Tầm quan trọng của dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời
Ngày xuất bản: 09/10/2019

Trẻ được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng trong 1000 ngày đầu đời sẽ có khả năng phát triển tối đa về thể chất và trí tuệ.

1000 ngày đầu đời được coi là “1000 ngày vàng”, là thời gian tính từ khi hình thành bào thai trong bụng mẹ đến khi sinh ra và đủ 24 tháng tuổi. Thời gian này được chia thành 3 giai đoạn quan trọng: thai nhi - sơ sinh đến 6 tháng tuổi - từ 6 đến 24 tháng tuổi. Mỗi giai đoạn, bà mẹ và trẻ cần phải có chế độ dinh dưỡng phù hợp để giúp cho trẻ phát triển tốt nhất. Trẻ được nuôi dưỡng đúng cách trong các giai đoạn này sẽ phòng chống bệnh tật tốt hơn và phát triển về thể chất, trí tuệ tốt hơn trong tương lai. Ngược lại, nếu nuôi dưỡng kém có thể gây ra thiệt hại không thể phục hồi cho sự phát triển não bộ của trẻ, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe suốt đời. Mẹ thiếu dinh dưỡng vào đầu thai kỳ, trẻ có nguy cơ béo phì và bệnh tim mạch cao khi trưởng thành. Mẹ thiếu dinh dưỡng vào cuối thai kỳ, trẻ sẽ có nguy cơ rối loạn khả năng dung nạp glucoza cao hơn, dẫn đến bệnh đái tháo đường.

Những phụ nữ thiếu dinh dưỡng sinh ra những đứa con suy dinh dưỡng rồi những đứa trẻ này lớn lên lại trở thành các bà mẹ suy dinh dưỡng, thấp còi, tạo thành một vòng tròn luẩn quẩn. Do đó, dinh dưỡng hợp lý từ giai đoạn sớm không chỉ được coi là vấn đề trách nhiệm của cha mẹ mà còn là một yêu cầu về mặt xã hội và kinh tế. Để sinh ra những trẻ em khỏe mạnh, có khả năng phát triển tối đa về thể chất và trí tuệ, mỗi phụ nữ tuổi sinh đẻ cần có những kiến thức cơ bản về chế độ dinh dưỡng trong 1000 ngày đầu đời.

Một số lưu ý trước khi có thai
 
Điều chỉnh cân nặng trước khi mang thai: để trẻ có được sự phát triển tốt nhất ngay từ khi còn trong bụng mẹ, người phụ nữ nên có kế hoạch chuẩn bị về mặt sức khỏe trước khi mang thai. Điều này không những nâng cao khả năng thụ thai mà còn giúp bà mẹ có sức khỏe tốt trong suốt thời gian có thai. Nên duy trì chỉ số khối cơ thể (BMI) ở mức từ 20 - 22. Chỉ số khối cơ thể được tính theo công thức: BMI = Cân nặng (tính theo kg) chia cho chiều cao bình phương (tính theo m). Khi BMI ≥ 25 thai phụ đã bị thừa cân. Điều này có thể gây ra các rủi ro về sức khỏe cho bản thân thai phụ và em bé, đặc biệt khi chỉ số BMI ≥ 30. Nếu phụ nữ bị thiếu năng lượng trường diễn (BMI<18,5) có thể gây ra hiện tượng kinh nguyệt không đều và ảnh hưởng đến việc thụ thai.
 
Tiêm chủng phòng các bệnh truyền nhiễm: bệnh uốn ván, ho gà, sởi, quai bị, rubella và thủy đậu. Đây là điều hết sức quan trọng, vì nhiễm các bệnh này có thể ảnh hưởng xấu đến thai kỳ, có thể gây sẩy thai. Nên tiêm sớm 4 tuần trước khi có thai.
 
Bổ sung dưỡng chất: uống bổ sung 400 – 600 mcg axit flolic mỗi ngày trước khi mang thai 3 tháng và tiếp tục uống đến sau đẻ 1 tháng. Việc cung cấp đủ axit folic thực sự quan trọng, giúp giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh ở thai nhi, đặc biệt trong giai đoạn đầu của thai kỳ. Nên tránh các chế phẩm có chứa vitamin A liều cao trên 5000 đơn vị (IU). Nếu sử dụng liều trên 10000 IU vitamin A/ngày sẽ tăng nguy cơ gây dị dạng thai nhi.
 
 Tất cả các bậc cha mẹ đều muốn con mình khỏe mạnh, hạnh phúc và phát huy được hết tiềm năng phát triển của bản thân. Để đạt được điều này, trẻ cần có một sự khởi đầu tốt nhất. Sự khởi đầu đó chính là dinh dưỡng hợp lý trong 1.000 ngày đầu đời.

 

BS Khổng Minh Tuấn

Các tin khác
Dịch vụ viêm chủng Dịch vụ xét nghiệm Dịch vụ khử trùng Quan trắc môi trường Khám sức khỏe người lao động Kiểm dịch y tế quốc tế Dịch vụ trực tuyến

                           TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT THÀNH PHỐ HÀ NỘI

                         Địa chỉ cơ quan: - Số 70 Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội (Trụ sở chính)

                                                      - Khu Hành chính mới, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội (Cơ sở 2)

                                                      - Số 1 Ngõ 2, đường Quang Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội (Cơ sở 3)

                         Điện thoại: 02438343537           Hotline: 0949396115                Email: ttksbt_soyt@hanoi.gov.vn               

                         Ghi rõ nguồn: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội khi phát hành lại thông tin