Thời điểm hiện tại đang là mùa lễ hội, nhu cầu đi lại du xuân đầu năm của người dân lớn, tạo nên nhiều khu vực tập trung đông người kèm theo các dịch vụ vui chơi, ăn uống, nghỉ ngơi, trong thời tiết nồm ẩm đã làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như: cúm, sởi, ho gà, rubella, tiêu chảy… Cùng với đó, các dịch bệnh như: sốt vàng, Mers-Cov... chưa xuất hiện tại Việt Nam vẫn có thể xâm nhập bất kì lúc nào. Vì vậy, Hà Nội cần chủ động các phương án, biện pháp phòng chống không để dịch bệnh xuất hiện và bùng phát.
Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp
PGS.TS. Trần Đắc Phu - Chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế, Nguyên Cục Trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết những năm gần đây, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới diễn biến hết sức phức tạp. Nhiều dịch bệnh mới, nguy hiểm, lây lan như SARS (2003), cúm AH5N1 (2005), cúm AH7N9, cúm AH1N1 lây lan trên phạm vi toàn cầu, điển hình gần đây như đại dịch Covid-19 đã để lại hậu quả nặng nề về nhiều mặt với sức khỏe con người, đời sống kinh tế, xã hội.
Trong năm 2024, trên phạm vi toàn cầu tiếp tục ghi nhận dịch sốt xuất huyết Dengue tăng cao kỷ lục với hơn 13 triệu trường hợp mắc và gần 10.000 trường hợp tử vong (trong đó tập trung chủ yếu tại một số quốc gia khu vực Nam Mỹ như: Brazil, Mexico, Colombia); các dịch bệnh có vắc xin phòng như sởi, ho gà gia tăng tại nhiều quốc gia; dịch cúm AH5N1 gia tăng bất thường tại Mỹ với hơn 66 trường hợp mắc; dịch bệnh đậu mùa khỉ gia tăng trở lại tại khu vực châu Phi liên quan đến chủng vi rút nhánh 1B làm gia tăng nhanh chóng số mắc và tử vong; nhiều dịch bệnh nguy hiểm khác vẫn tiếp tục ghi nhận rải rác tại một số quốc gia như: Marburg, Nipal...
Tại Việt Nam, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm cũng diễn biến phức tạp, khó lường. Dịch sốt xuất huyết gia tăng mạnh tại Hải Phòng với hơn 23.000 trường hợp mắc; Khánh Hòa ghi nhận trường hợp tử vong do cúm A/H5N1; Đăk Lăk, An Giang ghi nhận trường hợp mắc bại liệt do vắc xin; 88 trường hợp tử vong do bệnh dại (tăng so với năm 2023); nhiều tỉnh/thành phố gia tăng số trường hợp mắc sởi như: thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội... Do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, do sự giao lưu đi lại, hòa nhập toàn cầu, theo PGS.TS. Trần Đắc Phu năm 2025 tình hình dịch bệnh truyền nhiễm cũng sẽ còn nhiều khó khăn thách thức.
Tại Hà Nội, theo BSCKII Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội nhận định tình hình dịch bệnh truyền nhiễm tại Hà Nội tương đồng với xu hướng và tình hình dịch chung của thế giới và tại Việt Nam. Những thách thức với công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn thủ đô rất lớn. Các dịch bệnh trên thế giới và tại các tỉnh, thành phố khác đều có thể xâm nhập và lây lan trên toàn thành phố. Điển hình như Covid-19 xâm nhập đã lây lan làm mắc bệnh cho hàng triệu người. Trong quá khứ và cả hiện tại đã có nhiều dịch bệnh xâm nhập và phát sinh như SARS, cúm AH5N1, cúm AH1N1, tả… đều để lại hậu quả về sức khỏe và kinh tế xã hội. Các dịch bệnh lưu hành hàng năm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm màng não do não mô cầu… đều có số mắc cao tại nhiều quận, huyện, thị xã. Các dịch bệnh lây từ động vật sang người như nhiễm khuẩn do liên cầu lợn, dại, uốn ván... hàng năm đều có báo cáo các trường hợp bệnh. Thậm chí gần đây các dịch bệnh đã có vắc xin trong chương trình tiêm chủng cũng quay trở lại và có những diễn biến mới như sởi, ho gà...
