Tham dự hội nghị có Đại diện lãnh đạo Cục Phòng chống HIV/AIDS Việt Nam – Bộ Y tế, đại diện Công an Thành phố, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội- Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, một số bệnh viện, trung tâm y tế 30 quận, huyện, thị xã, cùng màng lưới cán bộ chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS tuyến quận, huyện, cùng đại diện các đơn vị, tổ chức đối tác tham gia công tác phòng chống HIV/AIDS.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, trong năm 2018, công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tiếp tục được tăng cường, đặc biệt là các hoạt động dự phòng, xét nghiệm phát hiện HIV; giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS với gia đình, xã hội, đặc biệt là dự phòng lây nhiễm HIV; mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất lượng các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm HIV, bảo hiểm y tế và điều trị HIV/AIDS nhằm thực hiện mục tiêu 90 – 90 – 90 vào năm 2020 của Chính phủ (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của mình; 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng HIV (ARV); 90% số người đang được điều trị ARV có tải lượng HIV ở mức thấp).
Việc theo dõi và giám sát dịch luôn chủ động, triển khai tư vấn xét nghiệm HIV tại 584 xã, phường, thị trấn, năm 2018 đã xét nghiệm cho 300.527 trường hợp, phát hiện được 2.210 ca dương tính với HIV. Nhiều hoạt động truyền thông được triển khai từ thành phố đến quận, huyện, xã, phường, đặc biệt trong Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS. Các hoạt động can thiệp giảm tác hại cũng được chú trọng. Trong năm 2018, chương trình đã cấp phát hơn 3 triệu chiếc bơm kim tiêm miễn phí cho người nghiện chích ma túy; hơn 1 triệu chiếc bao cao su miễn phí dự phòng lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục đối với nhóm người có nguy cơ cao... Toàn thành phố hiện có 18 cơ sở điều trị Methadone trong đó có 16 cơ sở thuộc ngành y tế quản lý, 2 cơ sở thuộc ngành Lao động Thương binh và Xã hội quản lý, hiện đang điều trị cho 4.864 bệnh nhân, số bệnh nhân duy trì ổn định là 4.249 người.
PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội chủ trì hội nghị
Công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được thực hiện tốt, số phụ nữ mang thai được xét nghiệm là 114.744 người, phát hiện mới 85 trường hợp nhiễm HIV trong đó 81 trường hợp được đưa vào điều trị ARV, 100% trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV còn sống được điều trị dự phòng bằng thuốc ARV.
Tuy nhiên, công tác phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn gặp nhiều khó khăn do nhận thức của người dân về HIV/AIDS còn chưa cao, các hoạt động truyền thông tại cơ sở không được duy trì thường xuyên, mới chỉ tập trung trong tháng chiến dịch, việc tiếp cận với các đối tượng nhiễm HIV còn gặp nhiều khó khăn do đối tượng còn mặc cảm, ngại tiếp xúc với người khác. Việc kỳ thị với người nhiễm HIV vẫn còn, đây là rào cản chính làm người có nguy cơ và người nhiễm HIV không muốn tiếp cận với dịch vụ xét nghiệm, dự phòng lây nhiễm HIV.
Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống HIV/AIDS, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt là trên các phương tiện thông tin đại chúng, kết hợp các hình thức truyền thông trực tiếp, vận động người dân thực hiện các quy định của pháp luật và tích cực tham gia các hoạt động phòng chống HIV/AIDS; nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc, tư vấn xét nghiệm; tăng cường can thiệp giảm tác hại cho người nhiễm HIV; mở rộng độ bao phủ của chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone. Bên cạnh đó, tích cực triển khai Chỉ thị 10/CT-BYT của Bộ Y tế về Tăng cường giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS trong cơ sở y tế; đồng thời chú trọng nâng cao năng lực hệ thống phòng chống HIV/AIDS; xây dựng các chính sách, đưa các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS phù hợp với tình hình thực tiễn.
Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đánh giá cao những kết quả công tác phòng, chống HIV/AIDS mà Hà Nội đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời yêu cầu các đơn vị cần xây dựng kế hoạch cụ thể theo đặc điểm tình hình của từng địa phương để triển khai công tác phòng, chống HIV/AIDS một cách hiệu quả hơn. Cần tăng cường hơn nữa công tác rà soát, xét nghiệm phát hiện người nhiễm HIV tại cộng đồng. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên, đa dạng hóa các hình thức truyền thông, chú trọng kênh thông tin đại chúng nhằm nâng cao kiến thức cho người dân về HIV/AIDS, chống sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS, tạo điều kiện để người nhiễm HIV được tiếp cận các dịch vụ dự phòng, can thiệp, bảo hiểm y tế và đặc biệt là điều trị ARV.
Duy Tuân