Đi cùng đoàn còn có Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh; lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội và một số khoa chuyên môn của trung tâm.
Ông Trịnh Thế Hưng, Giám đốc TTYT huyện Phúc Thọ cho biết, tính đến 17h ngày 16/6 trên địa bàn huyện ghi nhận 08/21 xã có bệnh nhân mắc sốt xuất huyết với tổng số ca mắc là 89 trường hợp, trong đó số bệnh nhận đang được điều trị là 52 ca, số ca được điều trị khỏi là 37.
Các xã ghi nhận có bệnh nhân sốt xuất huyết gồm có xã Xuân Đình 01 ca; Hiệp Thuận 01 ca; Thượng Cốc 02 ca; Thị Trấn 01 ca; Tích Giang 01 ca; Võng Xuyên 01 ca; Tam Thuấn 01 ca.
PGS.TS Hoàng Đức Hạnh kiểm tra tại một số hộ gia đình trên địa bàn xã.
Riêng tại xã Tam Hiệp, số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tăng nhanh trong những ngày gần đây, tính đến hiện tại đã ghi nhận 81 ca mắc, đây là khu vực có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất của thành phố, với quy mô cấp xã. Số bệnh nhân nằm rải rác tại các thôn trong xã, tập trung nhiều nhất là các thôn 5, 6, 7 trên địa bàn. Trong tuần qua, vẫn tiếp tục ghi nhận thêm ca mắc mới, ông Trịnh Thế Hưng cho biết.
Ông Trịnh Thế Hưng cho biết, song song với việc triển khai công tác phòng chống dịch Covid-19, TTYT cũng đã chủ động phối hợp với các cấp, các ngành, chính quyền địa phương trên địa bàn triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt nổi lên hiện nay là sốt xuất huyết do điều kiện thời tiết nắng nóng, mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sản và phát triển. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, huyện Phúc Thọ cũng đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt như tăng cường công tác điều tra, bao vây khoanh vùng xử lý ổ dịch, giám sát véc tơ, giám sát bệnh nhân tại cộng đồng. Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, TYT tổ chức các đợt phun hóa chất diệt muỗi, thực hiện vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, đồng thời thu gom tất cả các phế liệu, phế thải, lật úp các dụng cụ chứa nước không sử dụng tại tất cả các hộ gia đình, với mục tiêu “quyết liệt, triệt để và hiệu quả” để có thể khống chế, xử lý các ổ dịch một cách kịp thời, hiệu quả, không để bùng phát tại cộng đồng.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong việc phòng, chống sốt xuất huyết, với nhiều hình thức khác nhau như phát tờ rơi tuyên truyền tại các hộ gia đình, phát thanh qua hệ thống loa truyền thành của huyện và xã 3 lần/ngày, ông Hưng cho biết.
Tại các bể chứa nước mưa của người dân vẫn còn có nhiều ổ bọ gậy.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp, với đặc thù là làng nghề chuyên về may mặc, số lượng người dân tập trung phát triển làng nghề rất đông, nên việc huy động nhân lực tham gia phòng chống sốt xuất huyết vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, trước tình trạng số ca mắc có dấu hiệu tăng nhanh trong những ngày qua thì chính quyền địa phương cũng đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn như kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của xã, thành lập các tổ tự nguyện chống dịch. Huy động tối đa nhân lực con người dưới các thôn, phân công cụ thể cho từng thành viên đi từng hộ để nhắc nhở, kiểm tra, lực lượng này do Bí thư Chi bộ thôn trực tiếp phụ trách. Phối hợp với TTYT và TYT tiến hành ra quân tổng vệ sinh môi trường trên toàn xã, tập trung chủ yếu vào các thôn 5, 6, 7. Đồng thời, triển khai lật úp phế liệu, phế thải, phối hợp với các hộ gia đình thu gom và xử lý.
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho rằng, việc phòng chống sốt xuất huyết cũng giống như phòng chống dịch Covid-19, cần huy động cả hệ thống chính trị các cấp phải vào cuộc, sự đồng thuận và phối hợp của người dân là vô cùng quan trọng. Sắp tới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội sẽ hỗ trợ địa phương tổ chức 02 chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy; 02 chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi để trong thời gian sớm nhất có thể khoanh vùng, xử lý ổ dịch kịp thời. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền thay đổi nhận thức của người dân về lợi ích của việc thả cá diệt bọ gậy trong các bể nước mưa, bể nước lộ thiên, che đậy kín các dụng cụ chứa nước, thu gom xử lý các dụng cụ chứa nước không sử dụng, các phế liệu, phế thải tại hộ gia đình.
Qua kiểm tra tại một số hộ gia đình trên địa bàn xã, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, việc triển khai công tác phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn huyện Phúc Thọ và xã Tam Hiệp rất quyết liệt trong thời gian qua, tuy nhiên vẫn chưa hiệu quả. Tại các hộ gia đình, các dụng cụ chứa nước vẫn còn các ổ bọ gậy, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát sốt xuất huyết là rất cao. Chính vì vậy, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương cần rà soát lại địa bàn dân cư, thống kê một cách cụ thể, đặc biệt là những khu vực công cộng như đình, chùa… để có thể quản lý tốt việc phòng chống dịch. Cần có bộ phận thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch, tổ chức giao ban với các tổ xung kích mỗi ngày 1 lần để kịp thời nắm bắt tình hình để có biện pháp xử lý kịp thời. Đặc biệt, chính quyền cũng đã thành lập, kiện toàn các tổ xung kích, tuy nhiên cần phối hợp với TTYT tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn để làm sao triển khai một cách có hiệu quả hơn. TTYT cử cán bộ xuống địa bàn phối hợp với chính quyền địa phương để hỗ trợ cũng như tham gia trực tiếp công tác phòng, chống dịch tại địa bàn. Đặc biêt, vai trò của TYT cũng rất quan trọng, cần chủ động tham mưu, đề xuất cho Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của địa phương triển khai sớm các biện pháp phòng dịch hiệu quả.
Công tác giám sát véc tơ truyền bệnh, giám sát bệnh nhân cần được triển khai một cách quyết liệt hơn nữa nhằm khoanh vùng, xử lý ổ dịch kịp thời, hiệu quả. Triển khai thực hiện đồng bộ công tác vệ sinh môi trường, thu gom phế liệu, phế thải không để cho muỗi sinh sản và phát triển. Kiện toàn, tập huấn, phân công cụ thể đội xung kích và tổ giám sát nhằm nâng cao hiệu quả phòng dịch tại cộng đồng.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền yêu cầu, trong thời gian tới, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương cần tiếp tục triển khai các biện pháp quyết liệt hơn nhằm sớm có thể khoanh vùng, khống chế, xử lý các ổ dịch kịp thời, không để bùng phát tại cộng đồng. Cần huy động cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, sự đồng thuận của người dân thì công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung, công tác phòng chống sốt xuất huyết nói riêng mới đạt hiệu quả cao. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các biện pháp chủ động phòng chống dịch để nâng cao nhận thức của người dân, đồng thời đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy để phòng chống dịch bệnh.
Duy Tuân