Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm: Một phần trong chiến lược dự phòng HIV toàn diện
Ngày xuất bản: 08/06/2020

Với mục tiêu hướng tới không còn người nhiễm HIV năm 2030, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo bên cạnh các biện pháp can thiệp giúp giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV đối với những người nhiễm HIV, thì điều trị dự phòng trước phơi nhiễm là một biện pháp can thiệp có hiệu quả nhất để dự phòng lây nhiễm HIV cho nhóm nguy cơ cao như người chuyển giới nữ, người tiêm chích ma túy, vợ/chồng/bạn tình của người nhiễm HIV.

Từ trước tới nay, các phương pháp can thiệp dự phòng HIV cho nhóm người có nguy cơ lây nhiễm cao, đặc biệt là nhóm người đồng giới và chuyển giới vẫn chỉ là tuyên truyền sử dụng bao cao su và chất bôi trơn để tránh nguy cơ lây nhiễm. Bên cạnh đó, sự phân biệt, kỳ thị đối xử với những người nhiễm HIV vẫn còn lớn, do đó những người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV không muốn đi làm xét nghiệm HIV, người nhiễm HIV không muốn bộc lộ bị nhiễm HIV nên không đến các cơ sở y tế để được điều trị sớm, đặc biệt là điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV.

Theo WHO, dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) là dịch vụ giúp cho những người chưa bị nhiễm HIV nhưng có nguy cơ cao có thể dự phòng lây nhiễm HIV bằng cách uống một viên thuốc mỗi ngày như một phần của chiến lược dự phòng HIV kết hợp. Khi một người phơi nhiễm HIV thì biện pháp dự phòng trước phơi nhiễm này giúp ngăn vi rút phát triển thành ca nhiễm vĩnh viễn. PrEP có thể giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm HIV tới 90%.

PrEP được WHO khuyến cáo nên sử dụng đối với những trường hợp có nguy cơ lây nhiễm HIV cao, đó là nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), người chuyển giới nữ (TGW), phụ nữ bán dâm và các cặp dị nhiễm, tức là cặp có một người nhiễm và một người không nhiễm HIV, trong đó người nhiễm HIV chưa điều trị bằng thuốc ARV hoặc điều trị ARV chưa đủ sáu tháng, hoặc đã điều trị ARV trên sáu tháng nhưng vì lý do nào đó mà tải lượng HIV không đạt được dưới ngưỡng 200 bản sao/ml.

Tư vấn điều trị ARV cho bệnh nhân nhiễm HIV. (sưu tầm)

Tháng 6/2017, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã phối hợp với Dự án thúc đẩy tăng trưởng thị trường (USAID/PATH Healthy Markets (HM)) và chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) để khởi động chương trình thí điểm PrEP lần đầu tiên ở Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Đến nay, thuốc PrEP được cung cấp tại 43 cơ sở y tế của 11 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Tiền Giang.

Theo TS Nguyễn Thị Thúy Vân, đại diện WHO tại Việt Nam, kể từ khi khởi động chương trình PrEP đã có hơn 6.000 người đăng kí sử dụng PrEP, trong đó có hơn 3.946 người mới tham gia vào năm 2019.

PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Phó Cục Trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết, chỉ riêng trong giai đoạn 2019 -2020, Quỹ Toàn cầu đã cam kết hỗ trợ nguồn vốn không hoàn lại cho Việt Nam để can thiệp phòng, chống HIV/AIDS trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Điều này cho phép những người có nguy cơ nhiễm HIV cao có thể tiếp cận và sử dụng dịch vụ PrEP.

Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, dự kiến từ năm 2020, thuốc PrEP sẽ được triển khai mở rộng thêm ở 15 tỉnh, thành phố thuộc Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS.

Các cơ sở cung cấp dịch vụ PrEP tại thành phố Hà Nội bao gồm TTYT các quận Hai Bà Trưng, Long Biên, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Tây Hồ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Phòng khám Ánh sáng Hà Nội, Trung tâm Hỗ trợ sức khỏe cộng đồng Hải Đăng.

 

Minh Trang

Các tin khác
Dịch vụ viêm chủng Dịch vụ xét nghiệm Dịch vụ khử trùng Quan trắc môi trường Khám sức khỏe người lao động Kiểm dịch y tế quốc tế Dịch vụ trực tuyến

                           TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT THÀNH PHỐ HÀ NỘI

                         Địa chỉ cơ quan: - Số 70 Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội (Trụ sở chính)

                                                      - Khu Hành chính mới, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội (Cơ sở 2)

                                                      - Số 1 Ngõ 2, đường Quang Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội (Cơ sở 3)

                         Điện thoại: 02438343537           Hotline: 0866067525                Email: ttksbt_soyt@hanoi.gov.vn               

                         Ghi rõ nguồn: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội khi phát hành lại thông tin