Bệnh lây qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp hoặc qua các đồ vật mới bị nhiễm các dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh. Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban; có thể dẫn đến nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc, tiêu chảy....
Người dân cần chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng để phòng bệnh sởi
Trong tháng 11 và 12 của năm 2018 tại Hà Nội có tổ chức chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi – rubella cho trẻ từ 1-5 tuổi. Vì vậy số mắc sởi có xu hướng chững lại, mỗi tuần chỉ ghi nhận dưới 10 trường hợp. Tuy nhiên tại một số tỉnh số mắc sởi đang có diễn biến phức tạp, đặc biệt trong thành phố Hồ Chí Minh và số mắc sởi có cả người lớn do chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ vắc xin phòng bệnh sởi.
Trước tình hình thời tiết thuận lợi cho bệnh sởi lây lan trong cộng đồng, chuẩn bị đến dịp nghỉ Tết âm lịch, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội dự báo: do người dân di chuyển nhiều về các tỉnh thành phố ăn Tết, trong đó có cả các tỉnh đang có dịch bệnh sởi và có khả năng lây bệnh nên số mắc sởi có thể gia tăng trong và sau dịp nghỉ Tết âm lịch.
Để chủ động phòng chống bệnh sởi ngành Y tế Hà Nội khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp sau:
1. Hãy đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh sởi ngay khi trẻ đủ 9 tháng tuổi và tiêm nhắc lại mũi 2 vắc xin phối hợp sởi – rubella khi trẻ đủ 18 – 23 tháng tuổi trong Tiêm chủng mở rộng và trẻ từ 1-5 tuổi tiêm bổ sung trong chiến dịch.
2. Trẻ lơn hơn 5 tuổi, người lớn và phụ nữ trước khi mang thai tối thiểu 3 tháng cũng cần chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh sởi (có thể tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh sởi – quai bị - rubella) tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ để phòng bệnh cho chính bản thân và góp phần ngăn chặn vi rút sởi lây lan trong cộng đồng.
3. Thường xuyên vệ sinh cá nhân (mũi, họng, mắt, bàn tay) hàng ngày cho trẻ và người lớn.
4. Nơi ở phải được thông thoáng, lưu thông không khí như mùa đông thỉnh thoảng phải mở cửa sổ thay không khí, cho ánh nắng mặt trời chiếu vào, bật quạt để thông thoáng khí; dùng đèn xông tinh dầu ...
5. Khi phát hiện trường hợp có triệu chứng như sốt, phát ban, chảy nước mũi,... gia đình phải đến ngay các cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị, cách ly kịp thời và thông báo ngay cho Trạm y tế xã, phường biết.
6. Hạn chế tiếp xúc với các trường hợp mắc/nghi mắc bệnh. Khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế. Phụ nữ có thai tuyệt đối không tiếp xúc với người mắc bệnh sởi.
7. Không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, cốc, chén, bát, đũa..), đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng của người mắc bệnh. Làm sạch vật dụng cá nhân, đồ chơi, đồ vật nghi bị ô nhiễm chất tiết mũi họng của người mắc bệnh bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch.
8. Lau sàn nhà, nắm đấm cửa, mặt bàn, ghế, khu vệ sinh chung hoặc bề mặt của đồ vật nghi ngờ bị ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường từ 1 – 2 lần/ngày.
9. Hạn chế tập trung nơi đông người, hội họp, đặc biệt tại những phòng chật hẹp, ít thông khí, ở khu vực ổ dịch...
10. Ăn uống đầy đủ chất, dinh dưỡng hợp lý.
“Tiêm chủng là biện pháp tốt nhất để phòng chống bệnh sởi !”
Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm