Hà Nội hướng tới trở thành thành viên Mạng lưới “Thành phố học tập toàn cầu” của UNESCO
Kế hoạch được triển khai với mục tiêu thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho mọi người dân, qua đó nâng cao trình độ dân trí, tạo điều kiện phát triển việc làm, tăng thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống trên toàn địa bàn. Đồng thời, việc tham gia mạng lưới sẽ mở rộng khả năng trao đổi tri thức, ý tưởng và kinh nghiệm giữa Hà Nội với các thành phố thành viên khác của UNESCO trên toàn thế giới.
Thành phố cũng đặt kỳ vọng tạo động lực học tập trong cộng đồng dân cư, khai thác hiệu quả giá trị sáng tạo của các đối tác trong nước và quốc tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững, toàn diện của Thủ đô.
Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ phấn đấu hoàn thành các tiêu chí thuộc Bộ tiêu chí “Thành phố học tập toàn cầu” của UNESCO, gắn với lộ trình xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2045, phù hợp với định hướng Nghị quyết số 23-NQ/TU của Thành ủy.
Trong thời gian tới, thành phố sẽ đẩy mạnh đổi mới công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vai trò quan trọng của học tập suốt đời. Các chiến dịch truyền thông đa dạng sẽ được triển khai, tận dụng nền tảng số và mạng xã hội để mở rộng tương tác, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.
Song song, Hà Nội sẽ phát triển và nhân rộng các mô hình học tập như: Công dân học tập, Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Cộng đồng học tập, Đơn vị học tập, Huyện học tập… theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Việc truyền thông điển hình tiên tiến, tôn vinh các tấm gương khuyến học – khuyến tài cũng sẽ được đẩy mạnh, hướng tới mục tiêu xây dựng một xã hội học tập, nơi mỗi người dân Thủ đô đều trở thành công dân số, công dân toàn cầu.
Hằng năm, thành phố sẽ tổ chức Lễ khai mạc và các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ học tập suốt đời với hình thức đa dạng, hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân tham gia.
Đặc biệt, Hà Nội sẽ tập trung triển khai hiệu quả kế hoạch xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc” tại tất cả các cấp học, từ mầm non đến trung học phổ thông, bao gồm cả các cơ sở giáo dục ngoài công lập và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên. Các trường cao đẳng, trung cấp có chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT cũng sẽ được lồng ghép nội dung phù hợp nhằm lan tỏa tinh thần học tập tích cực trong toàn hệ thống giáo dục của Thủ đô.
Xem chi tiết văn bản TẠI ĐÂY:
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội