Truyền thông là giải pháp chủ đạo trong công tác phòng chống tác hại của thuốc lá
Ngày xuất bản: 01/06/2020

Ai cũng biết hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ. Tuy nhiên, tỷ lệ người hút thuốc lá hàng năm tại Việt Nam vẫn còn cao. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng này, trong đó có sự hiểu biết một cách cụ thể về tác hại của khói thuốc lá đối với người hút thuốc còn hạn chế. Điều này đòi hỏi cần tăng cường hơn nữa biện pháp truyền thông về thuốc lá và tác hại của thuốc lá đối với sức khoẻ.

Tại Quyết định số 229/QĐ-TTg ngày 25/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020 đã xác định: “Thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại thuốc lá là giải pháp chủ đạo”.

Xác định rõ vai trò, trong thời gian qua, các cơ quan báo chí truyền thông tham gia tích cực vào hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá. Báo chí, truyền thông đã góp phần đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền về tác hại của thuốc lá tới cộng đồng; phản ánh chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá; tuyên truyền rộng rãi những tấm gương điển hình về việc thực hiện môi trường không khói thuốc; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân về phòng, chống tác hại của thuốc lá trên mọi phương tiện, thể loại và hình thức.

Cán bộ y tế tuyên tuyền về tác hại của thuốc lá cho người dân khi đến khám bệnh.

Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) từ khi được thành lập đã hỗ trợ kinh phí cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện hoạt động tuyên truyền, phổ biến tác hại thuốc lá và pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá cho nhiều nhóm đối tượng với nhiều nội dung, hình thức đa dạng. Đơn cử như tuyên truyền thông qua các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương và địa phương, trang mạng xã hội, hoạt động truyền thông trực tiếp, các cuộc thi, nói chuyện chuyên đề, hội thảo hoặc lồng ghép trong các buổi sinh hoạt tập thể…

Đồng thời, Bộ Y tế, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương cũng đã triển khai xây dựng mô hình điểm không khói thuốc như thành phố, điểm du lịch không khói thuốc, khách sạn không khói thuốc, nhà hàng không khói thuốc, cơ sở y tế không khói thuốc, trường học không khói thuốc. Đến nay, đã có 4 thành phố xây dựng mô hình thành phố du lịch không khói thuốc là TP Hạ Long, Nha Trang, Hội An, Bà Rịa - Vũng Tàu. Năm 2018, có 2 thành phố du lịch là Hạ Long và Hội An được Liên minh phòng, chống tác hại thuốc lá Đông Nam Á trao tặng bằng khen công nhận thành phố du lịch không khói thuốc.

Cũng thông qua hỗ trợ các sáng kiến phòng chống tác hại thuốc lá, một số mô hình xây dựng môi trường không khói thuốc lá được thực hiện. Trong đó, Hội Y tế công cộng Việt Nam đã kiện toàn mạng lưới phòng, chống tác hại thuốc lá ở tuyến cơ sở, huy động những người cao tuổi còn khỏe mạnh, minh mẫn và tình nguyện đóng góp cho cộng đồng, tham gia phụ trách truyền thông cho một cụm hộ gia đình về phòng, chống tác hại thuốc lá, quy định cấm hút thuốc ở nơi công cộng và ngôi nhà không khói thuốc.

Ngoài ra, các sáng kiến phòng, chống tác hại thuốc lá còn được tổ chức, lồng ghép trong các chương trình, sự kiện của bộ, ngành như Tổ ấm không khói thuốc của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Ủy ban Dân tộc xây dựng môi trường không khói thuốc lá cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng Tây Bắc, Tây Nam Bộ; Festival biển không khói thuốc tại Nha Trang, tàu du lịch không khói thuốc tại Khánh Hòa… Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đưa tiêu chí không hút thuốc vào hệ thống các tiêu chí công nhận gia đình văn hóa. Đặc biệt, Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông hàng năm phát động “Cuộc thi viết về phòng, chống tác hại của thuốc lá”, đồng thời, thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, cập nhật, cung cấp thông tin định kỳ cho phóng viên báo chí để có thêm nhiều bài viết có chất lượng về chủ đề này.

Năm nay, để hưởng ứng Ngày Thế giới không khói thuốc lá (31/5) và Tuần lễ quốc gia không khói thuốc lá (25 - 31/5), Cổng thông tin điện tử Trung ương Đoàn đã phối hợp với Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Tổ chức Y tế cộng đồng toàn cầu Vital Strategies phát động cuộc thi “Thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá điện tử - No Smoking Challenge”. Cuộc thi nhằm chỉ rõ tác hại nghiêm trọng của việc nghiện chất nicotine trong sản phẩm thuốc lá, đặc biệt ở thanh thiếu niên.

Thông qua các hoạt động tuyên truyền chủ động và đa dạng, công tác phòng, chống tác hại thuốc lá đã đạt được những kết quả tích cực. Theo báo cáo của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, giai đoạn 2014 - 2018, tỷ lệ hút thuốc lá giảm ở hầu hết đối tượng, khu vực. Nghiên cứu đánh giá hàng năm đối với các chiến dịch truyền thông của Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá thực hiện cũng cho thấy, trong giai đoạn 2014 - 2018, nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá đã tăng lên rõ rệt, 70% số người hút thuốc nói rằng họ đã cố gắng bỏ thuốc và 61% người không hút thuốc cho biết đã khuyến khích người hút thuốc bỏ thuốc khi được tiếp nhận các thông tin từ chiến dịch truyền thông. Hiện 95,7% cộng đồng đã nhận thức được tác hại của thuốc lá và 87% người dân biết về tác hại của thuốc lá thụ động.

Song, giữa nhận thức và hành vi vẫn còn khoảng cách quá xa, số người hút thuốc trong cộng đồng vẫn chưa có nhiều biến chuyển sau nhiều năm vận động, tuyên truyền. Chính vì vậy, Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới và mỗi năm có khoảng 40.000 ca tử vong liên quan đến sử dụng thuốc lá. Nếu không có giải pháp can thiệp mạnh tay từ phía cơ quan chức năng và sự thay đổi trong hành vi của người dân, dự tính số người tử vong vì hút thuốc vào năm 2030 sẽ lên đến 70.000 người.

Để đạt mục tiêu giảm tỷ lệ người hút thuốc xuống dưới 39% vào năm 2020 này, theo Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, các ban ngành, cơ quan, đơn vị cần đẩy mạnh tuyên truyền quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; cấm quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị thuốc lá dưới mọi hình thức; tuyên truyền về mô hình, tấm gương cơ quan, đơn vị thực hiện tốt quy định về môi trường không khói thuốc…

Lam Dương

Các tin khác
Dịch vụ viêm chủng Dịch vụ xét nghiệm Dịch vụ khử trùng Quan trắc môi trường Khám sức khỏe người lao động Kiểm dịch y tế quốc tế Dịch vụ trực tuyến

                           TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT THÀNH PHỐ HÀ NỘI

                         Địa chỉ cơ quan: - Số 70 Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội (Trụ sở chính)

                                                      - Khu Hành chính mới, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội (Cơ sở 2)

                                                      - Số 1 Ngõ 2, đường Quang Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội (Cơ sở 3)

                         Điện thoại: 02438343537           Hotline: 0949396115                Email: ttksbt_soyt@hanoi.gov.vn               

                         Ghi rõ nguồn: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội khi phát hành lại thông tin