Trong đầu tháng 7/2024, cả nước đã ghi nhận 03 trường hợp mắc bạch hầu tại Nghệ An và Bắc Giang. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè năm 2024; để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu xâm nhập trên địa bàn Thành phố, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội đề nghị Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã thực hiện một số nội dung:
Về các hoạt động giám sát, đáp ứng phòng, chống dịch, tăng cường công tác giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại cộng đồng và các cơ sở y tế được phân cấp. Khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, thông báo ngay với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội để phối hợp điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm và triển khai các hoạt động phòng, chống theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Người dân đến tiêm chủng tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội.
Phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện điều tra xác minh, tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe và hướng dẫn sử dụng kháng sinh điều trị đối với những người tiếp xúc gần với các trường hợp bệnh xác định lưu trú trên địa bàn Thành phố theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Tăng cường công tác rà soát tiền sử tiêm chủng của trẻ trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng để tổ chức tiêm vét, tiêm bổ sung các loại vắc xin có thành phần bạch hầu theo đúng khuyến cáo, quy định của Bộ Y tế.
Chuẩn bị đầy đủ cơ số hóa chất và máy phun hóa chất khử khuẩn, khẩu trang, trang phục bảo hộ cá nhân và các loại hóa chất, vật tư tiêu hao khác để sẵn sàng phục vụ cho các hoạt động đáp ứng phòng, chống dịch trong tình huống ghi nhận ca bệnh, ổ dịch trên địa bàn.
Về hoạt động truyền thông phòng, chống dịch, truyền thông nhấn mạnh đến sự nguy hiểm của bệnh, đường lây, dấu hiệu phát hiện bệnh sớm và cách phòng. Thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn để xây dựng nội dung truyền thông phù hợp. Thông tin về tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu, địa điểm tiêm, lịch tiêm thường xuyên và tiêm nhắc lại, đối tượng tiêm chủng. Đồng thời, vận động các gia đình đưa trẻ đi tiêm vắc xin đúng lịch, đủ mũi tiêm. Khi nghi ngờ bị bệnh, đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc với mọi người, thông báo cho y tế cơ sở biết, đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám, theo dõi và điều trị kịp thời, không tự ý mua thuốc để điều trị tại nhà. Khi bị bệnh, tuân thủ triệt để về cách ly và điều trị của cơ quan y tế. Người dân trong vùng dịch nghiêm chỉnh chấp hành việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
Các đơn vị chủ động phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tăng cường tổ chức các hoạt động truyền thông phòng, chống bệnh bạch hầu với các hình thức ưu tiên tăng cường truyền thông trên các kênh truyền thông đại chúng như: tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh xã, phường, thị trấn; truyền thông lưu động, cổ động trực quan (treo băng rôn, khẩu hiệu tại các ổ dịch, các cuộc mít-tinh và tại nơi công cộng (đông người qua lại) hoặc trục đường chính), truyền thông trực tiếp. Tuyên truyền trên Trang thông tin điện tử (website), facebook của các đơn vị và các nhóm zalo của cộng tác viên y tế, tổ dân phố, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, ...
Tăng cường lồng ghép tư vấn sức khoẻ tại cộng đồng và trong các hoạt động khám, điều trị bệnh tại các cơ sở y tế. Đối với khu vực đang có ca bệnh hoặc khu vực nghi ngờ có dịch, cần đẩy mạnh kênh truyền thông trực tiếp, tư vấn tại hộ gia đình cho người nhà và bệnh nhân các biện pháp phát hiện bệnh sớm, chăm sóc, điều trị và phòng bệnh kịp thời. Tại các cơ sở y tế cần tổ chức những hình thức hoạt động truyền thông phù hợp tới bệnh nhân và người nhà về cách chăm sóc tại nhà, biện pháp cách ly, phòng bệnh, dấu hiệu chuyển nặng.
Các Trung tâm y tế chủ động xây dựng hoặc sử dụng tài liệu truyền thông sẵn có của đơn vị, các tuyến với tình hình thực tế; ưu tiên tài liệu truyền thông có thể chuyển tải nhanh qua hệ thống truyền thông đại chúng, đa phương tiện, mạng xã hội.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP