Đông Anh tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống tăng huyết áp 17/5 và Ngày thế giới không thuốc lá 31/5
Ngày xuất bản: 31/05/2024

Sáng ngày 30/5 UBND huyện Đông Anh phối hợp vởi Sở Y tế Hà Nội tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống tăng huyết áp (THA) 17/5 và Ngày thế giới không thuốc lá 31/5/2024  tại xã Nguyên Khê. Tới dự có ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, bà Nguyễn Thị Tám, Phó chủ tịch UBND huyện Đông Anh,…

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2000 trên thế giới khoảng 972 triệu người bị THA (chiếm 26,4% dân số), và có tới 7,5 triệu người tử vong do nguyên nhân trực tiếp là THA. Dự báo đến năm 2025 có khoảng 1,56 tỷ người bị THA.

Theo Bộ Y tế điều tra quốc gia năm 2015 ở người 18 - 69 tuổi tại 63 tỉnh/thành phố cho thấy tỷ lệ tăng huyết áp là 18,9%.

ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội phát biểu tại buổi mít tinh.

Tại Hà Nội theo cuộc điều tra tỷ lệ THA và các yếu tố nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm (BKLN) ở người dân từ 18- 69 tuổi năm 2016 và 2021 cho thấy tỷ lệ THA tăng từ 18,9% đến 30,8%, trong đó tỷ lệ này ở nhóm 45 - 69 tuổi (42,2%) cao hơn nhóm 18 - 44 tuổi (10%). Nhóm nam (38,5%) cao hơn nữ (26,5%).

Mặc dù y học đã chứng minh mức độ phổ biến và nguy hiểm của THA, nhưng cho đến tận bây giờ trong điều trị THA vẫn tồn tại 3 điểm bất hợp lý đó là: THA rất dễ phát hiện nhưng người ta lại thường không biết mình bị THA từ bao giờ. THA có thể điều trị được nhưng số người được điều trị không nhiều. THA có thể khống chế được với mục tiêu mong muốn nhưng số người điều trị đạt được “huyết áp mục tiêu” lại không nhiều.

Người dân được đo huyết áp tại buổi mít tinh

THA là căn bệnh không có nguyên nhân rõ ràng (>95% vô căn) nhưng lại có rất nhiều yếu tố nguy cơ có thể gây ra bệnh, trong đó hút thuốc lá là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng và rất nguy hiểm. Thuốc lá trực tiếp gây hại cho sức khỏe của người sử dụng với rất nhiều căn bệnh nghiêm trọng, gây tử vong sớm. Hơn nữa, với trên 7.000 hóa chất độc hại, thuốc lá không chỉ gây tử vong sớm cho những người hút mà còn gây bệnh tật và tử vong cho những người không hút thuốc nhưng hít phải khói thuốc (hút thuốc lá thụ động).

Tác hại của hút thuốc lá trực tiếp hay hút thuốc lá thụ động đều chung một nguy cơ lớn là ảnh hưởng đến sức khỏe. Khói thuốc lá là một trong các tác nhân gây nhiều bệnh về tim mạch, phổi, làm suy giảm chức năng hô hấp và ảnh hưởng tới chức năng sinh sản của nam và nữ. Phụ nữ mang thai hít phải khói thuốc lá trong quá trình mang thai có thể gây biến đổi sự phát triển của bào thai, dễ sảy thai, đẻ non hoặc sinh con nhẹ cân…

Xe tuyên truyền  cổ động Ngày thế giới phòng chống tăng huyết áp 17/5 và Ngày thế giới không thuốc lá 31/5

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đến hết năm 2022, trên thế giới có khoảng 1,3 tỷ người hút thuốc lá, giảm so với 1,32 tỷ người năm 2018. Con số này dự kiến giảm xuống 1,27 tỷ vào năm 2025, tương đương với mức giảm 50 triệu người trong giai đoạn 7 năm. Tuy vậy, số thanh thiếu niên hút thuốc vẫn rất cao và theo xu hướng tăng.

Ở Việt Nam, các bệnh liên quan đến thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu với khoảng 40.000 ca mỗi năm, tức là hơn 100 người chết vì liên quan đến thuốc lá mỗi ngày.

Theo bà Nguyễn Thị Tám, Phó CT UBND huyện Đông Anh cho biết, trong thời gian tới để phòng, chống các biến chứng nguy hiểm của THA và tác hại khi sử dụng thuốc lá UBND huyện tiếp tục tăng cường thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng để dự phòng THA; các cơ sở y tế thực hiện quản lý, điều trị kiểm soát tốt huyết áp dự phòng và các biến chứng tim mạch nguy hiểm, đồng thời tư vấn, hướng dẫn để người bệnh biết tuân thủ điều trị và chăm sóc sức khỏe tại nhà; tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch Phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn đến năm 2030;  kiện toàn, phân công trác nhiệm cụ thể cho các thành viên Ban chỉ đạo hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá; tiếp tục chỉ đạo các đơn vị đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm, đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của các cơ quan, đơn vị, treo biển báo cấm hút thuốc tại các địa điểm có quy định cấm hút thuốc theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá…

Phát biểu tại buổi mít tinh Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung nhấn mạnh, tăng huyết áp là BKLN phổ biến nhất hiện nay. Đây được xem là "kẻ giết người thầm lặng" vì người bệnh tăng huyết áp không có biểu hiện triệu chứng rõ ràng mặc dù bệnh đã tiến triển nghiêm trọng. Ngày Thế giới PC THA 17/5 và Ngày Thế giới không khói thuốc 31/5 cũng là dịp để nâng cao hơn nữa sự hiểu biết của cộng đồng về THA và các yếu tố nguy cơ của bệnh cũng như tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe cộng đồng nhằm động viên, chia sẻ để thực hành tốt trong phòng bệnh THA, phòng chống tác hại của thuốc lá… Vì vậy chúng ta nỗ lực không ngừng ngăn chặn sự phát triển của bệnh THA, phòng chống các tác hại do khói thuốc lá gây ra, đảm bảo sức khỏe, hạnh phúc của mỗi người, mỗi gia đình, của nhân dân Thủ đô Hà Nội và của cả dân tộc Việt Nam.

Lê Hòa

 

Các tin khác
Dịch vụ viêm chủng Dịch vụ xét nghiệm Dịch vụ khử trùng Quan trắc môi trường Khám sức khỏe người lao động Kiểm dịch y tế quốc tế Dịch vụ trực tuyến

                           TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT THÀNH PHỐ HÀ NỘI

                         Địa chỉ cơ quan: - Số 70 Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội (Trụ sở chính)

                                                      - Khu Hành chính mới, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội (Cơ sở 2)

                                                      - Số 1 Ngõ 2, đường Quang Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội (Cơ sở 3)

                         Điện thoại: 02438343537           Hotline: 0866067525                Email: ttksbt_soyt@hanoi.gov.vn               

                         Ghi rõ nguồn: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội khi phát hành lại thông tin