Để hưởng ứng Ngày Sức khỏe Tâm thần thế giới 10/10, Sở Y tế Hà Nội đã có công văn gửi Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội về việc truyền thông giáo dục sức khỏe nhân Ngày Sức khỏe Tâm thần thế giới.
Theo đó, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị ị tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền như treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền, tư vấn sức khỏe tâm thần cho người dân, tổ chức mít tinh, tọa đàm lồng ghép các hoạt động truyền thông sức khỏe khác nhằm hưởng ứng ngày Sức khỏe Tâm thần thế giới (10/10).
Ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới (World Mental Health Day), được cử hành lần đầu vào năm 1992 theo sáng kiến của Liên đoàn Sức khỏe Tâm thần thế giới. Ngày Sức khỏe Tâm thần thế giới được tổ chức hàng năm vào ngày 10 tháng 10 với mục đích giáo dục, nâng cao nhận thức và ủng hộ sự nghiệp chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Năm 2024, Ngày Sức khỏe Tâm thần thế giới có chủ đề là “Ưu tiên Sức khỏe Tâm thần tại Nơi làm việc,” nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết nhằm thúc đẩy sức khỏe tâm thần trong lực lượng lao động. Chủ đề này nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ cơ hữu giữa sức khỏe tâm thần và công việc, mục tiêu là thu hút tất cả các bên bao gồm người sử dụng lao động, người lao động, các tổ chức liên quan để vận động, thúc đẩy sự quan tâm đến sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc để sức khỏe tâm thần được ưu tiên, bảo vệ.
Theo Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, thống kê năm 2023 cho thấy có hơn 60% dân số toàn cầu đang làm việc. Công việc giúp con người có thu nhập, phát triển nhân cách, được thoả mãn nhu cầu tự thể hiện, được kết nối với xung quanh, tạo nên những giá trị cuộc sống. Môi trường làm việc có tác động rất lớn đến sức khỏe tâm thần của con người: một môi trường an toàn, lành mạnh đóng vai trò là yếu tố bảo vệ sức khỏe tâm thần. Ngược lại, môi trường làm việc không lành mạnh sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, chất lượng cuộc sống nói chung và năng suất làm việc.
Một trong những vấn đề cấp bách nhất ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm thần ở nơi làm việc là mệt mỏi, kiệt sức. Áp lực công việc là động lực có thể giúp con người rèn luyện bản thân. Nhiều người đang phải trải qua những căng thẳng kéo dài mạn tính dẫn đến kiệt sức. Vì vậy, cần chia sẻ trách nhiệm về chăm sóc sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc, từ người sử dụng lao động đến người lao động, từ giám đốc, người quản lý đến nhân viên. Mỗi người cần có những cách khác nhau để thư giãn, cần những cải thiện, thay đổi để tăng cường khả năng chống đỡ, hồi phục của cơ thể và tạo ra môi trường làm việc lành mạnh, nơi sức khỏe tâm thần là ưu tiên hàng đầu. Hãy cùng nhau làm việc để chống lại tình trạng sức khỏe tâm thần kém và tình trạng kiệt sức, đồng thời nuôi dưỡng môi trường nơi mọi người đều có thể phát triển.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội