Người hút thuốc lá phải quyết tâm tránh xa môi trường không khói thuốc
Ngày xuất bản: 01/06/2020

PGS.TS Phan Thu Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tính đến cuối năm 2019, sau 2,5 năm chương trình tư vấn cai nghiện thuốc lá triển khai tại Bệnh viện Bạch Mai, đã có 40.000 người gọi đến đường dây miễn phí 18006606 để được tư vấn. Trong đó, có 1.000 người trong số này được coi là cai nghiện thành công (ngưng hút thuốc từ 1 năm trở lên).

Ngoài nhận tư vấn cho người gọi đến, các tư vấn viên đã gọi từ 7-11 lần cho người có mong muốn bỏ thuốc lá: gọi trước và khi bắt đầu bỏ thuốc, sau khi người đó bỏ thuốc 1 tuần, 1 tháng, 6 tháng để xem những vấn đề mà người bỏ thuốc gặp phải, hỗ trợ để họ vượt qua. Bên cạnh hỗ trợ cai nghiện cho người nghiện thuốc lá truyền thống, trung tâm cũng nhận được đề nghị hỗ trợ cai nghiện cho người sử dụng thuốc lá điện tử.

Cũng theo PGS.TS Phan Thu Phương, từng có những quảng cáo cho rằng thuốc lá điện tử là biện pháp giảm hại, sử dụng để điều trị cho người nghiện thuốc lá, nhưng hiện giới chuyên môn đã khuyến cáo đây không phải là biện pháp điều trị, mà là phương có có thể gây nhiều hệ lụy, sử dụng nhiều hóa chất tạo khói, tạo mùi có hại sức khỏe.

Cai thuốc lá có hai biện pháp là dùng thuốc và không dùng thuốc. Hai biện pháp này bắt buộc phải đi song hành với nhau. Cai thuốc lá không cần dùng thuốc là bác sĩ phải tư vấn cho bệnh nhân vượt qua những rào cản mà khi ngưng thuốc lá sẽ xảy ra. Khi cai thuốc lá hội chứng cai thuốc lá sẽ xuất hiện làm bệnh nhân khó chịu như tăng cân, thèm thuốc... Khi đó, nếu bệnh nhân gặp phải vấn đề tăng cân, bác sĩ sẽ tư vấn bệnh nhân ăn ít đi, hạn chế những món ăn có nhiều đường, chất béo, những nước uống có gas, bia, rượu...  Ngoài ra, bác sĩ còn tư vấn cho bệnh nhân cần tăng cường vận động nhiều hơn lúc trước khi cai thuốc như tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, đi xe đạp hay chơi các môn thể thao để tiêu tốn năng lượng, hạn chế việc tăng cân.

Những người cai thuốc lá còn hay bị huyết áp tăng, thấy người bứt rứt, khó chịu, không tập trung, cáu gắt... đây là hội chứng thèm thuốc lá. Lúc đó, bác sĩ sẽ cung cấp thuốc cho bệnh nhân. Tùy từng tình trạng bệnh nhân hút thuốc lá ít hay nhiều bác sĩ sẽ dùng đơn trị liệu hay phối hợp thuốc với nhau.

Việc cai thuốc lá thành công hay không phụ thuộc nhiều vào quyết tâm của bệnh nhân. Bệnh nhân sẽ chiếm hơn một nửa trong thành công cai được thuốc lá, phần còn lại thuốc sẽ hỗ trợ bệnh nhân trong quá trình cai thuốc lá.

Muốn thành công trong cai thuốc lá, bệnh nhân phải quyết tâm tránh xa môi trường khói thuốc lá bởi bệnh nhân cai thuốc lá rất dễ tái nghiện.

Diệu Linh

Các tin khác
Dịch vụ viêm chủng Dịch vụ xét nghiệm Dịch vụ khử trùng Quan trắc môi trường Khám sức khỏe người lao động Kiểm dịch y tế quốc tế Dịch vụ trực tuyến

                           TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT THÀNH PHỐ HÀ NỘI

                         Địa chỉ cơ quan: - Số 70 Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội (Trụ sở chính)

                                                      - Khu Hành chính mới, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội (Cơ sở 2)

                                                      - Số 1 Ngõ 2, đường Quang Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội (Cơ sở 3)

                         Điện thoại: 02438343537           Hotline: 0949396115                Email: ttksbt_soyt@hanoi.gov.vn               

                         Ghi rõ nguồn: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội khi phát hành lại thông tin