Hà Nội chủ động công tác phòng chống dịch viêm đường hô hấp do vi rút corona
Ngày xuất bản: 08/02/2020

Tính đến ngày 8/2, trên địa bàn thành phố Hà Nội chưa ghi nhận ca mắc viêm phổi cấp do vi rút corona (nCoV), số ca nghi nhiễm nCoV là 51 người, số người tiếp xúc gần là 235 người, số người đến từ vùng dịch cần giám sát y tế là 1349 người. Để biết thêm về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống, chúng tôi (PV) đã có cuộc phỏng vấn với BSCKII Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội về vấn đề này.

(PV)Thưa ông, lời đầu tiên chúng tôi xin cảm ơn ông đã dành thời gian trả lời cuộc phỏng vấn này. Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh nCoV, hiện nay trên các trang mạng xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng có rất nhiều thông tin liên quan đến nCoV, gây hoang mang dư luận, vậy xin ông có thể cho biết vi rút corona là gì? Triệu chứng của bệnh là gì? Bệnh lây truyền như thế nào?

BSCKII Khổng Minh Tuấn: Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV) gây ra là 1 bệnh truyền nhiễm cấp tính lây qua đường hô hấp có thể lây từ người sang người, được phát hiện tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc vào khoảng giữa tháng 12/2019. Cho đến nay, dịch bệnh đã lan ra nhiều thành phố của Trung Quốc và 27 quốc gia/vùng lãnh thổ ghi nhận trường hợp mắc. Tại Trung Quốc, tính đến ngày 8/2, số người mắc bệnh là 34.568 trường hợp ở 30 tỉnh thành, số người chết là 722 người, số trường hợp nghi nhiễm nCoV là 27.657 người. Tại Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại đã ghi nhận 13 trường hợp mắc nCoV, không có ca tử vong. Điều đó cho thấy tốc độ lây lan của dịch bệnh rất nhanh nếu không được khống chế kịp thời.

Về triệu chứng của bệnh, những người khi có 1 trong 4 triệu chứng sau đây: Sốt, ho, khó thở, viêm phổi kèm theo yếu tố dịch tễ là đi từ vùng có dịch, có tiền sử đến, ở và về từ vùng dịch trong vòng 14 ngày. Tiếp xúc gần với những trường hợp bệnh xác định hay trường hợp nghi ngờ trong vòng 14 ngày là những trường hợp bệnh cần phải được cách ly theo dõi điều trị tại bệnh viện và lấy mẫu xét nghiệm. Khi các trường hợp này có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV được coi là trường hợp bệnh xác định.

Các hành khách bắt buộc phải khai báo y tế khi nhập cảnh vào Việt Nam tại sân bay Quốc tế Nội Bài

Vi rút nCoV chủ yếu lây truyền qua các giọt nước bọt của người nhiễm bệnh khi ho hoặc hắt hơi văng ra ngoài môi trường, trong khoảng dưới 2m. Từ dịch tiết nước bọt của người bệnh, hoặc người mang mầm bệnh bắn ra ngoài môi trường, tụ lại ở những vật dụng như tay nắm cửa, bàn ghế, đồ dùng cá nhân… người bình thường khi tiếp xúc phải trong thời gian vi rút đang hoạt động thì có nguy cơ nhiễm, mắc bệnh là rất cao.

(PV)Triệu chứng của người mắc nCoV có khác gì so với người bị cúm thông thường? Ở độ tuổi nào thường hay mắc nhất? Đối với những người đã mắc nCoV sau khi được điều trị khỏi có khả năng mắc lại hay không? Khi tiếp xúc với những trường hợp đó cần lưu ý điều gì? Thưa ông.

BSCKII Khổng Minh Tuấn: Đối với những triệu chứng nhiễm vi rút nCoV và cúm trong thời gian ủ bệnh thường giống nhau với các biểu hiện như ho, sốt, khó thở, đau mỏi người, đau đầu, chính vì vậy trong giai đoạn đầu rất khó xác định. Vi rút nCoV thời gian ủ bệnh kẻo dài từ 2 – 14 ngày và trong thời gian này có thể không có các triệu chứng vì vậy vấn đề dịch tễ rất quan trọng để phát hiện sớm, cách ly làm các xét nghiệm sàng lọc và có kết quả chẩn đoán chính xác. Đây là lý do chúng ta khi có các triệu chứng cúm phải vào bệnh viện để được khám, tư vấn, làm các xét nghiệm cần thiết loại trừ bị nhiễm cúm thông thường. Đặc biệt, với điều kiện thời tiết như hiện nay, chúng ta có thể nhiễm cúm A (H5N1) cũng rất nguy hiểm nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Hiện nay, chưa có báo cáo chính thức về dịch tễ học của bệnh này. Tuy nhiên theo thông báo của Bộ Y tế, 80% bệnh biểu hiện ở thể nhẹ giống như bệnh cúm thông thường, 20% bệnh ở mức độ nặng. Tỷ lệ tử vong thấp (khoảng 2%), chủ yếu ở các đối tượng người cao tuổi có bệnh nền, bệnh mãn tính. Hiện bệnh này chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu.

