Quyết liệt đối với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trước những hệ lụy của chúng đối với giới trẻ
Theo số liệu của Bộ Y tế, chỉ trong vòng 2 năm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử (TLĐT) trong học sinh 13-15 tuổi đã gia tăng một cách đáng kể (từ 3,5% năm 2022 lên 8,0% năm 2023).
Sử dụng TLĐT cao ở nhóm tuổi trẻ (15-24 tuổi) với tỉ lệ là 7,3%; nhóm tuổi 25-44 tuổi là 3,2% và nhóm tuổi 45-64 tuổi là 1,4%.
Tại Việt Nam, qua tổng hợp báo cáo của gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho thấy, chỉ tính riêng năm 2023, đã có 1.224 ca nhập viện do sử dụng TLĐT, thuốc lá nung nóng (TLNN). Triệu chứng các bệnh nhân khi nhập viện chủ yếu do dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi cấp do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Về thời gian sử dụng TLĐT, TLNN của những ca nhập viện: 81 người cho biết mới sử dụng lần đầu tiên; 1.143 người đã từng dùng một thời gian.
Nghiên cứu của Trường Đại học Y tế công cộng trong giai đoạn tháng 10-12/2023 trên 3.801 học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 tại 11 tỉnh, thành ở Việt Nam mới công bố cho thấy: kết quả có 96,2% và 37,8% học sinh nhận thức được sự tồn tại của TLĐT và TLNN. Trong đó, 14% đã từng sử dụng thử TLĐT và 7% hiện đang sử dụng trong 30 ngày qua. Tỷ lệ này đối với TLNN là 1,8% đã từng sử dụng và 1,0% hiện đang sử dụng. Đáng lo ngại là tình trạng trộn lẫn ma túy vào TLĐT đang ngày càng trở nên phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho xã hội.
Năm 2021, tỷ lệ hiện sử dụng TLĐT ở học sinh phổ thông lớp 8-12 (13-17 tuổi) tại Hà Nội là 8,4%, trong đó 45% chưa bao giờ hút thuốc lá điếu (người dùng mới); 3,2% học sinh 13-17 tuổi sử dụng đồng thời TLĐT và thuốc lá điếu (người dùng kép).
TLĐT, TLNN là những sản phẩm mới xuất hiện trong khoảng 10 năm trở lại đây, bằng chứng khoa học về độc tính và ảnh hưởng sức khỏe lâu dài của các sản phẩm này vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu. Tuy nhiên, rất nhiều các nghiên cứu bước đầu đã chỉ ra hậu quả đối với sức khoẻ của việc sử dụng và tiếp xúc thụ động với “sol khí”/khói của các sản phẩm này.
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc sử dụng TLĐT ảnh hưởng đến hệ hô hấp, tim mạch và tăng nguy cơ ung thư, tăng nguy cơ mắc bệnh răng miệng và các vấn đề sức khỏe khác bao gồm các triệu chứng tiêu hóa, phổ biến nhất là đau vùng thượng vị, buồn nôn và nôn, tiêu chảy và xuất huyết tiêu hoá. Hậu quả nổi bật nhất của TLĐT là Hội chứng tổn thương phổi cấp. Tại Mỹ, ít nhất 2.807 trường hợp nhập viện và 68 trường hợp tử vong đã được xác nhận do Hội chứng này.
Bên cạnh đó, các sản phẩm thuốc lá mới có nguy cơ cao tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện đồng thời với TLĐT, TLNN, ảnh hưởng đến sức khỏe, an ninh trật tự xã hội. TLĐT sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy thông qua việc phối trộn. Người sử dụng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine quá mức TLĐT lá điện tử có sử dụng đồng thời các chất ma túy khác như Cannabis và Marijuana.
Một số khảo sát trong cộng đồng sử dụng TLĐT cho thấy rõ ràng về mối liên quan giữa sử dụng TLĐT với các tệ nạn xã hội khác như ma túy, hút shisha và các chất gây nghiện khác. Pha trộn ma túy (gồm cả Cannabis, Marijuana và các chất ma túy mới khác) vào dung dịch điện tử đã được ghi nhận ở Trung tâm Chống độc Bệnh Viện Bạch Mai và Trung tâm giám định ma túy Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. Những hệ lụy này ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, môi trường, lối sống, hành vi của giới trẻ.
Nguy hiểm hơn, khi sử dụng các sản phẩm TLĐT, TLNN còn gây ảnh hưởng lớn đến lối sống của giới trẻ, với hậu quả như: rối loạn về nhận thức và cảm xúc, giảm khả năng học tập, rối loạn tâm thần… Đặc biệt, những thay đổi do nicotine gây ra trong hệ thần kinh khiến người dùng ở nhóm tuổi này dễ bị nghiện nicotine hơn. Vì vậy sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng trong tương lai.
Các sản phẩm TLĐT, TLNN có khả năng gây nghiện nhanh, đặc biệt đối tượng học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó hình dạng của TLĐT rất đa dạng, khó nhận biết. Do đó, cần phải khẩn trương có biện pháp để ngăn chặn kịp thời, tăng cường các biện pháp truyền thông, giáo dục cho giới trẻ.
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan mang TLĐT có hình dạng khó nhận biết vào nghị trường Quốc Hội để cảnh báo (ảnh nguồn Cổng thông tin điện tử Quốc hội)
Bên cạnh sự vào cuộc sát sao của ngành y tế, các ban ngành liên quan. Để hạn chế vấn nạn TLĐT ở lứa tuổi vị thành niên, gia đình đóng vai trò vô cùng quan trọng, cha mẹ, người giám hộ cần dành thời gian quan tâm, lắng nghe tâm tư con và giám sát các hoạt động trong cuộc sống của con trên cơ sở tôn trọng, tránh dẫn đến các hành vi chống đối do bị áp đặt. Hướng dẫn, cung cấp thêm cho con các kiến thức về sự nguy hại của TLĐT, TLNN. Nhà trường phối hợp với gia đình cần giáo dục cho học sinh nhận thức được các chất gây nghiện và tác hại do sử dụng chất gây nghiện tới sức khỏe và tương lai của thế hệ trẻ.
Mai Trang