Để hoạt động phòng chống lao được tốt hơn nữa cần phải có sự chung tay của toàn thể xã hội
Ngày xuất bản: 24/03/2025

Quyết liệt trong công tác phòng chống lao, Chương trình Chống lao thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh các hoạt động và đạt được nhiều kết quả tích cực. Các chỉ tiêu, chỉ số đều đạt cao hơn so với cả nước. Tuy nhiên, để hoạt động phòng chống lao được tốt hơn nữa cần phải có sự chung tay của toàn thể xã hội.

Bác sĩ Bệnh viện Phổi Hà Nội khám cho bệnh nhân lao phổi.

Theo báo cáo, Tổng số người khám nghi lao năm 2024 là 113.316 người, tăng so với năm 2023; đảm bảo 1,1% người dân thành phố được khám phát hiện lao trong năm. Số người bệnh lao các thể được thu nhận điều trị, dự phòng trong năm là 4.205 người. Số người được khám và làm xét nghiệm đờm phát hiện 37.206 người đạt 108 % vượt chỉ tiêu kế hoạch; tổng số ca bệnh lao được phát hiện 4.037 bệnh nhân đạt 99,8%; tỷ lệ điều trị thành công các thể đạt 95,8%... Tỷ lệ phát hiện, thu nhận điều trị của Hà Nội tương đương với tỷ lệ chung của Miền Bắc.

Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Nội, Phó chủ nhiệm Chương trình Chống lao thành phố Hà Nội Hoàng Văn Huấn cho biết, năm 2024, Chương trình Chống lao thành phố Hà Nội Hà Nội có được sự thành công đó, trước hết là nhờ sự ủng hộ từ Chính phủ, Bộ Y tế, Bệnh viện Phổi Trung ương đã có những văn bản chỉ đạo và được UBND thành phố và Sở Y tế và UBND quận/huyện/thị xã và xã/phường/thị trấn sát sao, cùng nguồn nhân lực hết sức năng động và nhiệt tình trong công tác phòng chống lao. Mạng lưới phòng chống lao từ tuyến thành phố đến quận/huyện/thị xã và 100% xã/phường/thị trấn được duy trì. Các đơn vị đã thành lập và duy trì Ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống dịch bệnh, trong đó có bệnh lao. Cơ sở chăm sóc bệnh lao tuyến quận là Tổ chống lao, Phòng khám lao tại 30 quận/huyện/thị xã. Mỗi trạm y tế xã/phường/thị trấn có 1 cán bộ chuyên trách công tác phòng chống lao, thực hiện nhiệm vụ tại tuyến y tế cơ sở. Các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa trên địa bàn thành phố, cơ sở y dược trong và ngoài công lập, các đơn vị mô hình đặc biệt tham gia phối hợp trong khám phát hiện, chẩn đoán, chuyển gửi và quản lý điều trị người bệnh lao...

Chương trình cũng rất chú trọng đến công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, được các báo, đài từ Trung ương đến thành phố, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân để họ cập nhận được thông tin mới, đa dạng và nâng cao nhận thức, chủ động phòng chống bệnh lao, tham gia các chiến dịch sàng lọc, phát hiện sớm bệnh lao tại cộng đồng”... Đồng thời, Chương trình Chống lao thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh hoạt động sàng lọc chủ động; duy trì mô hình phát hiện chủ động bệnh lao tại cộng đồng với quy mô rộng; thí điểm mô hình chấm dứt bệnh lao ở từng địa phương với sự hỗ trợ từ các dự án. Đồng thời, chương trình đã lồng ghép tầm soát các bệnh phổi, tăng huyết áp, đái tháo đường... Thời gian qua, Bệnh viện Phổi Hà Nội phối hợp với các cơ sở y tế sàng lọc chủ động người bệnh lao, sử dụng chiến lược 2X (X-quang + Xpert) để phát hiện và điều trị kịp thời nhiều người bệnh lao, góp phần hạn chế nguồn lây mới trong cộng đồng.

Bác sĩ Bệnh viện Phổi Hà Nội tư vấn cho bệnh nhân chụp Xquang.

Ông Hoàng Văn Huấn chia sẻ: “Có một số bệnh nhân phát hiện muộn nên tổn thương ở trong phổi, khi đến bệnh viện đã rất nặng, có trường hợp ho ra máu, suy hô hấp, gây tràn dịch màng phổi… các trường hợp này khi điều trị phải phối hợp rất nhiều loại thuốc. Bên cạnh đó, trong quá trình điều trị vì là bệnh nặng sẽ ảnh hưởng đến cơ thể cho nên có nhiều tác dụng phụ, nhưng với khoa học phát triển nên không có quá lo lắng nếu có các dấu hiệu ho khạc đờm trên 2 tuần, gầy sút về chiều, ra mồ hôi đêm thì nên đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị sớm, thì hiệu quả đạt được trên 96% bệnh nhân có thể khỏi được”.

Đang điều trị tại Bệnh viện Phổi Hà Nội, bệnh nhân N.Đ.T,sinh năm 1950, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội, vào viện ngày 7/3 trong tình trạng suy hô hấp, khó thở, viêm phổi. Bệnh nhân được các bác sĩ bệnh viện chẩn đoán lao phổi trên nền rất nhiều bệnh mạn tính như phổi tắc nghẽn mãn tính, đái tháo đường, tăng huyết áp, suy tim. Bệnh nhân N.Đ.T cho biết: “Từ hôm nằm viện điều trị cho đến nay, tôi được các bác sĩ thăm khám và chăm sóc tận tình, chu đáo. Tôi tuân thủ uống thuốc đều đặn theo hướng dẫn của bác sĩ. Hiện nay, tôi cảm thấy sức khỏe đã tốt hơn rất nhiều”.

Bác sĩ Trần Đức Việt, Phó Trưởng khoa Cấp cứu hồi sức tích cực, Bệnh viện Phổi Hà Nội cho biết: “Bệnh lao phổi gặp ở nhiều lứa tuổi. Những bệnh nhân vào khoa cấp cứu trong tình trạng rất đa dạng. Có những bệnh nhân ho, khạc đờm kéo dài và điều trị kháng sinh thông thường không đỡ, cũng có một số bệnh nhân trẻ chủ quan, thường bệnh nhân ra quán thuốc mua thuốc uống và thấy các triệu chứng ho đã giảm thì nghĩ khỏi bởi vi khuẩn lao phát triển âm thầm. Hoặc có những bệnh nhân vào viện trong tình trạng ho ra máu từ nhẹ đến nặng, nguy kịch; hoặc có những bệnh nhân không có triệu chứng gì cả vào viện trong tình trạng chủ yếu là các bệnh nền của bệnh nhân như tăng huyết áp, đái tháo đường... khiến cơ thể bị suy giảm miễn dịch làm cho sức đề kháng giảm sút, đây là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn lao phát triển”.

Bệnh nhân lao phổi điều trị tại bệnh viện được các y, bác sĩ chăm sóc tận tình, chu đáo.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai công tác phòng chống lao vẫn gặp nhiều rào cản, ông Hoàng Văn Huấn cho biết: “Hiện nay, nhận thức về bệnh lao của người dân tương đối là tốt, tuy nhiên vẫn còn những bộ phận rất e ngại khi khám và phát hiện bệnh lao, vẫn còn những người e ngại, kỳ thị khi khám về bệnh lao. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực của ngành y tế khi làm công tác về bệnh lao vẫn còn hạn chế, sự lựa chọn để làm công tác phòng chống lao bao giờ cũng là lựa chọn sau cùng so với các chuyên ngành khác”.

Theo ông Hoàng Văn Huấn: “Để hoạt động phòng chống lao được tốt hơn nữa thì cần phải có sự chung tay của toàn thể xã hội; cần có sự tăng cường cam kết đầu tư của nhà nước và các tổ chức quốc tế hơn nữa. Cam kết rồi cần phải có đầu tư, đầu tư về tài chính, nguồn nhân lực. Ngoài ra, cần sự chung tay của toàn xã hội để cùng phòng chống bệnh lao hiệu quả và bảo đảm thì chúng ta mới làm tốt được công tác này và đạt được mục tiêu đến năm 2035 sẽ chấm dứt được bệnh lao. Chấm dứt không có nghĩa là hết mà sẽ đưa chỉ số bệnh lao xuống còn 20 người bệnh/100.000 dân”.

Phát huy những kết quả đã đạt được, mục tiêu cụ thể của Chương trình Chống lao thành phố Hà Nội năm 2025, tiếp tục duy trì mạng lưới phòng chống lao từ tuyến thành phố đến 30 quận, huyện, thị xã và 100% xã, phường; 100% Trung tâm Y tế quận/huyện/thị xã tham mưu cho Ban Chỉ đạo chăm sóc sức khỏe ban đầu trên địa bàn triển khai đầy đủ các hoạt động để phòng, chống bệnh lao theo các nội dung trong kế hoạch đã UBND thành phố phê duyệt; truyền thông, giáo dục sức khỏe để nâng cao nhận thức của nhân dân về phát hiện, chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh lao toàn diện, hiệu quả, thiết 2 thực, có giải pháp cụ thể ở tất cả các tuyến y tế, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, mục tiêu chiến lược quốc gia phòng, chống lao và của từng đơn vị; khám phát hiện bệnh lao cho 85.000 người nghi lao trên toàn TP Hà Nội trong năm 2025; tăng cường phát hiện tích cực bệnh lao và triển khai đổi mới công nghệ - Chiến lược 2X - trong công tác chẩn đoán bệnh lao bằng X quang và Xpert; thu nhận điều trị 5.120 người bệnh lao các thể gồm: lao nhạy cảm, lao kháng thuốc, lao tiềm ẩn...

 Thắng Đạt

Các tin khác
Dịch vụ viêm chủng Kênh thông tin Cải cách hành chính và chuyển đổi số Quan trắc môi trường Dịch vụ xét nghiệm Khám sức khỏe người lao động Kiểm dịch y tế quốc tế Dịch vụ khử trùng

                           TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT THÀNH PHỐ HÀ NỘI

                         Địa chỉ cơ quan: - Số 70 Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội (Trụ sở chính)

                                                      - Khu Hành chính mới, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội (Cơ sở 2)

                                                      - Số 1 Ngõ 2, đường Quang Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội (Cơ sở 3)

                         Điện thoại: 02438343537           Hotline: 0866067525                Email: ttksbt_soyt@hanoi.gov.vn               

                         Ghi rõ nguồn: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội khi phát hành lại thông tin