽ quyết định chế độ ăn phù hợp. Chế độ dinh dưỡng với bệnh nhân mắc thận mạn tính rất quan trọng, chính vì vậy, cần phải nắm rõ và thực hiện những nguyên tắc dinh dưỡng cơ bản để bảo tồn chức năng của thận đồng thời hạn chế những nguy cơ biến chứng của bệnh có thể xảy ra.

 

Duy Tuân

Các tin khác
Dịch vụ viêm chủng Dịch vụ xét nghiệm Dịch vụ khử trùng Quan trắc môi trường Khám sức khỏe người lao động Kiểm dịch y tế quốc tế Dịch vụ trực tuyến

                           TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT THÀNH PHỐ HÀ NỘI

                         Địa chỉ cơ quan: - Số 70 Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội (Trụ sở chính)

                                                      - Khu Hành chính mới, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội (Cơ sở 2)

                                                      - Số 1 Ngõ 2, đường Quang Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội (Cơ sở 3)

                         Điện thoại: 02438343537           Hotline: 0949396115                Email: ttksbt_soyt@hanoi.gov.vn               

                         Ghi rõ nguồn: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội khi phát hành lại thông tin