Máy soi thân nhiệt tại các cửa ra vào nhà ga T2, sân bay Quốc tế Nội Bài

Những trường hợp bệnh xác định nhiễm vi rút nCoV được coi là khỏi bệnh khi hết các triệu chứng và kèm theo kết quả xét nghiệm âm tính. Vì vậy những người đã được xuất viện không còn khả năng lây nhiễm cho người khác. Tất cả những trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm ngay sau khi khỏi bệnh sẽ có miễn dịch với bệnh đó. Tuy nhiên thời gian miễn dịch tùy theo từng loại bệnh. Đối với bệnh viêm phổi do chủng mới của vi rút nCoV gây ra, hiện nay chưa có báo cáo chính thức về khả năng miễn dịch. Đối với những người bị nhiễm vi rút nCoV thì tùy thuộc vào từng trường hợp bệnh nặng hay nhẹ. Tiêu chuẩn xuất viện là bệnh nhân hết sốt ít nhất 3 ngày, dấu hiệu sinh tồn ổn định, chức năng các cơ quan tổn thương về bình thường và quan trọng là xét nghiệm R-PCR âm tính.

(PV)Thưa ông, khi có những biểu hiện nghi ngờ của bệnh thì người dân có thể đến những cơ sở y tế nào để làm khám và làm xét nghiệm? Thời điểm nào đi xét nghiệm là chính xác nhất?

BSCKII Khổng Minh Tuấn: Chỉ những trường hợp có dấu hiệu sốt và kèm theo yếu tố dịch tễ bao gồm: Đi từ vùng có dịch (Trung Quốc) nhập cảnh vào Việt Nam trong vòng 14 ngày; hoặc nhập cảnh vào Việt Nam từ các quốc gia khác ngoài Trung Quốc có trường hợp đã xác định; có tiền sử đến/ở/về từ vùng dịch đang hoạt động tại Việt Nam trong vòng 14 ngày; tiếp xúc gần với trường hợp bệnh xác định hay trường hợp bênh nghi ngờ ở Việt Nam trong vòng 14 ngày mới cần phải theo dõi cách ly và lấy mẫu xét nghiệm. Ngoài ra, có 5 bệnh viện của Hà Nội đang được phân công tiếp nhận và cách ly điều trị bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh là: Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Bệnh viện Đức Giang, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Hà Đông và Bệnh viện Bắc Thăng Long. Bên cạnh đó, các bệnh viện Trung ương và một số bệnh viện có Khoa Bệnh nhiệt đới cũng sẽ tiếp nhận bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh. Người dân có thể gọi điện để được tư vấn qua số hotline của Bộ Y tế: 19009095 và 19003228; hoặc Sở Y tế Hà Nội: 0969082115 và 0949396115 (cước gọi hoàn toàn miễn phí).

Khi bệnh khởi phát mà có 1 trong các triệu chứng của viêm đường hô hấp như ho, sốt, khó thở thì lúc đó xét nghiệm mới có thể xác định được tác nhân gây bệnh. Vì vậy, những trường hợp chỉ có yếu tố dịch tễ là đi từ vùng dịch hay tiếp xúc với bệnh nhân với người nghi ngờ mắc bệnh trong vòng 14 ngày mà chưa có sốt thực hiện tốt biện pháp cách ly y tế và theo dõi nhiệt độ ngày hai lần. Khi xuất hiện sốt (trên 38 độ C) lúc đó mới phải lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán, xác định ca bệnh.

(PV)Thưa ông, việc phun thuốc kháng khuẩn có tác dụng phòng, chống vi rút nCoV như thế nào? Theo các nhà khoa học đã công bố vi rút nCoV có thể sống 10h ngoài môi trường tự nhiên?

BSCKII Khổng Minh Tuấn: Điều kiện thời tiết là một trong những nguyên nhân làm cho dịch bệnh bùng phát bởi vì vi rút nCoV thường hoạt động mạnh trong điều kiện nhiệt độ dưới 20 độ C, từ 20-25 độ C sẽ hoạt động hạn chế. Vì vậy, vi rút sẽ tồn tại trong môi trường tùy điều kiện nhiệt độ và độ ẩm không khí, vi rút dễ bị tiêu diệt bởi các chất diệt khuẩn thông thường. Vì vậy để phòng chống bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của vi rút nCoV gây ra thì chúng ta cần phải thường xuyên lau, rửa nền nhà, các vật dụng nơi ở và nơi làm việc hằng ngày bằng các chất tẩy rửa thông thường. Khi có trường hợp bệnh nghi ngờ hay xác định sẽ phun hóa chất kháng khuẩn (CloraminB) tại nơi ở và làm việc của bệnh nhân, việc phun hóa chất phải theo hướng dẫn của cán bộ y tế.

