Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) gây ra được xếp vào nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.
Theo Điều 2 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, bệnh truyền nhiễm là bệnh lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp từ người hoặc từ động vật sang người do tác nhân gây bệnh truyền nhiễm. Các tác nhân này có thể là vi rút, vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc nấm có khả năng gây bệnh truyền nhiễm.
Đối với những trường hợp trốn khỏi khu cách ly tập trung sẽ bị xử lý nghiêm
Các bệnh truyền nhiễm được phân làm 3 nhóm, trong đó nhóm A gồm: Bệnh bại liệt; bệnh cúm A-H5N1; bệnh dịch hạch; bệnh đậu mùa; bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ebola, Lassa hoặc Marburg; bệnh sốt Tây sông Nile; bệnh sốt vàng; bệnh tả; bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh. Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong. Nhóm C gồm các bệnh truyền nhiễm ít nguy hiểm, khả năng lây truyền không nhanh.
Trong số các nhóm bệnh truyền nhiễm, nhóm A là các bệnh đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) thuộc nhóm A, có mức độ nghiêm trọng nhất, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao nếu không được ngăn chặn một cách kịp thời.
Theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, nguyên tắc trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm hiệu quả là lấy phòng bệnh là chính, trong đó thông tin, giáo dục, truyền thông, giám sát bệnh là biện pháp chủ yếu; kết hợp các biện pháp chuyên môn kỹ thuật y tế với các biện pháp xã hội, hành chính trong phòng, chống dịch bệnh.
Căn cứ điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, những hành vi bị nghiêm cấm gồm cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật; cố ý khai báo, thông tin sai sự thật; phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm; không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Điều 47 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm cũng nêu rõ, khi có dịch, người mắc bệnh dịch hoặc người phát hiện trường hợp mắc bệnh dịch hoặc nghi ngờ mắc bệnh dịch phải khai báo cho cơ quan y tế gần nhất trong thời gian 24h kể từ khi phát hiện.
Điều 6 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế nêu rõ: Những trường hợp không thực hiện khai báo dịch bệnh đầy đủ sẽ bị xự phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không khai báo khi phát hiện người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A. Hành vi che giấu hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A sẽ bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Mức phạt này cũng được áp dụng với hành vi không thực hiện việc xét nghiệm phát hiện bệnh truyền nhiễm nhóm A theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Điều 49 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm cũng quy định, những người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế phải được cách ly, có thể cách ly tại nhà, tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc tại các cơ sở, địa điểm khác để tránh dịch lây lan.
Tuy nhiên, với những trường hợp thiếu ý thức về tầm quan trọng của việc cách ly, không tuân thủ, chấp hành các biện pháp cách ly sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí xử lý hình sự.
Theo Điều 10 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP, các đối tượng sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng với các hành vi: Không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định.
Tùy theo mức độ, hậu quả, hành vi không khai báo, bỏ trốn khỏi khu vực cách ly để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng có thể bị xử lý hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo đó, một trong các hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người sau đây sẽ bị phạt mức 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người; hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ 0h ngày 28/3, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và người dân tạm dừng tất cả các hoạt động hội họp và các sự kiện có trên 20 người, tụ tập trên 10 người bên ngoài công sở và trường học, bệnh viện. Người dân không được tụ tập đông người, hạn chế ra ngoài để phòng, chống dịch bệnh. Đóng cửa toàn bộ các hoạt động dịch vụ không cần thiết trừ dịch vụ cung cấp thực phẩm, dược phẩm, các mặt hàng thiết yếu quan trọng. Đối với những trường hợp vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, cụ thể: Theo khoản 6, Điều 11, Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định rõ, phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không thực hiện yêu cầu kiểm tra và xử lý y tế đối với phương tiện vận tải trước khi ra khỏi vùng có dịch trong tình trạng khẩn cấp về dịch; Không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch; Đưa người, phương tiện không có nhiệm vụ vào ổ dịch tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch; Không thực hiện quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực phẩm, thực vật và các vật khác có nguy cơ làm lây lan bệnh dịch sang người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch.
Duy Tuân