Bệnh viện Nhi Hà Nội sẵn sàng đáp ứng công tác thu dung, điều trị bệnh nhân mắc sởi
Ngày xuất bản: 28/03/2025

Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi Hà Nội tiếp nhận gần 300 ca mắc sởi điều trị nội trú và hơn 100 ca mắc sởi điều trị ngoại trú. Hiện tại, bệnh viện đang tiếp nhận điều trị cho 36 bệnh nhân mắc sởi. Sẵn sàng đáp ứng công tác thu dung, điều trị bệnh nhân mắc sởi, bệnh viện đã bố trí khu cách ly riêng biệt, có lối đi riêng và thực hiện tốt công tác chống nhiễm khuẩn, tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Bệnh viện Nhi Hà Nội sẵn sàng đáp ứng công tác thu dung, điều trị bệnh nhân mắc sởi.

TS. BS Đỗ Thị Thúy Nga, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Hà Nội -  Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan mạnh có khả năng gây dịch do vi rút sởi gây nên. Vi rút sởi thuộc họ Paramyxoviridae, chi Morbillivirus. 90% người chưa có miễn dịch sẽ bị mắc bệnh nếu tiếp xúc gần với bệnh nhân sởi. Trung bình 1 người mắc bệnh có thể lây cho 12-18 người khác. Cách lây truyền qua đường lây như không khí, giọt bắn, tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết hô hấp. Nguồn lây từ người mắc sởi có triệu chứng. Thời gian lây mạnh nhất 4 ngày trước và sau khi phát ban. Cơ thể cảm thụ ở tất cả những người chưa có miễn dịch đặc hiệu. Phơi nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp, trong không gian kín ≥ 15 phút.

ThS.BS Nguyễn Văn Trưởng, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Hồi sức tích cực – chống độc, Bệnh viện Nhi Hà Nội cho biết, trong số những bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú, hầu hết bệnh nhân có biến chứng viêm phổi, một số bệnh nhân viêm phổi biến chứng nặng, suy hô hấp, phải hỗ trợ thở oxy, thở máy xâm nhập và không xâm nhập. Một số trẻ trong tình trạng nặng có bệnh nền như bệnh teo cơ tủy, suy dinh dưỡng, bệnh down và bệnh lý mãn tính khác... Những bệnh nhi mắc sởi có biến chứng phải thở máy, đa phần đã được điều trị thành công tại bệnh viện, có một trường hợp trẻ sinh non, bệnh lý bẩm sinh phức tạp phải chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị. Sau khi ổn định, trẻ lại được chuyển về Bệnh viện Nhi Hà Nội để theo dõi, điều trị tiếp.

Điển hình trường hợp bé gái 2 tuổi (ở Thanh Xuân, Hà Nội) có bệnh lý bẩm sinh phức tạp, tắc ruột nhiều lần, đã được mổ, đặt hậu môn nhân tạo ở cơ sở y tế khác. Trẻ hấp thu kém, bị suy dinh dưỡng nặng nên cơ thể rất nhạy cảm. Hiện tại, trẻ vẫn đang được điều trị tích cực tại bệnh viện.

Theo ThS.BS Nguyễn Văn Trưởng, đa phần bệnh nhi đang được điều trị tại Khoa là các cháu bé dưới 2 tuổi, nhiều nhất là dưới 9 tháng tuổi, chưa được tiêm vắc xin. Bệnh nhi bị phơi nhiễm trực tiếp và gián tiếp với sởi.

Vẫn có trường hợp mắc sởi ở trẻ lớn chưa được tiêm vắc xin phòng sởi.

Tuy nhiên, vẫn có trường hợp mắc sởi ở trẻ lớn hoặc người trưởng thành do chưa được tiêm vắc xin phòng sởi hoặc đã tiêm vắc xin phòng sởi nhưng chưa được tiêm đầy đủ. Điển hình như bệnh nhân H.M.D, 15 tuổi, ở Cao Bằng. Chị N.T.H (mẹ bệnh nhân) cho biết: “Gần 1 tuần trước, con tôi có biểu hiện bị sốt cao liên tục gần 40 độ, sưng hạch hai bên hàm, ăn uống kém nên gia đình đưa đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khám. Khi có kết quả dương tính với sởi, con được chuyển đến Bệnh viện Nhi Hà Nội để điều trị”.

Chị N.T.H cũng cho biết thêm: “Do chủ quan chưa tiềm phòng vắc xin sởi cho con. Nhưng khi con bị bệnh sởi, tôi cũng ý thức được việc phải đưa con tiêm chủng vắc xin sởi phòng bệnh đầy đủ và đúng liều theo khuyến cáo của ngành y tế”.

Tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu phòng bệnh sởi.

Để chủ động phòng chống bệnh sởi cho trẻ, theo ThS.BS Nguyễn Văn Trưởng, tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu phòng các bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh sởi. Vì vậy, bố mẹ nên đưa con đi tiêm vắc xin sởi đúng lịch và đủ liều. Đồng thời, tránh để trẻ đến gần hoặc tiếp xúc với trẻ nghi mắc bệnh sởi; đeo khẩu trang nơi đông người, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày; đảm bảo dinh dưỡng, giữ ấm cơ thể cho trẻ. Đối với môi trường nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng và đủ ánh sáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường. Đặc biệt, khi phát hiện có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh sởi như sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban... cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời, tránh biến chứng có thể xảy ra, tuyệt đối không nên chủ quan tự ý điều trị sởi tại nhà bằng bất cứ phương pháp nào...

Thắng Đạt

Các tin khác
Dịch vụ viêm chủng Kênh thông tin Cải cách hành chính và chuyển đổi số Quan trắc môi trường Dịch vụ xét nghiệm Khám sức khỏe người lao động Kiểm dịch y tế quốc tế Dịch vụ khử trùng

                           TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT THÀNH PHỐ HÀ NỘI

                         Địa chỉ cơ quan: - Số 70 Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội (Trụ sở chính)

                                                      - Khu Hành chính mới, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội (Cơ sở 2)

                                                      - Số 1 Ngõ 2, đường Quang Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội (Cơ sở 3)

                         Điện thoại: 02438343537           Hotline: 0866067525                Email: ttksbt_soyt@hanoi.gov.vn               

                         Ghi rõ nguồn: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội khi phát hành lại thông tin