Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mặc dù các sản phẩm thuốc lá điện tử mới xuất hiện trên thị trường chưa lâu và các bằng chứng còn đang được tiếp tục thu thập, nhưng các bằng chứng hiện nay đã đủ cho thấy các sản phẩm thuốc lá mới gây ra các bệnh mãn tính nguy hiểm cho người sử dụng. Những tác hại đã được biết đến bao gồm: gây nghiện do có chứa nicotine, ung thư, bệnh tim mạch, bệnh hô hấp, và ảnh hưởng sức khỏe tâm thần.
Thuốc lá điện tử đang mở đầu cho xu hướng mới lạm dụng hóa chất nhân tạo, con người đang tự hủy hoại chính mình. Trong đó, có 3 nhóm nguy cơ khi sử dụng thuốc lá điện tử. Đó là hàm lượng nicotine trong thuốc lá điện tử cao hơn thuốc lá thông thường. Trong hơi thuốc lá điện tử có chứa lượng hóa chất khổng lồ. Ngoài ra, ma túy trong thuốc lá điện tử. Nguy cơ dùng ma túy gấp 3,5 lần so với không hút thuốc lá điện tử.
Hiện nay, thuốc lá điện tử được thiết kế kiểu dáng giống đồ dùng như cây bút, USB, thỏi son môi, hộp sữa, đồ chơi… với giá cả đa dạng, nhiều sản phẩm giá rất rẻ. Đặc biệt, tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong thanh thiếu niên gia tăng trong những năm gần đây.
Tại Hà Nội, thực hiện Luật và Nghị định số 77/2013/NĐ-CP ngày17/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật về một số biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong thời gian qua, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản quán triệt, phổ biến, chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể phù hợp với từng cơ quan, đơn vị để tổ chức triển khai thực hiện Luật trên địa bàn thành phố. Từ đó lãnh đạo các cơ quan tiếp tục triển khai, phổ biến tới toàn thể cán bộ, viên chức trong đơn vị trực thuộc.
Công tác thực hiện các văn bản của hoạt động PCTHTL đã được triển khai trên toàn thành phố và đã thu được những thành công đáng kể nhờ sự tham gia của các ban ngành, đoàn thể trong đó có vai trò của ngành Y tế, Giáo dục... và các tổ chức như Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên. Công tác chỉ đạo kịp thời và nghiêm túc thực hiện của các đơn vị luôn theo đúng chỉ đạo của thành phố và của Bộ Y tế. Bên cạnh đó ngành Y tế Thủ đô đã tham mưu cho UBND thành phố chỉ đạo các Sở ban, ngành, các cơ quan truyền thông thường xuyên tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điếu thông thường, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và kịp thời có các quy định để ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm này tại các cơ quan, công sở và đặc biệt là tại các cơ sở giáo dục đào tạo.
Ảnh THPT Quang Oai: Thuốc lá điện tử được cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội ghi nhận tại một trường THPT trên địa bàn thành phố
Kết quả điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2020 tại Hà Nội cho thấy, tỷ lệ người hiện đang hút thuốc lá điện tử là 0,6%. Kết quả điều tra 2.400 người dân từ 15 tuổi trở lên trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy: năm 2019: có 34,8% đối tượng nghiên cứu trả lời đã từng nghe về thuốc lá điện tử. Và số người hiện có sử dụng thuốc lá điện tử hoặc đã thử dù chỉ 1 lần là 54 người (chiếm 2,3%). Năm 2022: có 45,9% đối tượng điều tra đã từng nghe về thuốc lá điện tử, trong đó có 3,5% đối tượng đã từng sử dụng và 0,6% đối tượng đang sử dụng thuốc lá điện tử. Có 3,6% đối tượng điều tra đã từng nghe về thuốc lá nung nóng, trong đó có 4,9% đối tượng đã từng sử dụng. Cũng trong năm 2022, Hà Nội điều tra thực trạng hành vi nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm ở 7.583 học sinh từ 13 đến 17 tuổi, kết quả cho thấy có 6,7% học sinh có sử dụng thuốc lá (nam giới 3.640 em - 9,3%; nữ 3.943 em- 4,3%); có 5,8% học sinh sử dụng thuốc lá điện tử (nam giới chiếm 8%, nữ giới chiếm 3,8%) và có tới hơn 85% số học sinh hút thuốc lá điện tử có sử dụng thuốc lá.
