Chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Cúm A(H5N1) trên người
Ngày xuất bản: 25/03/2024

Ngày 24/3/2024, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế có thông báo về trường hợp mắc cúm A(H5N1) tại tỉnh Khánh Hòa đã tử vong sau 1 tuần điều trị. Đây là trường hợp mắc cúm A(H5N1) thứ 2 kể từ năm 2014 sau nhiều năm không ghi nhận trường hợp mắc bệnh trên người tại Việt Nam. Trước đó, vào tháng 10/2022, tại Phú Thọ đã ghi nhận 01 trường hợp mắc cúm A(H5N1) trên người. Tích lũy từ 2003 đến nay, cả nước ghi nhận 128 người nhiễm cúm A(H5N1), trong đó có 65 người tử vong ( chiếm tỷ lệ 50,8%).

Cúm A(H5N1) một bệnh nhiễm vi rút đường hô hấp cấp tính gây ra bởi vi-rút cúm A(H5N1). Bệnh lây truyền từ gia cầm sang người, người nhiễm virus cúm A(H5N1) chủ yếu thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với gia cầm bị nhiễm bệnh. Hiện tại chưa có bằng chứng cho thấy cúm A(H5N1) lây từ người sang người, tuy nhiên vi rút cúm A(H5N1) có độc lực cao, người bị nhiễm thường diễn tiến nặng và tử vong với tỷ lệ cao khoảng 50%. Bệnh cúm A(H5N1) trên người hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc xin phòng bệnh. 

Người bệnh nhiễm cúm A(H5N1) thường có những biểu hiện giống với cúm thông thường và kèm theo một số dấu hiệu nguy hiểm hơn. Các dấu hiệu sớm ở người nhiễm cúm A(H5N1) thường bắt đầu trong vòng 2 - 5 ngày kể từ ngày bị nhiễm trùng, bao gồm: sốt cao đột ngột (trên 38 độ C); đau ngực; khó thở; kèm theo các biểu hiện khác như đau họng; ho khan; đau đầu; đau nhức cơ; Mệt mỏi rã rời... Bệnh cúm A(H5N1) diễn biến nhanh gây khó thở, suy hô hấp và dẫn đến tử vong nếu không được chữa trị kịp thời.

Bộ Y tế nhận định, trong thời gian tới vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người ở bất cứ địa phương nào trong toàn quốc. Để chủ động phòng, chống dịch cúm A(H5N1) lây từ gia cầm sang người, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: 

1. Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. 

2. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

3. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

4. Hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã, đặc biệt là chim.

5. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

                                                          Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội  

Các tin khác
Dịch vụ viêm chủng Dịch vụ xét nghiệm Dịch vụ khử trùng Quan trắc môi trường Khám sức khỏe người lao động Kiểm dịch y tế quốc tế Dịch vụ trực tuyến

                           TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT THÀNH PHỐ HÀ NỘI

                         Địa chỉ cơ quan: - Số 70 Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội (Trụ sở chính)

                                                      - Khu Hành chính mới, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội (Cơ sở 2)

                                                      - Số 1 Ngõ 2, đường Quang Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội (Cơ sở 3)

                         Điện thoại: 02438343537           Hotline: 0949396115                Email: ttksbt_soyt@hanoi.gov.vn               

                         Ghi rõ nguồn: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội khi phát hành lại thông tin