Cộng dồn năm 2024 đến nay Hà Nội ghi nhận 1.759 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 0 ca tử vong, giảm 50% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ là 3.512 ca mắc, 0 ca tử vong).
Đối với bệnh tay chân miệng, trong tuần qua Hà Nội ghi nhận 30 ca mắc, 0 ca tử vong, giảm 10 ca so với tuần trước (40 ca mắc, 0 ca tử vong). Cộng dồn năm 2024 ghi nhận 1.777 ca mắc, 0 ca tử vong. Trong tuần không ghi nhận ổ dịch tay chân miệng; cộng dồn năm 2024 ghi nhận 41 ổ dịch, hiện còn 1 ổ dịch đang hoạt động.
Tuần qua thành phố ghi nhận 5 ca mắc ho gà, 0 ca tử vong, tăng 5 ca so với tuần trước. Cộng dồn năm 2024 đến nay là 215 ca mắc tại 29 quận, huyện, thị xã, 0 ca tử vong. Các ca bệnh xuất hiện rải rác, chủ yếu ở trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng vắc xin hoặc chưa được tiêm đầy đủ.
Ngoài ra, trong tuần thành phố ghi nhận 1 trường hợp mắc uốn ván tại huyện Ba Vì. Bệnh nhân nam, 70 tuổi, tiền sử có vết thương ở gối và mắt cá chân (T) do bị ngã, không tiêm phòng uốn ván. Bệnh nhân khởi phát bệnh với triệu chứng cứng cơ, khó há miệng, nhập Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, được chẩn đoán uốn ván.
Một số dịch, bệnh khác như: sởi, viêm não Nhật Bản, não mô cầu, rubella, không ghi nhận ca mắc trong tuần.
Chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống dịch, CDC Hà Nội đã theo dõi chặt chẽ và cập nhật tình hình dịch bệnh kịp thời để đề xuất các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp. Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức giám sát, điều tra, xử lý dịch tại khu vực có ca bệnh, ổ dịch, khu vực nguy cơ như tại thôn 1 (Thượng Mỗ, Đan Phượng); tổ 10 (Kim Liên, Đống Đa); thôn Giếng (Hữu Bằng, Thạch Thất); tổ 13 (Phú Lương, Hà Đông).
CDC Hà Nội nhận định, số mắc sốt xuất huyết ghi nhận có xu hướng gia tăng, một số ổ dịch kéo dài, tiếp tục ghi nhận bệnh nhân. Bệnh ho gà tiếp tục ghi nhận rải rác, chủ yếu là ở trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng vắc xin hoặc chưa được tiêm đầy đủ. Bệnh tay chân miệng phần lớn là ca bệnh tản phát, dự báo tiếp tục ghi nhận rải rác trong thời gian tới. Bệnh dại đang có diễn biến phức tạp trên động vật; từ đầu năm 2024 đến nay có 6 ổ dịch dại trên chó đều tại huyện Sóc Sơn. Đồng thời, đã ghi nhận chó dại cắn người nên nguy cơ có thể ghi nhận ca bệnh dại trên người trong thời gian tới nếu người dân không thực hiện đầy đủ các biện pháp điều trị dự phòng sau phơi nhiễm theo khuyến cáo của ngành y tế.
Trong tuần tới, CDC Hà Nội thực hiện giám sát các khu vực ổ dịch sốt xuất huyết đang hoạt động, khu vực nguy cơ cao tại Yên Sở - Hoài Đức; Hiệp Thuận -Phúc Thọ; Sơn Hà- Phú Xuyên; Dương Nội- Hà Đông; Cao Dương- Thanh Oai; Ô Chợ Dừa- Đống Đa. Giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng và các cơ sở khám chữa bệnh được phân cấp nhằm nắm bắt tình hình dịch bệnh và tổ chức điều tra, xử lý kịp thời ca bệnh, ổ dịch.
Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo CDC Hà Nội, Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn phối hợp với cơ quan thú y tổ chức triển khai các biện pháp phòng chống bệnh dại trên động vật tại huyện Sóc Sơn, đặc biệt là tại các xã có ổ dịch để nhanh chóng khống chế dịch, hạn chế tối đa dịch, bệnh lây sang người. Chỉ đạo các trạm y tế xã tiếp tục rà soát, giám sát, nhắc nhở người phơi nhiễm với chó dại đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch theo phác đồ.
Tăng cường công tác truyền thông, thông tin kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống một số dịch, bệnh như sốt xuất huyết, ho gà, sởi, viêm não Nhật Bản, tay chân miệng,… Với các bệnh có vắc xin, khuyến cáo người dân chủ động tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế.
SỞ Y TẾ HÀ NỘI