Sau khi Luật PCTHTL có hiệu lực, Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp với các Sở, ngành tổ chức in ấn, cấp phát và treo các pano truyên truyền truyền về PCTHTL, Luật PCTHTL tới 30 quận/huyện/thị xã và các sở/ngành trên thành phố. Bên cạnh đó, sản xuất 4.800 biển báo quy định cấm hút thuốc để phát cho các điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn và các điểm công cộng trên địa bàn. Từ năm 2019, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội được Sở Y tế giao là đơn vị đầu mối nhận hỗ trợ kinh phí từ Quỹ PCTHTL và triển khai các hoạt động PCTHTL trên địa bàn. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội đã tham mưu cho Sở Y tế, gửi các văn bản liên quan đến các Sở, ngành trong quá trình triển khai các hoạt động PCTHTL như: tập huấn, truyền thông, điều tra… và luôn nhận sự tham gia nhiệt tình, nghiêm túc của các Sở, ngành.
Năm 2022, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội đã phối hợp với Công an thành phố tổ chức 03 lớp tập huấn cho 109 cán bộ công an các xã/thị trấn về tác hại của thuốc lá, Luật PCTHTL và công tác hướng dẫn công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về Luật PCTHTL. Từ năm 2020 – 2023, Trung tâm đã tổ chức 62 lớp tập huấn cho cán bộ y tế thuộc 30 trung tâm y tế quận/huyện trên địa bàn thành phố nhằm cung cấp kiến thức về tác hại thuốc lá và các biện pháp phòng chống. Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức 62 lớp tập huấn với cho hơn 2000 giáo viên làm công tác đoàn đội, cán bộ Y tế khối các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn thành phố về Luật PCTHTL và công tác xây dựng môi trường không khói thuốc tại trường học. Tổ chức 35 lớp tập huấn cho 1.269 cộng tác viên và y tế thôn của các xã thuộc một số huyện của Hà Nội về tư vấn cai nghiện thuốc lá tại cộng đồng. Đặc biệt, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội đã tăng cường phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện truyền thông cho 25.022 học sinh từ 13 – 17 tuổi tại 59 trường học trên địa bàn thành phố nhằm cung cấp thông tin, phổ biến rộng rãi về các khái niệm, hậu quả của bệnh không lây nhiễm, các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm, các tác hại của các sản phẩm thuốc lá nói chung, thuốc lá điện tử và nung nóng nói riêng.
Ảnh 1: Tuyên truyền PCTHTL và thuốc lá điện tử tại Trường tiểu học Thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng
Để công tác PCTHTL, đặc biệt thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Hà Nội sẽ tiếp tục có những giải pháp truyền thông sâu rộng tại cộng đồng thông qua nhiều hình thức phong phú, thiết thực, hiệu quả như truyền hình, Internet, mạng xã hội… Tập trung tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, nhất là thuốc lá điện tử dành cho đối tượng học sinh, sinh viên và các quy định của pháp Luật về PCTHTL. Tăng cường hơn nữa việc thực hiện môi trường không khói thuốc lá từ thành phố đến cơ sở, nhân rộng các mô hình công sở, thôn/xóm, nhà hàng, khách sạn, bến xe, bến tàu… không khói thuốc lá, gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh đồng thời mở rộng các khu vực cấm hút thuốc lá hoàn toàn. Ban hành các quy định chi tiết đối với ngăn ngừa các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. UBND các cấp tăng cường thông tin, giáo dục, truyền thông về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, thuốc lá điếu và các sản phẩm thuốc lá mới khác cho người dân trên địa bàn quản lý. Thường xuyên chỉ đạo các cấp, các ngành thuộc phạm vi quản lý thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng...
Bộ Y tế cho biết, báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật PCTHTL cho thấy, nhờ có nhiều nỗ lực trong công tác PCTHTL, tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong nam giới trưởng thành giảm trung bình 0,5% mỗi năm từ 47,4% năm 2010 xuống còn 38,9% năm 2023. Tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên giảm, trong đó, ở nhóm 13-15 tuổi giảm từ 2,5% năm 2014 xuống còn 1,9% năm 2022. Tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động cũng giảm đáng kể cả ở các hộ gia đình, nơi cộng cộng và nơi làm việc.
Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, những thành tựu này có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng nhanh chóng tỷ lệ sử dụng các sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đặc biệt là trong giới trẻ. Để tiếp tục tăng cường thực thi Luật PCTHTL, Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phối hợp, chỉ đạo tổ chức các hoạt động tăng cường thực thi Luật PCTHTL, Chiến lược quốc gia về PCTHTL; hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5, Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25-31/5.
Mai Trang