Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giám định, thanh toán chi phí KCB bảo hiểm y tế
Ông Lê Văn Khảm - Vụ trưởng Vụ BHYT- Bộ Y tế, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2015 với nỗ lực rất lớn của Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và các đơn vị cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin đã phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng và hoàn thành các nội dung chuyên môn kỹ thuật như: ban hành bộ mã danh mục dùng chung áp dụng trong KCB và thanh toán BHYT (đã có 6 phiên bản), chuẩn dữ liệu đầu ra phục vụ quản lý và giám định, thanh toán chi phí BHYT, Thông tư số 48/2017/TT-BYT quy định trích chuyển dữ liệu điện tử trong quản lý và thanh toán chi phí KCB BHYT và các văn bản hướng dẫn thực hiện...
“Việc sớm triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đặc biệt quan trọng không chỉ trong việc đảm bảo tính kịp thời, minh bạch trong giám định và thanh toán chi phí mà còn đảm bảo việc quản lý sử dụng dịch vụ y tế khi có sự liên thông giữa các cơ sở KCB, đảm bảo kiểm soát việc tiếp cận và cung ứng dịch vụ y tế đối với người có thẻ BHYT là phù hợp, hiệu quả, tránh lạm dụng từ phía người bệnh và người cung cấp dịch vụ”- ông Lê Văn Khảm nhấn mạnh.
Theo thông tin từ Cổng Tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT của BHXH Việt Nam, từ ngày 01/01/2020 đến ngày 31/5/2020: Tỷ lệ liên thông dữ liệu toàn quốc đạt 96,5% (12.328 cơ sở KCB gửi dữ liệu/12.773 cơ sở KCB ký hợp đồng KCB BHYT).
Tỷ lệ hồ sơ gửi đúng ngày người bệnh ra viện trong toàn quốc trong 5 tháng đầu năm 2020 đạt 92,3%; đã có hơn 63 triệu hồ sơ của 12.328 cơ sở KCB gửi lên Cổng Tiếp nhận, với tổng số chi phí KCB tương ứng trên 43.000 tỷ đồng. Trong số hơn 63 triệu hồ sơ có hơn 62,9 triệu hồ sơ đã được gửi sang đề nghị giám định thanh toán với tổng số tiền đề nghị thanh toán trên 42.900 tỷ đồng.
Vụ trưởng Lê Văn Khảm cũng cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ trướng Chính phủ, Bộ Y tế đang phối hợp với BHXH Việt Nam xây dựng và triển khai Hồ sơ sức khoẻ điện tử cá nhân. Hồ sơ sức khỏe điện tử giúp mỗi người dân biết và tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời, chủ động phòng bệnh, chủ động chăm sóc sức khỏe của mình.
Khi đi KCB, thông qua hồ sơ sức khỏe điện tử, bác sĩ sẽ được cung cấp tiền sử bệnh tật và quá trình KCB một cách nhanh chóng, chính xác, đầy đủ tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị, đồng thời giảm bớt chi phí KCB không thực sự cần thiết.
BHYT là một trong những chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội của đất nước, hướng tới mục tiêu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Chính sách do Nhà nước tổ chức thực hiện, nhằm huy động sự đóng góp của cộng đồng, chia sẻ rủi ro bệnh tật và giảm bớt gánh nặng tài chính của mỗi người khi ốm đau, bệnh tật, tai nạn... thực hiện công bằng và nhân đạo trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Nhờ tham gia và có thẻ BHYT, nhiều trường hợp không may bị tai nạn, ốm đau đã vượt qua được giai đoạn khó khăn khi có quỹ BHYT chi trả các chi phí khám và điều trị bệnh. Thậm chí có những người bệnh có chi phí KCB lên tới hàng tỷ đồng một đợt điều trị.
Theo đánh giá của BHXH Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) thực sự đã phát huy hiệu quả, đóng góp vào sự thành công của chính sách an sinh xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý quỹ và đảm bảo quyền lợi cho người dân, đặc biệt trong việc tiếp nhận và thanh toán BHYT giúp giảm đáng kể thời gian chờ đợi khám chữa bệnh, đảm bảo đầy đủ quyền lợi khi điều trị tại bệnh viện của người dân.
Hiện nay, BHXH Việt Nam đang trong quá trình xây dựng cấp thẻ BHYT điện tử cho người dân tham gia BHYT, thay thế thẻ BHYT giấy hiện nay. Việc cấp thẻ BHYT điện tử giúp tiết kiệm chi phí cho ngành BHXH, thuận lợi trong khám, chữa bệnh và cơ sở y tế kiểm soát được quá trình khám, chữa bệnh của người bệnh.
Lê Hòa