Y tế cơ sở vào cuộc quyết liệt, thực hiện tốt công tác phòng chống lao
Ngày xuất bản: 20/03/2025

Để thực hiện thành công mục tiêu chấm dứt bệnh lao, Chương trình chống lao Quốc gia Việt Nam đã nhấn mạnh vào tầm quan trọng của hệ thống y tế cơ sở, lực lượng gần dân nhất, trực tiếp nhất trong việc phát hiện và điều trị, quản lý bệnh lao trong cộng đồng. Phát huy vai trò của mình, y tế cơ sở vào cuộc quyết liệt, thực hiện tốt công tác phòng chống lao tại địa phương.

Bác sĩ Lê Doãn Mạnh, Trưởng phòng khám đa khoa khu vực Xuân Mai khám sức khỏe cho bệnh nhân lao.

Điển hình tại huyện Chương Mỹ, cùng với sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự chỉ đạo về chuyên môn của Sở Y tế Hà Nội, Bệnh viện Phổi Hà Nội, chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống lao tại huyện Chương Mỹ tiếp tục được duy trì và triển khai đạt kết quả tốt. Trung tâm y tế huyện Chương Mỹ đã củng cố tổ chống lao của thuộc Phòng khám đa khoa Xuân Mai với đầy đủ trạng thiết bị máy móc phục vụ cho công tác khám, xét nghiệm, tiếp nhận, điều trị bệnh nhân lao từ tuyến trên chuyển về điều trị tại địa phương. Tổ chống lao gồm 1 bác sĩ, 1 kỹ thuật viên xét nghiệm, 1 điều dưỡng và 30 cán bộ y tế phụ trách chương trình lao tại trạm y tế các xã, thị trấn.

Bác sĩ Lê Doãn Mạnh, Trưởng phòng khám đa khoa khu vực Xuân Mai - Tổ trưởng tổ chống lao, Trung tâm y tế huyện Chương Mỹ cho biết, hiện, Trung tâm y tế huyện Chương Mỹ đang quản lý 91 bệnh nhân lao gồm 67 bệnh nhân lao phổi, 24 bệnh nhân lao ngoài phổi. Các bệnh nhân sau khi có chỉ định điều trị ở bệnh viện tuyến trên chuyển về tổ lao tiếp tục quản lý, khám và điều trị, cấp thuốc 1 tháng/1 lần. Sau đó chuyển bệnh nhân về trạm y tế quản lý thuốc và giám sát bệnh nhân uống thuốc đều đặn đúng giờ, đủ liều. Nếu bệnh nhân có biểu hiện bất thường thì sẽ đến khám lại tại phòng khám lao. Trong quá trình điều trị bệnh nhân đều tuân thủ phác đồ điều trị và duy trì uống thuốc theo đúng chỉ định. Nhiều bệnh nhân lao được phát hiện sớm và điều trị khỏi hoàn toàn. Từ đầu năm 2025 đến nay, tổ lao thu nhận 41 bệnh nhân lao; khám 443 lượt người nghi lao, xét nghiệm 192 mẫu đờm, và chụp Xquang cho nhiều trường hợp nghi ngờ... Kết thúc liệu trình điều trị có 69% bệnh nhân khỏi; 31% bệnh nhân hoàn thành điều trị. Không có bệnh nhân bỏ điều trị. Đang quản lý 4 bệnh nhân lao kháng thuốc (bệnh nhân uống thuốc đều dưới sự giám sát của cán bộ chuyên trách lao tại xã.

Bệnh nhân Nguyễn Thị Ngà, Thuỷ Xuân Tiên, Chương Mỹ cho biết: “Tôi đã điều trị bệnh lao tại Phòng khám đa khoa Xuân Mai được 4 tháng rồi. Định kỳ hàng tháng tôi đến nhận thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Tôi uống thuốc đều đặt vào 9 giờ sáng theo lời dặn của bác sĩ. Hiện nay, sức khỏe của tôi đã tốt hơn, tôi đỡ ho, đỡ khó thở, đỡ tức ngực, bác sĩ kiểm tra cho tôi bảo phổi của tôi đã đỡ hơn nhiều rồi”.

Chụp Xquang cho bệnh nhân nghi ngờ.

Để tăng cường công tác khám sàng lọc, phát hiện sớm bệnh nhân lao tại cộng đồng, hàng năm, Trung tâm y tế huyện Chương Mỹ đều xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu cho các xã, thị trấn thực hiện các hoạt động phòng chống lao, tầm soát các đối tượng có nguy cơ để phát hiện sớm bệnh nhân lao. Đồng thời, Trung tâm y tế huyện Chương Mỹ phối hợp với Bệnh viện Phổi Hà Nội tổ chức thực hiện các hoạt động khám chủ động như chụp Xquang, xét nghiệm đờm để sàng lọc, phát hiện bệnh lao tại cơ sở y tế và trong cộng đồng.