Cần tiêm phòng vắc xin đầy đủ cho trẻ
BSCKII Khổng Minh Tuấn cũng cho biết thêm tình hình bệnh nhân sởi hiện nay đang có xu hướng gia tăng tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố, lây lan chính ở nhóm trẻ chưa tiêm chủng đủ 2 mũi vắc xin phòng bệnh sởi. Trung bình mỗi tuần ghi nhận từ 70 đến 120 trường hợp mắc bệnh, nhiều trường hợp nặng phải nhập viện điều trị, tuy nhiên chưa có trường hợp nào tử vong. Số các trường hợp mắc sởi năm 2024 là 570, thời điểm hiện tại 2025 là 213 thấp hơn khi so sánh với các năm 2014, 2019 là các năm có bệnh sởi gia tăng trên địa bàn thành phố (1.700 trường hợp), tuy nhiên nếu không chủ động tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch, tổ chức tốt việc tiêm chủng thì số trường hợp mắc bệnh thời gian tới có thể tiếp tục gia tăng và có thể sẽ thành dịch.
Chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh
PGS.TS. Trần Đắc Phu chia sẻ: công tác chủ động phòng chống dịch bệnh là hết sức quan trọng, trong đó phải nêu rõ trách nhiệm của mỗi người dân, chính quyền các cấp, các ban ngành đoàn thể phối hợp cùng với cơ quan chuyên môn là ngành y tế để cùng nhau làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh. Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu để làm tốt công tác phòng chống dịch tại Hà Nội cũng như các địa phương trên cả nước thì công tác phòng chống dịch phải được coi là nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn thể các cấp chính quyền, ban ngành đoàn thể. Vai trò quyết định là các cấp chính quyền ở cơ sở. Không có tư tưởng giao khoán cho cơ quan chuyên môn y tế, phải có được sự quan tâm và hợp tác của các cấp chính quyền và người dân. Có thể nói sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp Ủy, Đảng, chính quyền và sự tham gia, vào cuộc quyết liệt của các ban ngành đoàn thể có vai trò quan trọng hàng đầu trong việc triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch tại thực địa và quyết định đến hiệu quả của các biện pháp can thiệp. Với tinh thần, phương châm chỉ đạo:“Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng dụng cụ”, các cấp Ủy, Đảng, chính quyền và các ban ngành Đoàn thể đã trực tiếp chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ 1 cách hiệu quả cho ngành Y tế trong công tác phòng, chống dịch. Các mô hình như “đội xung kích diệt bọ gậy”, “đội công nhân phun tại chỗ”, màng lưới “cộng tác viên y tế-dân số”,… với sự tham gia của các ban ngành đoàn thể đã trực tiếp tham gia, hỗ trợ các lực lượng y tế trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn một cách hiệu quả.
Đồng thời, chủ động tham mưu, xây dựng các kế hoạch phòng, chống dịch ngay từ đầu năm ở tất cả các cấp, các ngành và các đơn vị liên quan. Phân rõ vai trò, nhiệm vụ của từng đơn vị liên quan trong công tác phòng, chống dịch. Phương châm “4 tại chỗ” để các địa phương có thể chủ động trong công tác phòng, chống dịch với các nguồn lực sẵn có tại địa phương kết hợp sự hỗ trợ, chỉ đạo của tuyến trên mà không bị phụ thuộc hoàn toàn vào tuyến trên. Ngành y tế cần làm tốt vai trò chuyên môn, tổ chức giám sát tình hình, khuyến cáo các biện pháp phòng chống dịch phù hợp cho chính quyền, người dân. Tổ chức thông tin tuyên truyền để người dân biết, chủ động phòng bệnh hiệu quả, không chủ quan nhưng không hoang mang quá mức.
Sự tham gia của các ban ngành, đoàn thể, các cấp chính quyền đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng chống dịch
Để giữ gìn sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng, BSCKII Khổng Minh Tuấn khuyến cáo mỗi người dân cần phải có trách nhiệm tuân thủ, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các khuyến cáo phòng, chống dịch của các cơ quan y tế để bảo vệ chính bản thân mình và thể hiện tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, xã hội trong công tác phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, mỗi cá nhân cũng cần có ý thức chủ động vận động mọi người xung quanh tham gia cùng chung tay phòng chống dịch bệnh sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hơn nữa của các biện pháp phòng, chống dịch.
Hãy làm những công việc cụ thể thiết thực:
- Giữ vệ sinh cá nhân, thường xuyên đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, giữ ấm cơ thể, tránh làm việc quá mức.
- Đưa trẻ em mới sinh đi tiêm chủng đầy đủ đúng lịch theo khuyến cáo của ngành y tế, không bỏ mũi tiêm của trẻ.
- Giữ gìn vệ sinh nhà cửa, khu vực xung quanh, không để phế thải, rác thải gây ô nhiễm môi trường. Diệt bọ gậy hàng tuần để phòng sốt xuất huyết.
- Khi không may bị bệnh thì thông báo cho trạm y tế và phối hợp với chính quyền địa phương để thực hiện các biện pháp chống dịch.
Mai Trang