Sáng 27/12, Trung tâm y tế huyện Ba Vì đã phát động xây dựng cộng đồng an toàn (CĐAT) năm 2023 với chủ đề “Xây dựng cộng đồng an toàn là trách nhiệm của toàn xã hội” góp phần đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành và cộng đồng cùng chung tay xây dựng CĐAT nhằm giảm thiểu tai nạn thương tích (TNTT) trên địa bàn huyện.
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội Khổng Minh Tuấn nhấn mạnh việc nhân rộng các mô hình CĐAT trên địa bàn huyện Ba Vì.
Theo thống kê của TTYT huyện Ba Vì, năm 2023, trên địa bàn huyện có 980 ca TNTT, trong đó 15 ca tử vong, tỉ lệ tử vong cao nhất là tai nạn giao thông. Trên địa bàn huyện, 2/31 xã, thị trấn được công nhận cộng đồng an toàn tiêu chuẩn Việt Nam và tiếp tục duy trì; trên 60% hộ gia đình đạt danh hiệu hộ gia đình an toàn. Xã Vạn Thắng đang xây dựng cộng đồng an toàn (tiêu chuẩn Việt Nam giai đoạn 2022 - 2024).
Khai mạc lễ phát động, ông Hoàng Xuân Trường - Trưởng phòng y tế huyện Ba Vì nhấn mạnh sự chủ động của cộng đồng trong việc xây dựng CĐAT. Lan tỏa đến 31/31 xã, thị trấn xây dựng các khu vui chơi an toàn cho trẻ, tiếp tục duy trì mô hình ngôi nhà an toàn, trường học an toàn, CĐAT. Nguy cơ TNTT luôn tiềm ẩn, vì vậy để hạn chế tối đa cần sự chung tay của tất cả mọi người. Đồng thời, khuyến nghị các trường học trên địa bàn duy trì mô hình trường học an toàn hàng năm. Ngành y tế cần phối hợp tốt với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc xây dựng CĐAT.
Thời gian qua, huyện Ba Vì cũng đã triển khai nhiều hoạt động PCTNTT, tổ chức chiến dịch truyền thông, vận động về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác PCTNTT, tập huấn nâng cao kiến thức sơ cấp cứu ban đầu… Thời gian tới, huyện tiếp tục kêu gọi mỗi người dân tự nâng cao nhận thức PCTNTT như sử dụng mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, phòng chống cháy nổ, đuối nước… Tăng cường sự phối hợp của gia đình và nhà trường, phát hiện các yếu tố nguy cơ nhằm giảm tối đa các TNTT có thể xảy ra trên địa bàn huyện.
Cộng tác viên xã Vạn Thắng xây dựng tiểu phẩm sơ cấp cứu ngộ độc thực phẩm.
Xã Vạn Thắng là điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới, có mật độ dân số đông. Tuy nhiên, tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy cơ như mật độ giao thông cao, hạ tầng còn kém; nhiều hồ, ao, kênh, mương. Nhận thức được các nguy cơ này, xã đã chủ động triển khai các biện pháp PCTNTT như tuyên truyền, cấp phát tờ rơi… Các trường học có cổng trường an toàn giao thông. Xã quyết tâm thực hiện mục tiêu hạn chế TNTT bằng việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về PCTNTT, XDCĐAT, tuyên truyền tới 100% hộ gia đình về TNTT. Trạm y tế xã tiếp tục thực hiện tốt các công tác chuyên môn về sơ cấp cứu ban đầu… Đặc biệt, lan tỏa sâu rộng tới từng hộ gia đình trong việc PCTNTT.
Với hình thức sân khấu hóa, tại lễ phát động cộng tác viên, giáo viên, học sinh xã Vạn Thắng đã tuyên truyền các tình huống và sơ cấp cứu các trường hợp ngộ độc thực phẩm và TNTT đuối nước.
Học sinh trường Tiểu học Vạn Thắng học cách sơ cấp cứu đuối nước.
Dự và phát biểu tại lễ phát động, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội đánh giá cao sự phối kết hợp của các cấp ngành trong việc XDCĐAT trên địa bàn huyện Ba Vì. Huyện đã có nhiều hoạt động nhằm giảm thiểu các TNTT xảy ra. Đồng thời, nhấn mạnh hoạt động PCTNTT cần sự chỉ đạo xuyên suốt của các cấp, các ngành cũng như sự chung tay góp sức của toàn thể cộng đồng. Để lan tỏa mạnh mẽ công tác PCTNTT tại cộng đồng, thời gian tới các cấp ủy, chính quyền, ban ngành đoàn thể, các tổ chức xã hội tiếp tục triển khai các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về các nguy cơ và tham gia tích cực dự phòng TNTT. Kết hợp công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu với XDCĐAT. Nhân rộng các mô hình hiệu quả đã được xây dựng. Tập huấn chuyên môn cho đội ngũ y tế, cộng tác viên. Tăng cường sản xuất các sản phẩm truyền thông PCTNTT. Ngoài ra, mỗi địa phương, mỗi nhà trường, mỗi gia đình thường xuyên đánh giá các yếu tố, nguy cơ gây TNTT để đưa ra các giải pháp can thiệp kịp thời nhằm giảm nguy cơ gây TNTT.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội