Luôn luôn đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu trong công tác phòng chống dịch
Ngày xuất bản: 30/05/2020

Đây là nhấn mạnh của PGS.TS Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội trong buổi giao ban y tế cơ sở với Phòng Y tế, Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố sáng ngày 29/5.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh phát biểu tại buổi giao ban.

Theo báo cáo tình hình dịch bệnh đến ngày 28/5, Hà Nội ghi nhận 114 trường hợp mắc Covid-19, chưa có trường hợp tử vong. Đã có 113 trường hợp được thông báo khỏi bệnh, còn 1 trường hợp đang tiếp tục cách ly điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

Bệnh sởi ghi nhận 14 trường hợp, chưa có trường hợp tử vong giảm nhiều so với cùng kỳ năm ngoái (1.363/0). Bệnh sốt xuất huyết ghi nhận 155 trường hợp, chưa có trường hợp nào tử vong giảm so với số mắc cùng kỳ năm 2019 (348/0). Bệnh tay chân miệng ghi nhận 26 trường hợp, chưa có trường hợp tử vong (266/0). Bệnh ho gà ghi nhận 5 trường hợp, chưa có trường hợp tử vong giảm so với năm 2019 (69/0). Bệnh uốn ván ghi nhận 3 trường hợp, chưa có trường hợp tử vong giảm 2 trường hợp so với năm ngoái. Bệnh dại ghi nhận 1 trường hợp, 1 tử vong tại Cầu Giấy. Bệnh não mô cầu ghi nhận 2 trường hợp, chưa có trường hợp tử vong.

Về công tác xây dựng tiêu chí quốc gia y tế xã, đến nay 100% các quận, huyện, thị xã đã hoàn thành xây dựng xã đạt tiêu chí quốc gia y tế xã.

Đối với công tác khám chữa bệnh, trong 4 tháng đầu năm số lượt khám chữa bệnh được bệnh viện tuyến trên hỗ trợ khám chữa bệnh tại các trạm y tế là 9.943 lượt chủ yếu các chuyện khoa nội, mắt, y học cổ truyền. Trong những tháng đầu năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại phòng khám đa khoa và trạm y tế có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2019. Tổng số lượt khám chữa bệnh tính từ 1/1 đến 30/4 là 876.036 lượt, trong đó tại phòng khám đa khoa là 339.091 lượt, tại trạm y tế là 536.945 lượt. Số lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là 701.887, số lượt khám y học cổ truyền là 189.472. Bệnh đái tháo đường 54.499 được quản lý tại các trạm y tế và phòng khám đa khoa, 22.352 người được khám, cấp thuốc điều trị. Tăng huyết áp 154.967 được quản lý tại các trạm y tế và phòng khám đa khoa, 83.080 được cấp thuốc điều trị. Các bệnh không lây nhiễm khác (hen phế quản, tim mạch…) 4.884 lượt được điều trị, 15.165 được quản lý tại các trạm y tế và phòng khám đa khoa.

Công tác hành nghề y dược tư nhân, kiểm tra việc đáp ứng công tác phòng chống dịch Covid-19 tại toàn bộ các bệnh viện (39), phòng khám đa khoa (155) và cơ sở bán lẻ thuốc (50). Kiểm tra hậu kiểm trên địa bàn các quận, huyện: Long Biên, Đông Anh, Hà Đông, Gia Lâm, Đống Đa, Thanh Xuân với tổng số 21 cơ sở khám chữa bệnh. Đồng thời, trong công tác dược cũng đã có hướng dẫn xây dựng nhu cầu thuốc đầu thầu tập trung cấp địa phương, thuộc danh mục đàm phán giá năm 2020, lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc năm 2020-2021 đối với các gói thầu tại đơn vị.

Về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, các hoạt động tuyên truyền về an toàn thực phẩm được chú trọng, tập trung tuyên truyền an toàn thực phẩm phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Canh tý, lễ hội xuân năm 2020. Đưa tin nhanh về kết quả thanh kiểm tra an toàn thực phẩm. Đặc biệt tuyên truyền lồng ghép với phòng chống dịch Covid-19, tuyên truyền ăn chín uống sôi, hạn chế dùng thực phẩm có nguồn gốc động vật hoang dã. Tổ chức 3 lần hướng dẫn đảm bảo an toàn thực phẩm trong phòng chống dịch Covid-19 đối với cơ sở dịch vụ ăn uống. Tập huấn an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể tại Ban quản lý khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội với sự tham gia của 197 doanh nghiệp/2 buổi. Tổ chức các đoàn giám sát an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể bệnh viện, bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung phục vụ bữa ăn phòng chống dịch Covid-19. Bên canh đó, thành lập 822 đoàn thanh kiểm tra (trong đó có 719 đoàn liên ngành). Kiểm tra đạt 37.280/42.125 lượt cơ sở (đạt 85,5%), trong đó tuyến huyện, xã kiểm tra 37.175 lượt cơ sở, tuyến thành phố kiểm tra 105 lượt cơ sở. Phạt tiền 687 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Số lượt kiểm tra an toàn thực phẩm và xử phạt vi phạm 5 tháng đầu năm 2020 giảm so với cùng kỳ năm 2019 là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các cơ sở sản xuất, kinh doanh đóng cửa, hạn chế kinh doanh. Trong 5 tháng đầu năm nay, Sở Y tế Hà Nội cũng đã chỉ đạo Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp với địa phương điều tra kịp thời, khẩn trương 2 vụ ngộ độc thực phẩm. Một vụ ngộ độc rượu với 12 người mắc, 3 người tử vong xảy ra tại xã Kiêu Kỵ, Gia Lâm và một vụ ngộ độc thực phẩm tại Công ty TNHH cao su Inoue Việt Nam (Mê Linh) với 29 người mắc, không có trường hợp tử vong.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội Khổng Minh Tuấn, công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn cơ bản được khống chế (44 ngày qua không có thêm ca nhiễm mới). Việt Nam đứng thứ 6 trên tổng số 10 nước Đông Nam Á khống chế tốt dịch bệnh nguy hiểm này. Tuy nhiên, vẫn tiếp tục kiểm soát lượng hành khách đi từ nước ngoài, vùng dịch trở về. Đặc biệt chú ý các đối tượng nhập cảnh vào nước ta bằng đường bộ. Duy trì 3 khu vực giám sát là tại các sân bay, bến cảng; tại bệnh viện và tại cộng đồng. Đối với dịch sởi, giảm các ca nhiễm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn phải tăng cường lấy mẫu đối với những trường hợp sốt phát ban để chẩn đoán bệnh sởi kịp thời. Về công tác tiêm chủng, tiêm bổ sung các trường hợp hoãn tiêm trong thời gian dịch Covid-19 phức tạp. Chú ý việc vận chuyển, bảo quản vắc xin, sử dụng vắc xin an toàn tránh lãng phí. Hạn chế tối đa việc đáo hạn vắc xin, không để ảnh hưởng đến chất lượng vắc xin.

Tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết cũng giảm so với năm ngoái, tuy nhiên đang có xu hướng gia tăng, đã có 3 trường hợp tử vong. Theo dự báo, năm nay nền nhiệt sẽ tăng 1,1 độ C sẽ làm tăng nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết. Do vậy, các đơn vị cần chủ động triển khai theo đề án của đơn vị, tăng cường tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và nâng cao nhận thức người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả. Công tác y tế dự phòng như uống Vitamin A sắp tới cùng cần đảm bảo yêu cầu chống nóng, thông thoáng và dãn cách tại các điểm uống Vitamin A. Năm 2020 có sự khác biệt so với các năm trước đó là trẻ dưới 6 tháng tuổi không bú sữa mẹ sẽ không được uống Vitamin A nên cần khuyến cáo các bà mẹ bổ sung các loại Vitamin A có hàm lượng thấp hơn cho trẻ.

Tại buổi giao ban, các đơn vị cũng đã trao đổi những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp khắc phục nhằm thực hiện trơn chu, có hiệu quả công tác y tế các tháng tiếp theo để hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra.

Về ổ dịch sốt xuất huyết tại xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện cho biết đây là ổ dịch cũ. Đơn vị cũng đã tham mưu cho huyện và phối hợp với Ban chỉ đạo xã thực hiện tổng vệ sinh môi trường, kiện toàn đội xung kích. Đã thực hiện biện pháp thả cá vào các bể chứa nước - nguồn phát sinh dịch. Không chỉ vậy, còn nêu tên các hộ gia đình không phối hợp thực hiện các biện pháp can thiệp phòng dịch lên hệ thống đài truyền thanh xã để người dân nhận thức rõ việc tự chủ động phòng dịch mới có thể chống dịch thành công.

Các đơn vị trên địa bàn tích cực truyền thông đến người dân tự giác thực hiện các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết tại gia đình và cộng đồng.

Kết luận tại buổi làm việc, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đánh giá cao sự cố gắng nỗ lực của các đơn vị trong thời gian chống dịch Covid-19 đầy khó khăn nhưng vẫn dồn lực hoàn thành các nhiệm vụ y tế đã giao. Thời gian tới, các đơn vị tiếp tục đặt công tác phòng chống dịch Covid-19 lên hàng đầu. Giám sát chặt việc nhập cảnh, theo dõi sức khỏe các đối tượng nghi nhiễm bệnh. Đồng thời, chú trọng công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết và các dịch bệnh mùa hè. Rà soát lại đề án, đội xung kích, xử lí những nơi có chỉ số BI cao. Đẩy mạnh tuyên truyền đến nhân dân, xác định không đủ bùng phát dịch sốt xuất huyết thì người dân phải chủ động vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, ý thức và thực hiện các biện pháp phòng dịch. Tiếp tục phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch mới. Rà soát công năng của các trạm y tế và phòng khám đa khoa, nâng cao chất lượng khám chữa tại trạm và phòng khám. Tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm, chất lượng thuốc trên địa bàn phục vụ tốt công tác khám chữa bệnh của người dân trên địa bàn. Tuyên truyền các mô hình điểm, các đề án dân số; điều chỉnh mức sinh như hạ mức sinh hay khuyến sinh dựa trên tình hình thực tế tại từng địa phương.

Thùy An

Các tin khác
Dịch vụ viêm chủng Dịch vụ xét nghiệm Dịch vụ khử trùng Quan trắc môi trường Khám sức khỏe người lao động Kiểm dịch y tế quốc tế Dịch vụ trực tuyến

                           TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT THÀNH PHỐ HÀ NỘI

                         Địa chỉ cơ quan: - Số 70 Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội (Trụ sở chính)

                                                      - Khu Hành chính mới, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội (Cơ sở 2)

                                                      - Số 1 Ngõ 2, đường Quang Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội (Cơ sở 3)

                         Điện thoại: 02438343537           Hotline: 0949396115                Email: ttksbt_soyt@hanoi.gov.vn               

                         Ghi rõ nguồn: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội khi phát hành lại thông tin