Tăng cường công tác giám sát trường hợp dương tính với vi rút dại trên người do bị chó mắc bệnh dại cắn tại xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn
Theo kết quả điều tra dịch tễ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội và Trung tâm y tế (TTYT) huyện Sóc Sơn cung cấp, đó là trường hợp bệnh nhân Đỗ Phương Bột (sinh năm 1956) và các trường hợp liên quan tại xóm Hòa Bình, thôn 2, xã Hồng Kỳ, Sóc Sơn.
Bệnh nhân Đỗ Phương Bột bị chó dại cắn ở đầu ngón IV tay phải, chảy máu, sau cắn bệnh nhân rửa vết cắn bằng nước sạch (phân loại vết cắn: độ III). Được biết, đây loại chó nhỏ được 2 tháng tuổi, được nuôi ở trên đồi cùng xóm, chó mẹ đã bị bắt trộm, những con khác cùng đàn đã chết không rõ nguyên nhân. Ngày 22/01/2024 con chó được ông Bột đưa về nhà nuôi; đêm 23/01/2024 con chó có biểu hiện kêu rên, bỏ ăn; sáng 25/01/2024 thì chó chết. Sau khi chó chết, người nhà đã lấy đầu con chó đến Trung tâm Chẩn đoán Thú Y TW xét nghiệm và được thông báo có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút dại ngày 25/01/2024 (Có phiếu trả lời kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR, Kháng thể huỳnh quan trực tiếp FAT của Trung tâm chẩn đoán Thú Y Trung ương).
Bệnh nhân bị cho dại cắn vào ngón tay.
Sau đó bệnh nhân được tư vấn và được tiêm vắc xin phòng dại mũi 1: chiều ngày 25/01/2024, bệnh nhân đã được tư vấn tuân thủ tiêm đủ 5 mũi vắc xin phòng dại theo phác đồ tiêm bắp (Loại vắc xin Verorab) và tư vấn đi tiêm huyết thanh kháng dại. Thời gian được tiêm huyết thanh kháng dại lúc 09h00 ngày 26/01/2024 tại Bệnh viện Nhiệt đới TW2 cơ sở Kim Chung – Đông Anh.
Với các trường hợp khác có liên quan là trường hợp anh Đỗ Phương Lập (sinh năm 1982) là con trai bệnh nhân, chặt đầu chó (không có bảo hộ đầy đủ) ngày 25/01/2024. TTYT huyện Sóc Sơn, Trạm y tế xã Hồng Kỳ đã tư vấn cho ông Lập tuân thủ lịch tiêm vắc xin phòng dại 05 mũi theo quy định.
Ngoài ra, gia đình ông Bột có 09 người khác khẳng định không tiếp xúc với con chó mắc dại.
Khu vực chó dại ở được tẩy uế, vệ sinh.
Sau khi ghi nhận ca dương tính với virut dại bệnh nhân Đỗ Phương Bột, TTYT huyện Sóc Sơn đã điều tra, rà soát lập danh sách những người bị chó cắn, người thường xuyên tiếp xúc với con chó, tiếp xúc với dịch tiết, máu của con chó mắc dại, tư vấn tuân thủ tiêm vắc xin phòng dại theo quy định. Đồng thời, chỉ đạo Trạm y tế xã Hồng Kỳ phối hợp với các ban ngành liên quan tiếp tục thực hiện công tác truyền thông, rà soát phát hiện các trường hợp bị chó, mèo cắn trên địa bàn đến cơ sở y tế để được tư vấn tiêm vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại theo quy định. Hướng dẫn tiêu độc, sát trùng bằng xà phòng tại nơi nuôi nhốt chó, nơi có dịch tiết/máu của chó mắc bệnh dại. Tuyên truyền cho người dân về phòng chống bệnh dại tại thôn 2, xã Hồng Kỳ và trên địa bàn xã.
Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Phó chủ tịch UBND xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn cho biết: Sau khi chúng tôi ghi nhận một ca dương tích với virut dại trên người. UBND xã chỉ đạo rà soát tiêm phòng virut dại trên động vận và vệ sinh môi trường. Chỉ đạo người nhà bệnh nhân tiêm phòng và những người liên quan tiên phòng chống dịch theo khuyến cáo ngành y tế. Đồng thời, UBND xã kích hoạt Ban chỉ đạo phòng chống dịch đẩy mạnh công tác truyên truyên trên phương tiện truyền thanh xã, phun tiêu độc đối với gia đình bệnh nhân ngày 1 lần…
Tại buổi làm việc đoàn cán bộ CDC Hà Nội đề nghị với UBND Hồng Kỳ động viên các ban ngành đoàn thể xã tuyên truyền người dân cứ bị chó mèo cắn hoặc chết trong vòng 10 ngày nên đi tiêm phòng. Đồng thời UBND xã tăng cường công tác tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh hàng ngày về bệnh dại trên người và các biện pháp phòng chống, để người dân bị chó,mèo cắn đến cơ sở y tế để được tư vấn tiêm vacxin phòng dại, huyết thanh kháng dại theo quy định. Tăng cường rà soát, quản lý các hộ gia đình nuôi chó, mèo khi phát hiện chó nghi mắc dại cần có biện pháp xử lý kịp thời triệt để; triển khai tiêm phòng dại 100% cho đàn chó, mèo trên địa bàn.
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút dại gây ra, thường tác động lên hệ thần kinh. Người bị mắc bệnh dại do bị lây truyền vi rút dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại trên da bị tổn thương (thường là chó, mèo). Người đã bị bệnh dại gần như tử vong 100%.
Trên thế giới hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh dại nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được. Để phòng chủ động phòng chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Cách phòng bệnh tốt nhất là phải tiêm phòng cho 100% chó, mèo nuôi đầy đủ và nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y
2. Nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.
3. Diệt chó chạy rông, chó vô chủ.
4. Không nên đùa nghịch, chọc phá các con vật nuôi.
5. Khi bị chó, mèo cắn cần:
- Rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng
- Vết thương cần được rửa sạch với cồn 70%, cồn iod hoặc povidone-iodine (nếu có).
- Hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.
- Đến ngay Trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.
- Tuyệt đối không tự chữa hoặc nhờ thầy lang khám chữa.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội