Hà Nội: Đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho công tác phòng chống sốt xuất huyết
Ngày xuất bản: 04/11/2023

Ngày 3/11, đoàn công tác do GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội.

Đoàn công tác đã đến kiểm tra thực tiễn tại Bệnh viện Thanh Nhàn - một trong những cơ sở y tế được phân công là tuyến cuối của Hà Nội trong thu dung, điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết.

Đoàn đến kiểm tra công tác điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Thái Bình - SKĐS)

Báo cáo tại buổi làm việc, TS Vũ Cao Cương - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, tính đến ngày 31/10/2023, toàn thành phố đã ghi nhận 25.893 trường hợp mắc tại 30/30 quận, huyện, thị xã, 577/579 xã/phường/thị trấn với 4 ca tử vong. Bệnh nhân có xu hướng tăng từ tuần 28 và tăng nhanh từ tuần 35, trung bình 5 tuần gần đây ghi nhận hơn 2.500 trường hợp. Toàn thành phố ghi nhận 1520 ổ dịch, hiện còn 233 ổ dịch đang hoạt động. 

BS Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Giám đốc bệnh viện báo cáo, từ tháng 7/2023 - 1/11/2023, bệnh viện đã tiếp nhận 4.758 bệnh nhân sốt xuất huyết đến khám, điều trị; riêng chỉ trong tháng 10 đã có hơn 2.200 bệnh nhân. Số bệnh nhân sốt xuất huyết nặng chiếm từ 7-10%, chỉ có 1 trường hợp chuyển viện. Bệnh nhân phải truyền tiểu cầu cũng tăng cao nhất trong tháng 10 với hơn 200 đơn vị tiểu cầu.

Để chủ động trong điều trị sốt xuất huyết, Bệnh viện đã chuẩn bị sẵn sàng 130 giường bệnh, trong đó 65 giường thuộc Đơn nguyên bệnh truyền nhiễm và huy động 65 giường bệnh của khu vực bệnh nghề nghiệp. BS Nguyễn Thị Lan Hương cho biết thêm, tính đến sáng 3/11, Bệnh viện Thanh Nhàn đang thu dung, theo dõi, điều trị 400 bệnh nhân sốt xuất huyết, trong đó bệnh nhận điều trị tại Đơn nguyên bệnh truyền nhiễm và Khoa bệnh nghề nghiệp chiếm 125/130 giường bệnh, số còn lại được điều trị tại các khoa phòng chuyên khoa khác. Đặc biệt, hiện thuốc, dung dịch cao phân tử, vật tư y tế, máu và chế phẩm máu cho điều trị sốt xuất huyết vẫn đảm bảo cho công tác điều trị.

Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, tổng bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế là 2.869 người bệnh/4.200 giường kế hoạch phục vụ điều trị sốt xuất huyết. Ngay từ đầu mùa dịch, Hà Nội đã chủ động lên kế hoạch phân tầng điều trị và phân công 40 bệnh viện trên địa bàn đảm nhiệm; đồng thời đảm bảo đủ nhu cầu thuốc, hóa chất, vật tư, dịch truyền phục vụ điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết.

Bệnh nhân sốt xuất huyết của Hà Nội nằm rải rác ở các cơ sở y tế tuyến quận huyện, khi nặng mới chuyển về bệnh viện Thanh Nhàn, Xanh Pôn, Đống Đa, Đức Giang. Số bệnh nhân chuyển lên bệnh viện tuyến trung ương rất ít.

Hà Nội khẳng định chưa có việc quá tải trong điều trị sốt xuất huyết, có thể cục bộ từng khoa, phòng trong 1 thời điểm ngắn bệnh nhân nhập viện, sau đó sẽ được điều phối ngay để đảm bảo điều trị cho người bệnh.

Quyết liệt trong công tác dự phòng, Hà Nội luôn chủ động trong công tác giám sát dịch bệnh, vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi. Trong 10 tháng đầu năm, thành phố đã giám sát chủ động tại 69 bệnh viện trong và ngoài công lập, trung bình 2 lượt/tuần/cơ sở). Thường xuyên tổ chức giám sát côn trùng sốt xuất huyết tại các khu vực nguy cơ, khu vực ổ dịch. Cộng dồn đến ngày ngày 31/10/2023, đã giám sát 723 lượt điểm thuộc 5 khu vực, kết quả 358/723 số lượt điểm có chỉ số vượt ngưỡng nguy cơ. Bên cạnh đó, tính đến nay, toàn thành phố đã thực hiện 1.714 chiến dịch môi trường diệt bọ gậy đạt 152% chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Thực hiện phun hóa chất diệt muỗi tại 100% các ổ dịch, triển khai 157 chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại 12 quận/huyện với 1.254 lít hóa chất.

