Cần phát huy sự phối hợp của các ban ngành đoàn thể để nâng cao hiệu quả phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội - Bùi Văn Hào trao đổi với người dân tổ dân phố Bình Sơn, Thị trấn Chúc Sơn về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết.
Theo báo cáo tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn huyện Chương Mỹ, tuần 41 ghi nhận 103 ca mắc sốt xuất huyết, tuần 42 ghi nhận 136 ca, tuần thứ 43 tính đến 15h ngày 18/10 ghi nhận 56 ca; cộng dồn từ đầu năm đến nay ghi nhận 832 ca (tăng 636 ca so với cùng kỳ), 44 ổ dịch, trong đó 7 ổ dịch đang hoạt động, 37 ổ dịch đã kết thúc, không có trường hợp tử vong.
Tổng số bệnh nhân đang điều trị là 97 ca (tại BVĐK huyện Chương Mỹ 95 ca, tại trạm y tế xã, thị trấn 2 ca). Các xã, thị trấn có số ca mắc cao: Phụng Châu 88 ca, 5 ổ dịch; Chúc Sơn 87 ca, 5 ổ dịch; Tiên Phương 54 ca, 5 ổ dịch; Lam Điền 55 ca, 5 ổ dịch; Thụy Hương 79 ca, 5 ổ dịch.
Theo đó, huyện đã tổ chức 9 đợt tổng vệ sinh môi trường phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn toàn huyện, 2 đợt tổng vệ sinh môi trường phòng,chống dịch trong các trường học, cơ sở giáo dục năm 2023-2024. Duy trì tổng vệ sinh môi trường hàng tuần (ngày chủ nhật) ở những thôn xóm, các khu vực có chỉ số BI cao. Thành lập 711 Đội xung kích (1.866 thành viên), 270 Tổ giám sát (603 thành viên).
Tuyên truyền vận động người dân tham gia công tác tổng vệ sinh môi trường, nâng cao ý thức phòng,chống dịch bệnh sốt xuất huyết; phát động và tổ chức đợt cao điểm tuyền truyền về phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Bổ sung kinh phí cho công tác phòng,chống dịch, mua hóa chất xử lý môi trường 2 đợt; thực hiện chi trả chế độ cho thành viên các Đội xung kích, Tổ giám sát các thị trấn theo quy định. Điều tra, giám sát các ca bệnh tại BVĐK huyện và cộng đồng; tiếp tục giám sát các ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh và chỉ đạo tổng vệ sinh môi trường khu vực xung quanh ổ dịch, không để ổ dịch lan rộng và kéo dài.
Đoàn đã đến kiểm tra trực tiếp tổ dân phố Bình Sơn, Thị trấn Chúc Sơn, địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết đứng đầu toàn huyện.
Thị trấn Chúc Sơn có 15.000 dân với 3.440 hộ gia đình trên 12 tổ dân phố. Tính từ đầu năm 2023 đến ngày 16/10 trên địa bàn thị trấn có 87 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nằm rải rác tại 12/12 tổ dân phố. Trong đó có 5 ổ dịch tại 4 tổ dân phố (4 ổ dịch đã kết thúc). Riêng tại tổ dân phố Bình Sơn ghi nhận 38 ca mắc sốt xuất huyết (khỏi 36 ca, đang điều trị 2 ca).
Ngay khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, Trạm y tế đã kết hợp với y tế thôn đội, cộng tác viên điều tra ca bệnh, giám sát chỉ số BI của 30 hộ gia đình xung quanh nhà bệnh nhân. Khi chỉ số BI trên mức cho phép thì tham mưu cho Ban chỉ đạo thị trấn chỉ đạo tổ dân phố tổ chức tổng vệ sinh môi trường diệt loăng quăng bọ gậy. Giám sát, kiểm tra tình hình sức khỏe của các bệnh nhân và các hộ xung quanh trong vòng 14 ngày.
Bên cạnh đó, phối hợp với đài truyền thanh thị trấn viết bài tuyên truyền phát trên hệ thống loa truyền thanh thị trấn về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết tại địa phương và các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Phối hợp với y tế thôn, cộng tác viên tới các hộ gia đình truyền thông trực tiếp cho người dân có kiến thức phòng bệnh sốt xuất huyết. Hướng dẫn cho từng hộ gia đình biết cách phát hiện và xử lý ngay ổ bọ gậy, lăng quăng tại nhà, diệt muỗi, bảo vệ cá nhân không bị muỗi đốt. Huy động lực lượng bảo vệ dân phố và y tế thôn của Thị trấn Chúc Sơn và các ban ngành đoàn thể của UBND thị trấn tham giatruyền thông lưu động bằng xe gắn máy và ô tô trên các tuyến đường thị trấn (tổng số 81 người).
Trạm trưởng Trạm y tế Thị trấn Chúc Sơn Trịnh Tiến Hòa cho biết: Trạm y tế đã phối hợp với đài truyền thanh phát bài tuyên truyền phòng, chống sốt xuất huyết 3 lần/ngày. Kết hợp cả truyền thông gián tiếp lẫn trực tiếp (treo băng rôn, loa kéo, diễu hành bằng xe gắn máy trên các trục đường…). Đội xung kích thành lập các tổ nhóm, mỗi nhóm 2-5 người, lập danh sách từng khu phố để triển khai công tác tổng vệ sinh môi trường, hướng dẫn thu gom các dụng cụ chứa nước, thường xuyên kiểm tra, lật úp các chậu cây cảnh…
Bác Nguyễn Thị Châm - Tổ dân phố Bình Sơn, Thị trấn Chúc Sơn chia sẻ: “Hàng ngày tôi có nghe tuyên truyền phòng, chống sốt xuất huyết trên loa 3 lần/ngày vào sáng, trưa, tối. Cán bộ y tế đến tận nhà hướng dẫn lật úp các dụng cụ chứa nước. Nhà tôi làm các suất ăn trưa nên nhiều thau chậu cũng được nhắc nhở vệ sinh sạch sẽ, tránh tồn đọng nước ở chậu rửa, rãnh cống…
Qua kiểm tra thực tế tại một số hộ gia đình trong ổ dịch tại Thị trấn Chúc Sơn, đoàn kiểm tra nhận định tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện không phức tạp bằng một số quận nội thành. Tất cả các xã đều ghi nhận ca mắc sốt xuất huyết. Huyện cũng đã có các biện pháp phòng bệnh triển khai kết hợp theo khuyến cáo chung. Các ổ dịch cơ bản kiểm soát. Tuy nhiên, một số xã, thị trấn trọng điểm như Phụng Châu, Lam Điền, Chúc Sơn… cần đánh giá lại tình hình dịch bệnh. Các hoạt động hậu cần được chuẩn bị đầy đủ. Tổ chức lễ phát động phòng, chống sốt xuất huyết, treo băng rôn, truyền thông lưu động và cố định, trực tiếp và gián tiếp.
Đoàn kiểm tra cũng phát hiện 2 hộ gia đình có dụng cụ chứa nước có bọ gậy và đã hướng dẫn xử lý ngay tại chỗ. Đồng thời, yêu cầu lực lượng y tế địa phương kiểm tra lại các dụng cụ chứa nước đã xử lý bọ gậy.
Đoàn kiểm tra phát hiện ổ bọ gậy trong thùng rác bỏ không tại nhà dân trên địa bàn Thị trấn Chúc Sơn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Hoàng Minh Hiến ghi nhận đánh giá của đoàn kiểm tra và cho biết huyện cũng đã chủ động xây dựng đề án phòng,chống sốt xuất huyết. Chủ động bố trí kinh phí, xây dựng các kế hoạch triển khai. Chủ động truyền thông, phát huy mạng xã hội, hệ thống truyền thanh xã để tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh đến người dân.
Kết luận tại buổi làm việc, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội - Bùi Văn Hào đánh giá chung công tác phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn huyện Chương Mỹ tương đối tốt. Sự phối hợp giữa các ban ngành đoàn thể phát huy hiệu quả. Đồng thời, đưa ra kiến nghị về các biện pháp phòng, dịch sốt xuất huyết tuy không mới nhưng cần có cách thức tổ chức, giám sát chặt chẽ hơn nữa. Phát huy tính cộng đồng. Kỹ năng truyền thông, kỹ năng xử lý diệt bọ gậy phải được coi là nòng cốt. Quan tâm đến nội dung truyền thông cần mang tính thời sự, cập nhật; tận dụng mạng xã hội để lan tỏa rộng công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Ngoài ra, BVĐK huyện Chương Mỹ là nơi thu dung nhiều các bệnh nhân mắc sốt xuất huyết cũng cần quan tâm hơn đến môi trường điều trị, chủ động các trang thiết bị thuốc men… Không chỉ vậy, huyện Chương Mỹ cũng cần quan tâm đến các dịch bệnh khác như liên cầu lợn, đau mắt đỏ, chân tay miệng, viêm não Nhật Bản để có những biện pháp phòng bệnh hiệu quả.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội