Giao lưu trực tuyến những điều cần biết để phòng tránh vi rút corona mới (nCoV)
Ngày xuất bản: 09/02/2020

Chiều ngày 7/2/2020, báo Lao động Thủ đô tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Những điều cần biết để phòng tránh vi rút Corona (nCoV)”, nhằm giải đáp các vấn đề bạn đọc quan tâm liên quan tới dịch bệnh nguy hiểm này.

BSCKII Khổng Minh Tuấn, PGĐ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội tham dự buổi giao lưu trực tuyến

Khách mời tham dự buổi giao lưu và trả lời thắc mắc của người dân có PGS.TS.BS Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương; TS.BS Đoàn Thu Trà, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai; BSCKII Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội.

Tại buổi giao lưu trực tuyến, PGS.TS.BS Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết: Vi rút corona được phát hiện tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc vào khoảng giữa tháng 12/2019, khi một nhóm người bị viêm phổi không rõ nguyên nhân tiếp xúc với những người buôn bán, làm việc tại chợ hải sản mua bán động vật tại đây. Người ta nghi ngờ nguồn lây từ những động vật hoang dã. Tổ chức Y tế thế giới ký hiệu là  “2019 - nCoV”. Cơ chế lây truyền của vi rút corona chủ yếu lây truyền qua các giọt nước bọt của người nhiễm bệnh khi ho hoặc hắt hơi văng ra ngoài môi trường, trong khoảng dưới 2m; hoặc khi những dịch tiết từ nước bọt của người bệnh, hoặc người mang mầm bệnh bắn ra ngoài môi trường, tụ lại ở những vật dụng như tay nắm cửa, bàn ghế, điện thoại… người khỏe mạnh khi tiếp xúc phải trong thời gian vi rút đang hoạt động thì có nguy cơ nhiễm, mắc bệnh rất cao. Theo các chuyên gia y tế hiện nay còn một đường lây nữa là qua đường tiêu hóa, cụ thể là qua phân thải ra môi trường.

Phương tiện nhằm bảo vệ cá nhân phòng tránh lây nhiễm vi rút corona hiện nay được người dân tăng cường sử dụng là khẩu trang y tế. Do kích thước của vi rút này lớn hơn vi rút trực khuẩn khác như vi khuẩn lao, nên người khỏe mạnh và người bệnh có thể sử dụng khẩu trang y tế thông thường hoặc khẩu trang vải được vệ sinh và giặt sạch sẽ, đảm bảo khử khuẩn hàng ngày là có thể phòng chống bệnh. Bên cạnh đó, người dân cần kết hợp với các biện pháp khác như rửa tay thường xuyên bằng dung dịch sát khuẩn, xà phòng… Người dân có thể sử dụng sả, bồ kết, dầu tràm… đây là những loại có chứa tinh dầu, theo truyền thống là để xông hơi, xông nhà, khử khuẩn, diệt vi trùng trong không gian sống. Bởi vậy, trong những vùng dịch hoặc không khí ẩm mốc như hiện nay thì việc sử dụng các loại tinh dầu như sả, bồ kết, dầu tràm là rất hữu ích.

Để nhận biết các triệu chứng giữa những người mắc bệnh nCoV và người bị cúm, theo TS.BS Đoàn Thu Trà, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai thì triệu chứng của người nhiễm vi rút nCoV và cúm trong thời kỳ ủ bệnh thường giống nhau với các biểu hiện như: Ho, sốt, khó thở, đau mỏi người, đau đầu. Vì vậy, trong giai đoạn đầu rất khó xác định. Vi rút nCoV thời kỳ ủ bệnh kéo dài từ 2 - 14 ngày và trong thời gian này có thể không có các triệu chứng vì vậy vấn đề dịch tễ rất quan trọng để phát hiện sớm, cách ly làm các xét nghiệm sàng lọc và có kết quả chẩn đoán chính xác. Đây là lý do chúng ta khi có các triệu chứng cúm phải vào bệnh viện để được khám, tư vấn, làm các xét nghiệm loại trừ bị nhiễm cúm thông thường. Đặc biệt, với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, chúng ta có thể nhiễm cúm A/H5N1 cũng rất nguy hiểm nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Theo BSCKII Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội chia sẻ: Vi rút nCoV hoạt động mạnh trong điều kiện nhiệt độ dưới 20 độ C, từ 20-25 độ C sẽ hoạt động hạn chế, vi rút dễ bị tiêu diệt bởi các chất diệt khuẩn thông thường. Vì vậy để phòng chống bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của vi rút nCoV gây ra, chúng ta cần phải thường xuyên lau, rửa nền nhà, các vật dụng nơi ở và nơi làm việc hằng ngày bằng các chất tẩy rửa thông thường. Khi có trường hợp bệnh nghi ngờ hay xác định cơ quan chuyên môn sẽ phun hóa chất kháng khuẩn (CloraminB) tại nơi ở và làm việc của bệnh nhân. Những người khi có 1 trong 4 triệu chứng sau đây: sốt, ho, khó thở, viêm phổi kèm theo yếu tố dịch tễ là đi từ vùng có dịch nhập cảnh vào Việt Nam trong vòng 14 ngày; hoặc nhập cảnh vào Việt Nam từ các quốc gia khác ngoài Trung Quốc có trường hợp đã xác định; có tiền sử đến, ở, về từ vùng dịch đang hoạt động tại Việt Nam trong vòng 14 ngày; tiếp xúc gần với trường hợp bệnh xác định hay trường hợp bệnh nghi ngờ ở Việt Nam trong vòng 14 ngày là những trường hợp bệnh nghi ngờ cần phải được cách ly theo dõi điều trị tại bệnh viện và lấy mẫu xét nghiệm. Khi các trường hợp này có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV được coi là trường hợp bệnh xác định.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh có hiệu quả, bác sĩ Khổng Minh Tuấn khuyến cáo cần thực hiện tốt các biện pháp sau: Không đến vùng có dịch; hạn chế đến nơi đông người, trong trường hợp cần đến nơi đông người cần sử dụng khẩu trang và rửa tay với xà phòng; hạn chế tiếp xúc với người đang mắc bệnh đường hô hấp cấp tính, khi cần tiếp xúc cần phải đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách ít nhất 2m khi tiếp xúc; người có dấu hiệu ho, sốt, khó thở phải đeo khẩu trang bảo vệ và thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời; vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên hàng ngày với xà phòng và nước sạch, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; đảm bảo an toàn thực phẩm, chỉ sử dụng thực phẩm đã được nấu chín; không mua bán, tiếp xúc với các loài động vật hoang dã. Thường xuyên vệ sinh nơi ở, nơi làm việc, tăng cường mở cửa để lưu thông không khí, hạn chế sử dụng điều hòa, giữ ấm cơ thể, thường xuyên hoạt động thể dục thể thao.

Duy Tuân

Các tin khác
Dịch vụ viêm chủng Dịch vụ xét nghiệm Dịch vụ khử trùng Quan trắc môi trường Khám sức khỏe người lao động Kiểm dịch y tế quốc tế Dịch vụ trực tuyến

                           TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT THÀNH PHỐ HÀ NỘI

                         Địa chỉ cơ quan: - Số 70 Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội (Trụ sở chính)

                                                      - Khu Hành chính mới, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội (Cơ sở 2)

                                                      - Số 1 Ngõ 2, đường Quang Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội (Cơ sở 3)

                         Điện thoại: 02438343537           Hotline: 0949396115                Email: ttksbt_soyt@hanoi.gov.vn               

                         Ghi rõ nguồn: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội khi phát hành lại thông tin