Sau khi làm việc với Bệnh viện Thanh Nhàn, đoàn đã đến kiểm tra thực tiễn công tác phòng chống sốt xuất huyết tại một ổ dịch tại ngách 9, ngõ 184 Trần Khát Chân, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng. Qua kiểm tra, đoàn công tác nhận định người dân đã có ý thức phòng bệnh sốt xuất huyết là cần phải diệt muỗi, bọ gậy. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những ổ bọ gậy tồn tại mà người dân không ngờ đến như lọ cắm hoa, vũng nước đọng nhỏ trong nhà… Do đó, GS.TS Phan Trọng Lân đề nghị trong công tác truyền thông phòng chống sốt xuất huyết, Hà Nội tiếp tục nhấn mạnh việc người dân cần loại bỏ các môi trường có khả năng trở thành nguồn sinh lăng quăng, bọ gậy như đã kể trên.

GS TS Phan Trọng Lân kiểm tra ổ dịch sốt xuất huyết tại phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng

Đoàn Kiểm tra phát hiện ổ bọ gậy trong bình cắm hoa tại nhà bệnh nhân sốt xuất huyết

Phát biểu kết luận buổi làm việc, GS.TS Phan Trọng Lân, trưởng đoàn công tác đánh giá cao ngành y tế Hà Nội và quận Hai Bà Trưng trong phòng chống dịch bệnh nói chung, sốt xuất huyết nói riêng.

Đoàn làm việc cùng Sở Y tế Hà Nội về công tác phòng chống sốt xuất huyết (Thái Bình - SKĐS)

Tuy nhiên, theo GS.TS Phan Trọng Lân, các hoạt động phòng chống phải được triển khai kiên trì, liên tục và quyết liệt nhất là trong những đợt cao điểm của bệnh dịch sốt xuất huyết để khống chế số mắc và tử vong.

Do đó, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đề nghị Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh TP Hà Nội và các cấp đẩy mạnh giám sát sớm các trường hợp mắc bệnh, tăng cường truyền thông phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn, xử lý ngay và triệt để ổ dịch. Xác định các điểm nóng, khu phố có ổ dịch, khu vực có nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết để tập trung triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt lưu ý hơn 230 ổ dịch đang hoạt động, Hà Nội cần phải giám sát chặt chẽ, nhất là những nơi có các ổ dịch kéo dài.

Tham mưu chính quyền các cấp huy động các ban, ngành, các tổ chức chính trị, chính trị xã hội cùng tham gia vào cuộc triển khai chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy thường xuyên tới tận xã, phường, kêu gọi người dân tự triển khai diệt bọ gậy/lăng quăng ngay tại hộ gia đình mỗi tuần 10 phút bằng cách tự kiểm tra trong và ngoài nhà phát hiện những ổ nước đọng có bọ gậy…

Đồng thời, Cục trưởng Phan Trọng Lân đề nghị trong công tác phòng chống dịch, Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để khi chống dịch đảm bảo yếu tố càng phát hiện sớm thì càng khoanh vùng nhanh, giảm tối đa nguồn lực phải chi cho phòng chống dịch.

Liên quan đến truyền thông, đoàn kiểm tra lưu ý, cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền, kịp thời cung cấp thông tin, hướng dẫn người dân cách tự xử lý các dụng cụ chứa nước, chủ động diệt muỗi, lăng quăng và khi có các triệu chứng giống sốt xuất huyết phải đến ngay cơ sở khám chữa bệnh để được tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị.

Trong công tác điều trị, đại diện Lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh tham gia đoàn công tác lưu ý các cơ sở điều trị cần tuân thủ các hướng dẫn điều trị Bộ Y tế đã ban hành; chú trọng đánh giá nguy cơ tăng nặng của bệnh nhân, lưu ý người cao tuổi, bệnh nền; gắn bảng màu (ví như màu cam, đỏ…) đối với những trường hợp có nguy cơ tăng nặng để theo dõi và phát hiện diễn biến sức khỏe kịp thời.

Cùng đó, Hà Nội cần thành lập nhóm chủ chốt trong điều trị sốt xuất huyết, kết nối với các bệnh viện tuyến trung ương để sẵn sàng cùng nhau phối hợp hội chẩn điều trị khi cần.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội

 

Các tin khác
Dịch vụ viêm chủng Dịch vụ xét nghiệm Dịch vụ khử trùng Quan trắc môi trường Khám sức khỏe người lao động Kiểm dịch y tế quốc tế Dịch vụ trực tuyến

                           TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT THÀNH PHỐ HÀ NỘI

                         Địa chỉ cơ quan: - Số 70 Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội (Trụ sở chính)

                                                      - Khu Hành chính mới, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội (Cơ sở 2)

                                                      - Số 1 Ngõ 2, đường Quang Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội (Cơ sở 3)

                         Điện thoại: 02438343537           Hotline: 0866067525                Email: ttksbt_soyt@hanoi.gov.vn               

                         Ghi rõ nguồn: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội khi phát hành lại thông tin