Bệnh Tay – chân – miệng và cách phòng chống
Ngày xuất bản: 31/05/2023

Tay chân miệng là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, dễ lây lan và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh lưu hành quanh năm và thường ghi nhận số mắc cao vào khoảng thời gian từ tháng 3-5 và tháng 9-11.

Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh tay chân miệng do các chủng vi rút thuộc họ vi rút đường ruột (gọi chung là Enterovirus) gây ra. Hai nhóm tác nhân thường gặp là Coxsackie A16 và Enterovirus 71 (EV71), trong đó mắc EV71 thường gây ra những biến chứng nặng nề hơn.

Đường lây truyền

Tay chân miệng lây truyền qua đường “phân-miệng” và tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mũi, nước bọt, hầu họng hay dịch tiết từ các nốt phỏng nước của người bệnh. Bên cạnh đó, trẻ có thể lây tay chân miệng qua việc tiếp xúc với dịch tiết, chất bài tiết của người bệnh trên dụng cụ sinh hoạt, đồ chơi, bàn ghế, nền nhà… Đặc biệt trường hợp bệnh nhân mắc các bệnh hô hấp, việc ho, hắt hơi có thể tạo điều kiện để vi rút phát tán và truyền từ người này qua người khác.

Dấu hiệu bệnh

Dấu hiệu đặc trưng của bệnh có thể được nhận biết qua 4 giai đoạn:

- Giai đoạn ủ bệnh: khoảng 3 – 7 ngày, trẻ chưa có các dấu hiệu cụ thể.

- Giai đoạn khởi phát: từ 1-2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.

- Giai đoạn toàn phát: có thể kéo dài 3 – 10 ngày, với các triệu chứng điển hình như:

+ Loét miệng: vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú,…

+ Phát ban dạng phỏng nước: Ban đầu, nốt ban hồng có đường kính vài milimet, nổi trên bề mặt da ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, miệng, mông và trở thành bóng nước. Bóng nước chứa đầy chất dịch và có thể vỡ ra khiến trẻ rất đau đớn. Ban thường tồn tại trong thời gian ngắn (khoảng dưới 7 ngày), sau đó những vết phỏng có thể để lại thâm, không để lại sẹo và rất hiếm khi loét hay bội nhiễm.

+ Trẻ có thể sốt nhẹ, nôn.

- Giai đoạn lui bệnh: Thường từ 3-5 ngày sau, trẻ hồi phục hoàn toàn nếu không có biến chứng.

Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong. Một số các dấu hiệu cảnh báo biến chứng: sốt cao từ 38,5 độ C trở lên, thở mệt, giật mình, rung chi, chới với, quấy khóc, bứt rứt, đi loạng choạng, ngủ nhiều, li bì, co giật, hôn mê... Biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp thường xuất hiện sớm từ ngày 2-5 của bệnh, cần được phát hiện sớm để đưa trẻ đến bệnh viện điều trị kịp thời. 

Chăm sóc trẻ bị tay chân miệng tại nhà

Trẻ bệnh tay chân miệng chỉ có sốt nhẹ dưới 38,5 độ C, loét miệng, phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, tỉnh táo, chơi, thường được bác sĩ cho điều trị ngoại trú. Phụ huynh cần lưu ý chăm sóc trẻ như sau:

- Dinh dưỡng đầy đủ theo tuổi, ăn thức ăn lỏng dễ tiêu, tránh thức ăn chua, cay,… Trẻ còn bú cần tiếp tục cho ăn sữa mẹ.

- Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ: trường hợp sốt dùng thuốc paracetamol để hạ sốt, giảm đau; bù đủ nước cho trẻ nếu có sốt cao. Tại các vị trí bị thương tổn ngoài da, bôi các dung dịch sát khuẩn để tránh bội nhiễm.

- Vệ sinh răng miệng thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn, có thể súc miệng bằng nước muối loãng nếu trẻ súc được.

- Cho trẻ nghỉ học, nghỉ ngơi tại nhà, tránh kích thích và cách ly ít nhất 10 ngày kể từ ngày khởi phát bệnh để tránh lây cho trẻ khác.

- Tái khám mỗi 1-2 ngày trong 8-10 ngày đầu của bệnh. Trẻ có sốt phải tái khám mỗi ngày cho đến khi hết sốt ít nhất 48 giờ. 

Các biện pháp phòng chống bệnh

Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp sau:

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

- Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

- Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

- Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội

Các tin khác
Ý kiến bạn đọc
Đang tải bình luận...
Dịch vụ viêm chủng Dịch vụ xét nghiệm Dịch vụ khử trùng Quan trắc môi trường Khám sức khỏe người lao động Kiểm dịch y tế quốc tế Dịch vụ trực tuyến

                           TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT THÀNH PHỐ HÀ NỘI

                         Địa chỉ cơ quan: - Số 70 Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội (Trụ sở chính)

                                                      - Khu Hành chính mới, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội (Cơ sở 2)

                                                      - Số 1 Ngõ 2, đường Quang Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội (Cơ sở 3)

                         Điện thoại: 02438343537           Hotline: 0866067525                Email: ttksbt_soyt@hanoi.gov.vn               

                         Ghi rõ nguồn: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội khi phát hành lại thông tin