Tập thể dục thường xuyên giúp điều chỉnh huyết áp.(Ảnh sưu tầm)
Người bệnh tăng huyết áp độ 1 là người bệnh tăng huyết áp nhưng chưa xảy ra biến chứng rõ rệt, có huyết áp tâm thu 140-159 mmHg và huyết áp tâm trương 90-99 mmHg có thể tập:Đi bộ nhanh: 5-6 km/giờ, tập khoảng 30-60 phút, mỗi ngày trong tuần; bơi lội: chỉ nên bơi chứ không nên lặn, không đi bơi khi nhiệt độ ngoài trời đang lạnh; thiền, yoga, thái cực quyền: đặc biệt phù hợp với người cao tuổi, tập trung vào việc giữ tinh thần thoải mái nhưng cần sự hướng dẫn của chuyên gia.
Người bệnh tăng huyết áp độ 2 có mức huyết áp tâm thu 160-179 mmHg, huyết áp tâm trương 100-109 mmHg, đã bắt đầu xuất hiện tổn thương nhẹ ở cơ quan đích hoặc kèm một số biến chứng khác. Lúc này người bệnh nên lựa chọn kỹ các bài tập để đạt hiệu quả cao nhất. Người tăng huyết áp độ 2 chỉ nên tập luyện ở mức độ vừa phải nhưđi bộ, đạp xe, tập yoga...Tránh những môn phải gắng sức như bóng đá, bóng rổ, tập tạ…
Người bệnh tăng huyết áp độ3 có huyết áp tâm thu 180-209 mmHg và huyết áp tâm trương 110-119 mmHg, đi kèm nhiều biến chứng và tổn năng rõ rệt ở cơ quan đích. Nếu vẫn muốn rèn luyện thể lực, người bệnh nên uống thuốc để cân bằng huyết áp rồi mới bắt đầu tập nhẹ trong 20-30 phút/ngày. Khi có dấu hiệu suy tim, nên chống chỉ định hoàn toàn với hoạt động thể dục thể thao, chỉ nên đi dạo và hít thở đều. Không nên vận động thể dục thể thao quá nhiều, tránh gây thêm sức ép lên hệ tim mạch.
Những hoạt động thể lực làm cho các mạch máu lưu thông, đàn hồi, dẻo dai hơn; trái tim được cung cấp oxy và chất dinh dưỡng đầy đủ hơn, nên làm việc được tốt hơn, đẩy máu nhiều hơn đến não, phổi, thận, gan và các cơ bắp; não được tưới máu đầy đủ nên chỉ huy hoạt động của mọi cơ quan trong cơ thể tốt hơn, làm cho tinh thần sảng khoái, lạc quan, yêu đời. Nhờ vận động thường xuyên đều đặn mà khí huyết lưu thông, huyết áp không những không tăng mà còn ổn định ở trị số trung bình hoặc không tăng cao hơn nữa.
Tuy nhiên, người tăng huyết áp chỉ nên tập vừa sức mình, vừa với sức chịu đựng của hệ tim mạch, nhưng cũng không nên tập ít quá hay nhẹ quá. Người tăng huyết ápkhi tập thấy bắt đầu ra mồ hôi hay "mồ hôi ra sâm sấp" là tập vừa sức mình. Khi tập thấy mệt, khó thở hay đau ngực là tập quá sức, lúc đó nên dừng buổi tập, nghỉ ngơi để hôm sau tập tiếp.
Mỗi buổi tập nên khởi động từ từ các khớp toàn thân, từ đầu-cổ, tay, hông, đầu gối, cổ chân rồi mới tập. Khi kết thúc buổi tập cũng không nên ngồi nghỉ ngay, mà nên chạy chầm chậm, sau chuyển sang đi bộ một quãng trước khi dừng hẳn. Khởi động từ từ và kết thúc cũng từ từ là yêu cầu kỹ thuật nhất thiết phải tuân theo để bảo đảm an toàn và hiệu quả của tập luyện.Người tăng huyết áp cần tập đều đặn, tốt nhất là mỗi ngày tập 20 - 30 phút, hoặc tập 3 lần mỗi tuần.
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, tăng huyết áp ảnh hưởng đến sức khỏe của hơn 1 tỷ người trên toàn thế giới và là yếu tố nguy cơ tim mạch quan trọng nhất liên quan đến bệnh mạch vành, suy tim, bệnh mạch máu não và bệnh thận mạn tính.Việt Nam hiện có khoảng 12 triệu người bị tăng huyết áp. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, trong đó, nam giới chiếm tỷ lệ cao hơn so với nữ.
Chủ đề Ngày Tăng huyết áp Thế giới năm 2020 là nâng cao nhận thức của người dân về tăng huyết áp vớithông điệp "Đo huyết áp 6 tháng một lần nhằm phát hiện sớm tăng huyết áp". Mục tiêu đến năm 2025, người Việt Nam trên 40 tuổi được đo huyết áp ít nhất mỗi 6 tháng một lần. |
Nhật Long