Tương tự, tại huyện Ba Vì, bác sĩ Nguyễn Thị Hồng, khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS, Trung tâm y tế huyện Ba Vì - phụ trách công tác phòng chống lao cho biết, hiện tại Trung tâm y tế huyện Ba Vì đang quản lý hơn 30 bệnh nhân mắc lao gồm lao phổi, lao ngoài phổi, lao kháng thuốc. Để đẩy mạnh công tác phòng chống lao tại cộng đồng, hàng năm, Trung tâm y tế huyện Ba Vì đều tổ chức các hoạt động khám, phát hiện sớm bệnh nhân lao và điều trị hiệu quả cho các bệnh nhân mắc lao. Đặc biệt, vừa qua Trung tâm y tế huyện Ba Vì đã phối hợp với Bệnh viện Phổi Hà Nội tổ chức khám sàng lọc tại xã Tản Lĩnh cho 177 đối tượng như chụp Xquang; thực hiện xét nghiệp AFB trực tiếp phát hiện 1 trường hợp dương tính; 26 người được tiêm Mantoux trong đó 1 trường hợp dương tính. Việc cấp phát thuốc được đảm bảo, 100% số bệnh nhân lao được quản lý, theo dõi và điều trị đúng phác đồ, được chăm sóc tận tình, đảm bảo uống thuốc đúng liều lượng, đúng thời gian, các bệnh nhân đều có ý thức điều trị tốt, không có trường hợp nào bỏ trị. Năm 2024, có 57 bệnh nhân hoàn thành điều trị.

Cán bộ y tế huyện Ba Vì giám sát và tuyên truyền, tư vấn cho bệnh nhân lao tại nhà.

Song song với đó, huyện Ba Vì còn tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe cho nhân dân, cung cấp thông tin, kiến thức về bệnh lao qua nhiều hình thức như truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát tờ rơi trực tiếp đến người dân; tổ chức truyền thông trực tiếp tại các xã…Qua đó, đã làm thay đổi nhận thức, nâng cao hiểu biết của người dân về bệnh lao, từ đó bản thân họ chủ động hơn trong việc tham gia phát hiện, phòng chống bệnh lao cho chính mình và mọi người trong cộng đồng.

Cán bộ phụ trách chương trình lao tại trạm y tế Vật Lại, huyện Ba Vì giám sát bệnh nhân lao uống thuốc tại trạm.

Tuy nhiên, công tác phòng chống lao trên địa bàn huyện Ba Vì vẫn gặp nhiều khó khăn, Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Ba Vì Hà Kế Tiếp cho biết, bên cạnh khó khăn về kinh phí thì công tác phát hiện bệnh nhân trong cộng đồng để quản lý và điều trị cũng gặp nhiều khó khăn do địa bàn huyện Ba Vì khá rộng, có người dân tộc nên việc sàng lọc, khám phát hiện sớm bệnh nhân rất khó khăn đối với cán bộ y tế. Bên cạnh đó, một số người dân chưa hiểu hết về bệnh lao, người mắc bệnh lao vẫn còn nhiều định kiến và sự kỳ thị của xã hội, dẫn đến người bị bệnh thường mặc cảm và giấu bệnh; một số người chủ quan, chưa chủ động đến cơ sở y tế để khám sàng lọc, phát hiện sớm và điều trị sớm bệnh lao.

Cán bộ Trung tâm y tế huyện Ba Vì xét nghiệm đờm cho bệnh nhân lao.

Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phòng chống lao, ông Kế Tiếp cho biết, Trung tâm y tế huyện Ba Vì tích cực sàng lọc, phát hiện bệnh lao trong cộng đồng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người dân đều được tiếp cận và nâng cao nhận thức về bệnh lao, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống lao; tăng cường công tác tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ phụ trách công tác phòng chống lao; huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể cùng vào cuộc để công tác phòng chống lao đạt kết quả cao, tiến tới thanh toán bệnh lao.

Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao gây nên, bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp. Bệnh lao có thể gặp ở tất cả các bộ phận của cơ thể như lao màng phổi, lao hạch bạch huyết, lao màng não, lao xương khớp, lao màng bụng, lao hệ sinh dịch – tiết niệu, lao ruột. Trong đó lao phổi là thể lao phổ biến nhất (chiếm 80 – 85% tổng số ca bệnh) và là nguồn lây chính cho người xung quanh. Người bị lây do hít phải vi khuẩn lao của bệnh nhân lao phổi bắn ra môi trường xung quanh khi ho, khạc, hắt hơi, hoặc khi tiếp xúc trong thời gian dài và liên tục.

Bác sĩ Lê Doãn Mạnh lưu ý, người dân khi có biểu hiện ho kéo dài trên 2 tuần (ho khan, ho có đờm hoặc ho ra máu); người bệnh gầy sút, kém ăn, mệt mỏi; sốt nhẹ về chiều; ra mồ hôi “trộm” ban đêm, kèm theo đau ngực, đôi khi khó thở... cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất hoặc bệnh viện chuyên khoa để được khám, xét nghiệm đờm, chụp Xquang phổi để phát hiện bệnh lao.

Hiện nay, bệnh lao sẽ được chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sỹ. Nhưng để mỗi người dân hiểu rõ về tác hại của bệnh lao, bên cạnh sự nỗ lực của ngành y tế, cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành liên quan đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân để công tác phòng chống lao đạt hiệu quả, góp phần bảo vệ an toàn sức khỏe cho người dân.

Thắng Đạt

 

Các tin khác
Dịch vụ viêm chủng Kênh thông tin Cải cách hành chính và chuyển đổi số Quan trắc môi trường Dịch vụ xét nghiệm Khám sức khỏe người lao động Kiểm dịch y tế quốc tế Dịch vụ khử trùng

                           TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT THÀNH PHỐ HÀ NỘI

                         Địa chỉ cơ quan: - Số 70 Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội (Trụ sở chính)

                                                      - Khu Hành chính mới, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội (Cơ sở 2)

                                                      - Số 1 Ngõ 2, đường Quang Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội (Cơ sở 3)

                         Điện thoại: 02438343537           Hotline: 0866067525                Email: ttksbt_soyt@hanoi.gov.vn               

                         Ghi rõ nguồn: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội khi phát hành lại thông tin