Những dấu hiệu và cách phòng chống bệnh sốt xuất huyết
Ngày xuất bản: 01/09/2020

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Thủy, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế thì sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút Dengue gây ra và rất dễ gây tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Đối với bệnh nhân bị nhẹ thường có dấu hiệu như sốt cao liên tục 39 - 40 độ C trong khoảng 2 - 3 ngày hoặc kéo dài hơn. Bệnh nhân có hiện tượng đau đầu dữ dội vùng trán, sau đầu; trên cơ thể xuất hiện những nốt phát ban và mẩn đỏ. Người bị bệnh nặng vẫn bao gồm các triệu chứng trên và kèm theo một hoặc nhiều dấu hiệu như chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn/ói ra máu, đi cầu phân đen do bị xuất huyết nội tạng. Bệnh nhân đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp). Vì vậy, những người bị sốt xuất huyết cần phải đưa đến các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.

Về tình hình diễn biến của bệnh, ở giai đoan 1 vì triệu chứng điển hình của bệnh này là sốt cao rất giống với các loại sốt virus thông thường, đặc biệt là ở giai đoạn 1 khi người bệnh mới bị mắc nên đa số mọi người thường chủ quan và chỉ điều trị tại nhà. Các biểu hiện của bệnh ở giai đoạn này đó là sốt cao 39 – 40 độ C liên tục, khó giảm và hay bị đau đầu. Người bệnh cần làm các xét nghiệm cần thiết nhằm phát hiện sớm, tư vấn và điều trị.

Ở giai đoạn 2 của bệnh, đây là giai đoạn nguy hiểm, với các triệu chứng nặng như trên, bắt đầu xuất huyết nội tạng, nôn mửa, mất máu, thần kinh yếu và bị choáng, sốt li bì, mê sảng. Thời điểm này người bệnh cần được cấp cứu kịp thời và làm xét nghiệm tiểu cầu. Khi đã vượt qua giai đoạn 2 sang giai đoan 3 thì đây là thời điểm hồi phục. Các triệu chứng về xuất huyết mất dần, thể trạng khỏe mạnh lên, tiểu cầu tăng và tiêu hóa ổn định trở lại bình thường.

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Thủy, cho đến nay thì sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh mà biện pháp hữu hiệu nhất là kiểm soát hoạt động của muỗi truyền bệnh như phòng tránh muỗi đốt, diệt muỗi, loăng quăng và bọ gậy. Đồng thời, thường xuyên vệ sinh môi trường, loại bỏ các ổ nước đọng trong nhà và ngoài nhà… không cho muỗi sinh sản và phát triển.

Bệnh do vi rút Dengue gây ra với 4 típ gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4 và luân phiên gây dịch. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng típ cho nên người ta có thể mắc bệnh lần thứ 2 hoặc thứ 3 bởi những típ khác nhau. Chính vì vậy, khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trịkịp thời, tuyệt đối không tự điều trị tại nhà.

Duy Tuân

 

Các tin khác
Dịch vụ viêm chủng Dịch vụ xét nghiệm Dịch vụ khử trùng Quan trắc môi trường Khám sức khỏe người lao động Kiểm dịch y tế quốc tế Dịch vụ trực tuyến

                           TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT THÀNH PHỐ HÀ NỘI

                         Địa chỉ cơ quan: - Số 70 Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội (Trụ sở chính)

                                                      - Khu Hành chính mới, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội (Cơ sở 2)

                                                      - Số 1 Ngõ 2, đường Quang Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội (Cơ sở 3)

                         Điện thoại: 02438343537           Hotline: 0949396115                Email: ttksbt_soyt@hanoi.gov.vn               

                         Ghi rõ nguồn: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội khi phát hành lại thông tin