Hà Nội tăng cường công tác vệ sinh môi trường, phun hóa chất khử khuẩn phòng chống dịch bệnh tại cộng đồng

(PV)Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh nCoV có thể bùng phát bất cứ lúc nào, Hà Nội đã có những biện pháp gì trong công tác phòng chống dịch bệnh, thưa ông?

BSCKII Khổng Minh Tuấn: Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của thành phố, sự phối hợp giữa các sở, ban ngành, thành phố đã huy động sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh, luôn nêu cao tinh thần “Chống dịch như chống giặc” theo lời Thủ tướng Chính phủ đã nói. Hà Nội đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh theo từng tình huống cụ thể; đảm bảo đủ nhân lực, các trang thiết bị, máy móc, vật tư hóa chất nhằm đáp ứng kịp thời công tác phòng chống dịch; các đơn vị của thành phố đã chủ động phối hợp trong việc cập nhật nắm bắt kịp thời về tình hình dịch. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội đã chủ động phối hợp với các bệnh viện, TTYT tăng cường giám sát, phát hiện sớm, khoanh vùng và cách ly các ca bệnh tại cộng đồng, triển khai lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ, chẩn đoán ca bệnh nCoV; thường xuyên cập nhật, thống kê số liệu về tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố hàng ngày để đưa ra các biện pháp xử lý kịp thời. Đặc biệt, trung tâm đã tăng cường nhân lực tham gia công tác kiểm dịch tại Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài, các ca trực đảm bảo 24/24 giờ kể cả trong dịp nghỉ tết vừa qua; bố trí cán bộ theo dõi máy đo thân nhiệt tại hai cửa ra vào nhà ga T2, khu vực phục vụ các chuyến bay quốc tế, đồng thời đã bố trí thêm máy đo thân nhiệt tại nhà ga T1 dành cho các chuyến bay nội địa nhằm giám sát, phát hiện kịp thời các ca bệnh nghi ngờ, tổ chức cách ly theo đúng quy định. Tất cả các hành khách nhập cảnh vào Việt Nam bắt buộc phải khai báo y tế.

Ngày 7/2, Viên Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã nuôi cấy và phân lập thành công chủng vi rút corona mới (ncov) trong phòng thí nghiệm, đây chính là tiền đề để Việt Nam nghiên cứu và phát triển vắc xin phòng chống loại vi rút này trong tương lai và cũng giúp cho việc đưa ra các biện pháp dự phòng hiệu quả hơn, ông Khổng Minh Tuấn cho biết.

(PV)Cuối cùng, để phòng chống dịch bệnh một cách có hiệu của, ông có những khuyến cáo gì đối với người dân?

BSCKII Khổng Minh Tuấn: Để chủ động phòng, chống dịch bệnh một cách có hiệu quả người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: Không đến vùng có dịch, hạn chế đến nơi đông người, trong trường hợp cần đến nơi đông người cần sử dụng khẩu trang và rửa tay với xà phòng. Hạn chế tiếp xúc với người đang mắc bệnh đường hô hấp cấp tính, khi cần tiếp xúc cần phải đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách ít nhất 2m khi tiếp xúc. Những người có dấu hiệu ho, sốt, khó thở phải đeo khẩu trạng bảo vệ và thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Thường xuyên vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi. Ăn uống đảm bảo an toàn thực phẩm, chỉ sử dụng thực phẩm đã được nấu chín. Không mua bán, tiếp xúc với các loài động vật hoang dã. Thường xuyên vệ sinh nơi ở, nơi làm việc, tăng cường mở cửa để không khí lưu thông, hạn chế sử dụng điều hòa, giữ ấm cơ thể, tăng cường vận động thể dục thể thao nâng cao sức khỏe.

Xin cảm ơn ông đã trả lời cuộc phỏng vấn này!

Duy Tuân (thực hiện)

 

 

 

 

 

 

 

 

Các tin khác
Dịch vụ viêm chủng Dịch vụ xét nghiệm Dịch vụ khử trùng Quan trắc môi trường Khám sức khỏe người lao động Kiểm dịch y tế quốc tế Dịch vụ trực tuyến

                           TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT THÀNH PHỐ HÀ NỘI

                         Địa chỉ cơ quan: - Số 70 Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội (Trụ sở chính)

                                                      - Khu Hành chính mới, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội (Cơ sở 2)

                                                      - Số 1 Ngõ 2, đường Quang Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội (Cơ sở 3)

                         Điện thoại: 02438343537           Hotline: 0866067525                Email: ttksbt_soyt@hanoi.gov.vn               

                         Ghi rõ nguồn: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội khi phát hành lại thông tin