Đó là thông tin được đưa ra tại buổi gặp mặt báo chí nhân Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2018 do Cục Phòng, chống HIV/AIDS tổ chức chiều 7/6, tại Hà Nội.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, TS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, nhờ sự phát triển của công tác dự phòng và điều trị mà tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con đã giảm đáng kể. Đặc biệt là người mẹ nhiễm HIV có thể sinh con hoàn toàn bình thường. Để giảm tối đa nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con, thời gian qua các cấp, các ngành đã có nhiều hoạt động để nâng cao nhận thức của người dân như tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện cho phụ nữ mang thai; điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ họ bằng thuốc ARV; tư vấn, hỗ trợ hình thức nuôi dưỡng phù hợp cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV; chuyển tiếp chăm sóc tiếp tục tại cơ sở điều trị HIV/AIDS cho phụ nữ nhiễm HIV và con của họ sau sinh.
Tuy đạt được những kết quả tích cực nhưng công tác bao phủ xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai vẫn còn không ít khó khăn, nhất là khi sự kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn còn tồn tại là rào cản cho việc tiếp cận với dịch vụ phòng lây truyền mẹ con.
Cán bộ y tế tư vấn dự phòng lây truyền HIV cho phụ nữ mang thai. (ảnh sưu tầm)
Để đạt được mục tiêu đến năm 2020 giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2% cần phải có sự tham gia tích cực hơn nữa của các cơ sở y tế, đặc biệt là cơ sở y tế tại các phường, xã trong công tác dự phòng lây truyền mẹ con như tăng cường độ bao phủ xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về lợi ích của việc xét nghiệm HIV sớm đối với phụ nữ mang thai, giảm kỳ thị, phân biệt đối với phụ nữ mang thai nhiễm HIV.
Bên cạnh đó, khi thực hiện chuyển tiếp giữa hai hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản và phòng chống HIV/AIDS, cần theo dõi chuyển tiếp phụ nữ mang thai HIV dương tính sang cơ sở chăm sóc điều trị để được theo dõi điều trị ARV ngay; chuyển tiếp mẹ và trẻ sau sinh sang cơ sở HIV/AIDS để được theo dõi điều trị cho đến khi trẻ khẳng định tình trạng nhiễm HIV.
Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, trong năm 2018, ngành y tế phấn đấu đạt chỉ tiêu 90% phụ nữ mang thai và con của họ được điều trị dự phòng lây truyền mẹ con bằng ARV; 100% trẻ em sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được chẩn đoán sớm tình trạng nhiễm HIV.
Dự phòng sớm việc chẩn đoán tình hình sức khỏe cũng như khả năng nhiễm HIV ở phụ nữ mang thai rất quan trọng đối với công tác bảo vệ thế hệ tương lai. Do đó, phụ nữ bị nhiễm HIV khi có dấu hiệu mang thai nên đến các cơ sở y tế để được tư vấn, khám và quản lý thai nghén kịp thời. Ngay cả những phụ nữ chưa xác định tình trạng nhiễm HIV của mình, khi mang thai cũng cần đến các cơ sở y tế xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt để được tư vấn cách phòng tránh lây nhiễm.
Diệu Linh