Nhờ có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong nam giới trưởng thành giảm trung bình 0,5% mỗi năm (từ 47,4% năm 2010 (điều tra GATS 2010) xuống còn 38,9% năm 2023 (PGATS 2023). Tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên cũng đã giảm, trong đó, ở nhóm 13-17 tuổi đã giảm từ 5,36% năm 2013 xuống còn 2,78% năm 2019, ở nhóm 13-15 tuổi giảm từ 2,5% (GYTS 2014) xuống còn 1,9% (GYTS 2022). Đồng thời, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động cũng giảm đáng kể cả ở các hộ gia đình, nơi công cộng và nơi làm việc.
Đây là những kết quả rất đáng khích lệ trong công tác PCTH của thuốc lá. Tuy nhiên, những thành tựu này có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng nhanh chóng tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới (chủ yếu là TLĐT, TLNN), đặc biệt là trong giới trẻ, cụ thể:
- Ở người trưởng thành (15 tuổi trở lên), tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử tăng 18 lần (từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020), trong đó tỷ lệ sử dụng cao nhất tập trung ở nhóm tuổi 15-24 với tỉ lệ là 7,3% sau đó là các nhóm tuổi 25 - 44 tuổi (3,2%), 45 - 64 tuổi (1,4%)[1].
- Ở thanh thiếu niên từ 13-17 tuổi, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023[2],[3].
- Ở thanh thiếu niến từ 13-15 tuổi, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022[4], lên 8% năm 2023[5].
- Ở nữ giới từ 11-18 tuổi, cũng theo kết quả sơ bộ của điều tra 11 tỉnh thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 4.3% năm 2023.
2. Đặc điểm, cấu tạo, thành phần TLĐT, TLNN và các sản phẩm thuốc lá mới khác
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và đa số các quốc gia định nghĩa:
2.1. Thuốc lá điện tử (TLĐT) hay còn gọi là hệ thống phân phối nicotin điện tử (electronic nicotine delivery system) là dạng sản phẩm có thiết bị làm nóng chất lỏng (hay còn gọi là dung dịch điện tử) để tạo ra sol khí mà người dùng hít vào. Dung dịch điện tử bao gồm nicotine hoặc không chứa nicotine, chất tạo hương vị, propylene glycol và/hoặc glycerine, các hóa chất khác và không chứa thành phần thuốc lá. Cấu tạo của TLĐT gồm bộ phận pin sạc, bộ phận cảm biến, bộ phận tạo nhiệt (lõi đốt), bộ phận dẫn dòng khí, ngăn đựng dung dịch điện tử, đầu ngậm cho phép người dùng hít vào dòng khí đã bay hơi. TLĐT được thiết kế để có thể dùng một lần hoặc tái nạp dung dịch điện tử để dùng nhiều lần.
TLĐT khác nhau về hình dạng, kích thước và chức năng. Có nhiều “thế hệ” TLĐT khác nhau tùy theo công nghệ và thiết kế, từ thế hệ đầu tiên có hình dạng “giống điếu xì gà - cig-a-like”, thế hệ tiếp theo có hình dạng “như chiếc bút - vape-pens” đến các thiết bị “tank” và “pod” phổ biến hiện nay.[6] Các loại TLĐT cho phép người dùng không chỉ với dung dịch điện tử mà còn dùng được với thảo mộc, tinh dầu. Hơn nữa, các thiết bị chức năng kép cho phép dùng được với cả các chất cô đặc và dung dịch điện tử bằng cách sử dụng nhiều ngăn/ống nguyên liệu khác nhau.
Có gần 2.000 chất hóa học đã được tìm thấy trong sol khí/khói tạo ra từ TLĐT, trong đó hầu hết là các chất chưa xác định được đặc tính[7] và gần 20.000 loại hương vị khác nhau được sử dụng. Ước tính, mỗi tháng trên thế giới có thêm 242 hóa chất hương liệu mới được tạo ra. Một số hóa chất hương liệu, chất diacetyl, cinnamaldehyde: đặc biệt độc, gây viêm tiểu phế quản co thắt (bệnh phổi bỏng ngô, không hồi phục). Chất 2,3-pentanedione thay thế cho diacetyl: cũng gây xơ hóa đường thở trên động vật.
2.2. Thuốc lá nung nóng (TLNN)
Hiện tại có một số định nghĩa khác nhau về sản phẩm này, cụ thể như sau:
Theo WHO năm 2020[8] thì TLNN được định nghĩa là: Các sản phẩm tạo ra các sol khí có chứa nicotine và các hóa chất độc hại khác khi điếu thuốc lá hoặc thiết bị có chứa thuốc lá được làm nóng bằng thiết bị điện tử. Những sol khí này được người dùng hít vào qua đường miệng. TLNN chứa chất gây nghiện cao là nicotine, các chất phụ gia không phải là thuốc lá và thường có hương vị. Thuốc lá dùng trong TLNN có thể ở dạng giống thuốc lá điếu nhưng được thiết kế đặc biệt - ngắn hơn và nhẹ hơn. (ví dụ sản phẩm của một số hãng là Fiit Sticks, Neo Sticks, Heat Sticks…) hoặc ở dạng ống/hộp/viên (ví dụ như Mevious Capsule).
Về cấu tạo, TLNN có 3 phần: Phần lắp thêm vào (điếu thuốc lá, viên thuốc lá); phần làm nóng thuốc lá (pin, đầu carbon) và phần sạc pin.
Hiện nay đang có 4 loại TLNN, tùy thuộc vào cách thuốc lá được làm nóng để đưa nicotin vào phổi của người dùng.[9] Các sản phẩm TLNN mới hơn bao gồm các biến thể nhiệt độ thấp hơn và cao hơn, các thiết bị điện tử lai có chứa cả sợi thuốc lá và dung dịch điện tử (chứa nicotine), thiết bị có đầu carbon, thiết bị sử dụng lưới kim loại có các lỗ nhỏ để làm nóng một dạng TLNN dưới dạng viên nhộng được niêm phong sẵn và các thiết bị khác cho phép người dùng tùy chỉnh nhiệt độ và điều chỉnh mức độ tỏa khói và hương vị mong muốn. Ngoài ra, một số sản phẩm trong danh mục này còn đang được phát triển, một số trong đó sử dụng các công nghệ mới.
Còn theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ[10], các sản phẩm TLNN có nhiều dạng. Một số sản phẩm TLNN sử dụng các bộ phận tạo nhiệt điện tử. Một số sản phẩm được thiết kế dạng điếu thuốc hoặc viên nang được thiết kế đặc biệt có chứa thuốc lá. Một số sản phẩm hoạt động bằng cách làm nóng chất lỏng tạo ra sol khí sau đó đi qua sợi thuốc lá để hấp thụ hương vị và nicotine từ thuốc lá. Một số khác có một ngăn kín của thiết bị làm nóng các sợi thuốc lá rời (được nhồi vào ngăn này), riêng rẽ hoặc trộn cùng với hoa từ cây cần sa. Một số được sử dụng với hương liệu. Một số sản phẩm cho phép người dùng kiểm soát các yếu tố như nhiệt độ. Một số sản phẩm TLNN có kích thước và hình dạng tương tự như thuốc lá thông thường và có đầu carbon được bọc trong sợi thủy tinh mà người dùng làm nóng bằng bật lửa hoặc diêm.
2.3. Sản phẩm lai giữa TLĐT và TLNN:
Hiện nay trên thế giới đã xuất hiện công nghệ hybrid (công nghệ lai) - làm nóng dung dịch điện tử để tạo ra hóa hơi đi qua ngăn/ống đựng thuốc lá để tạo ra hương vị thuốc lá, không đốt nóng trực tiếp sản phẩm thuốc lá mà kết hợp giữa dung dịch TLĐTvà nguyên liệu thuốc lá. Do đó, rất khó để xác định và liệt kê đầy đủ các dạng sản phẩm thuốc lá mới trong thời gian tới.
Hiện nay các sản phẩm thuốc lá nung nóng rất đa dạng, trong đó có nhiều sản phẩm lai giữa thuốc lá nung nóng với thuốc lá điện tử, pha trộn, tẩm ướp dung dịch điện tửkhiến cho việc kiểm tra và nhận biết khó khăn, như sản phẩm thuốc lá mới sử dụng công nghệ hybrid, không đốt nóng trực tiếp sản phẩm thuốc lá mà kết hợp giữa dung dịch thuốc lá điện tử và nguyên liệu thuốc lá.
Công nghệ hybrid (công nghệ lai) - làm nóng dung dịch điện tử để tạo ra hóa hơi đi qua ngăn/ống đựng thuốc lá để tạo ra hương vị thuốc lá đích thực như Glo iFuse sản xuất bởi công ty BAT được đưa vào thị trường năm 2015, sản phẩm PloomTech được sản xuất bởi công ty JTI đưa vào thị trường năm 2016, sản phẩm Lil Hybrid của Công ty KT&G. Các sản phẩm này làm cho người tiêu dùng và cơ quan quản lý khó có thể phân biệt đây là thuốc lá điện tử hay là thuốc lá nung nóng.
Nếu cho phép thí điểm thuốc lá nung nóng sẽ dẫn đến tình trạng thuốc lá điện tử cũng sẽ thâm nhập vào thị trường Việt Nam dưới mác thuốc lá nung nóng, sử dụng trá hình sẽ rất khó kiểm soát được.
3. Tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng
3.1. Các chất độc hại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng
- Đối với thuốc lá điện tử
Nicotin trong thuốc lá điện tử: Thuốc lá điện tử có chứa nicotin là một hoá chất gây nghiện cao. Theo bảng phân loại bệnh tật quốc tế thì lệ thuộc nicotine được phân loại mã bệnh 6C4A.2 là một bệnh thuộc loại rối loạn do sử dụng chất kích thích hoặc các hành vi gây nghiện. Nicotine còn là chất độc hại, gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa...
Nicotine được phân loại là trong danh mục “độc” tại Úc,[11] ,[12] Bỉ,50 Brunei,50 và Hồng Kông, Trung Quốc.[13]
Trong thuốc lá điện tử, nicotin thường được cho vào với hàm lượng lớn hơn so với thuốc lá điếu thông thường, ở dạng dung dịch hoặc dạng bột (một dụng cụ hút có thể hút được nhiều nghìn hơi). Đặc biệt nicotin được sản xuất nhân tạo tổng hợp, thường dạng muối, có độ pH điều chỉnh để ít gây khó chịu với đường hô hấp, đồng thời với số lượng dẫn tới người sử dụng rất dễ bị ngộ độc và nhanh chóng dẫn tới nghiện nicotin.
Nicotin gây ngộ độc cấp tính với nhiều cơ quan, đặc biệt tim mạch, thần kinh, hô hấp với biểu hiện ngộ độc tương tự ngộ độc thuốc trừ sâu nhóm lân hữu cơ. Tiếp xúc kéo dài với nicotin (hút thuốc lá) gây ảnh hưởng nhiều cơ quan khác nhau: gây xơ vữa thành mạch, hẹp mạch máu ở các nơi (đáng chú ý gây bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim), tăng lipid máu, tăng đường máu, giảm elasstin ở nhu mô phổi gây giãn phế nang, tổn thương đường thở và co thắt phế quản, trên hô hấp gây thở nhanh, ngừng thở, tăng tiết a xít dịch vị và giảm nhu động dạ dày ruột gây trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét dạ dày tá tràng, tăng đề kháng kháng sinh của vi khuẩn Helicobacter pylori, tăng độc tính của độc tố vi khuẩn Helicobacter pylori trên dạ dày, tá tràng, giảm khả năng học, giảm trí nhớ, giảm tập trung, tăng nghiện thêm chất khác, giảm khả năng miễn dịch, trên mắt gây thoái hóa hoàng điểm, tăng thải albumin qua nước tiểu, tổn thương thận, viêm cầu thận, giảm mức lọc cầu thận, tăng hẹp mạch thận, với nam giới bị giảm hoặc mất cương dương, rối loạn cương dương, giảm tiết testosteron, giảm số lượng, chức năng tinh trùng, với nữ giới gặp rối loạn kỳ kinh, tăng nội tiết FSH, giảm estrogen, giảm progesteron, ảnh hưởng buồng trứng, trưởng thành noãn, giảm dòng máu đến vòi trứng, thai chậm phát triển, thai lưu, chửa ngoài tử cung, chậm phát triển tri tuệ thai, tăng nguy cơ hen ở con sinh ra, gây ung thư dạ dày ruột, ung thư phổi, ung thư tụy, ung thư vú.
Các chất độc, chất phụ gia, chất hương liệu trong thuốc lá điện tử: Thành phần của dung dịch thuốc lá điện tử còn có glycerin (gây viêm phổi mỡ, kích ứng da, mắt, phổi), propylene glycol. propylene glycol (gây kích ứng đường thở, mắt, gây ung thư, hen), đồng thời có thể tạo thành propylene oxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng và hóa hơi. Propylene glycol khi nung nóng cũng tạo ra methyl glyoxal gây đái tháo đường và các bệnh thoái hóa thần kinh. Glycerin khi được đun nóng và hóa hơi tạo thành acrolein, gây gây khô miệng và viêm đường hô hấp trên. Các chất độc hại được tìm thấy trong dung dịch và hơi của thuốc lá điện tử như ethylene glycol, diethylene glycol, aldehydes, hydrocacbon thơm đa vòng (PAHs), hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs) như benzene, toluene, nitrosamine,, chất đặc biệt gây ung thư nitrosamines, acrolein (gây kích ứng đường thở, đường tiêu hóa và mắt, xơ vữa mạch máu), formaldehyde (gây viêm phế quản, viêm phổi, hen), các hydroxycarbonyl, acetaldehyde (gây ung thư, tổn thương gan), các hydrocarbon thơm đa vòng (gây ung thư), các hạt siêu nhỏ,... Một số kim loại như chì (tổn thương não, thận, máu, tăng huyết áp), crôm (gây viêm, kích ứng đường thở, loét hoặc teo niêm mạc mũi, các vấn đề sinh sản/sinh đẻ), cadmium (gây tăng nguy cơ ung thư phổi, kích ứng đường hô hấp), nikel (gây ung thư, tổn thương phổi và não, gan, thận), formaldehyde có hàm lượng tương đương hoặc cao hơn so với thuốc lá điếu thông thường[14].
Một số trường hợp người dùng phối trộn vitamin E axetat và tetrahydrocannabinol (THC) vào thuốc lá điện tử. Đây là một chất kích thích hệ thần kinh có chứa trong cần sa, được cho là có vai trò quan trọng gây ra hàng nghìn trường hợp tổn thương phổi. Mặc dù vitamin E axetat an toàn khi được tiêu thụ dưới dạng thực phẩm hoặc mỹ phẩm, nhưng hậu quả của việc hít phải vitamin E axetat vẫn chưa được tìm hiểu đầy đủ. Hiện nay, một số quốc gia như Canada, Vương quốc Anh và một số tiểu bang ở Mỹ đã cấm vitamin E axetat.
Để che giấu độ gắt của nicotin làm cho sản phẩm dễ chịu hơn, dễ hít vào hơn và tạo mùi vị hấp dẫn, thu hút người sử dụng, đặc biệt là giới trẻ, các nhà sản xuất còn sử dụng rất nhiều loại hương liệu có mùi vị như: bạc hà, táo, cam, chanh….trong thuốc lá điện tử. Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện có khoảng 20,000 loại hương liệu, trong đó có nhiều loại chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại với sức khỏe. Lĩnh vực thuốc lá điện tử là nơi sử dụng hương liệu nhiều nhất trong cuộc sống hiện nay. Ước tính, mỗi tháng trên thế giới có khoảng 242 hóa chất hương liệu mới được tạo ra. Ví dụ một số hóa chất hương liệu, chất diacetyl, cinnamaldehyde: đặc biệt độc, gây viêm tiểu phế quản co thăt (bệnh phổi bỏng ngô, không hồi phục). Chất 2,3-pentanedione thay thế cho diacetyl: cũng gây xơ hóa đường thở trên động vật. Cinnamaldehyde gây độc với tế bào, giảm hệ thống lông chuyển, tăng nhiễm trùng. Các hương liệu gây các stress ô xy hóa, giải phóng các cytokine viêm, giảm khả năng thực bào, giảm đáp ứng viêm ở đường hô hấp, trên thực nghiệm gây độc tế bào, tổn thương lớp nội mạc mạch, thúc đẩy các tổn thương xơ hóa.
Một số hương liệu được sử dụng trong ENDS đã được chứng minh là làm tăng độc tính của sản phẩm[15]. Ngoài ra, việc làm nóng các cuộn dây kim loại trong ENDS sẽ tạo ra nhiều kim loại nặng trong sol khí ENDS như cadmium, chì, niken, thiếc, mangan, selen, kẽm và đồng[16]. Hàng ngàn dung dịch điện tử có chứa hương liệu không phù hợp và cả ở nồng độ không phù hợp, đều có thể dẫn đến tác động tiêu cực đến sức khỏe.
Với hàng nghìn hóa chất hương liệu, thay đổi theo nhà sản xuất, thị hiếu, vùng miền, trào lưu,...theo thời gian và tạo nên số lượng rất lớn các hóa chất. Khi nung nóng hoặc đốt cháy ở các nhiệt độ đa dạng khác nhau sẽ tạo nên số lượng gấp bội các hóa chất là các sản phẩm cháy trung gian, sản phẩm cháy cuối cùng, nhiều hơn rất nhiều lần so với thuốc lá điếu thông thường. Do đó nguy cơ gây hại với sức khỏe rất lớn.
Do nguy cơ cao ảnh hưởng với sức khỏe và tính chất đa dạng, phức tạp không thể kiểm soát, các chính phủ đã quản lý hoặc cấm hoàn toàn các hương liệu trong thuốc lá điện tử. Tại Mỹ: từ năm 2020, đã cấm các hương liệu (trừ bạc hà, hương thuốc lá) trong thuốc lá điện tử, hiện đang xem xét nguy cơ hương vị thuốc lá, bạc hà, Ủy ban Châu Âu, Canada cũng hành động tương tự. Trung Quốc đã cấm tất cả các thuốc lá điện tử chứa hương liệu từ tháng 10/2022.
Đối với thuốc lá nung nóng:
Khói tỏa của các sản phẩm này chứa các chất độc hại tương tự như khói thuốc lá điếu thông thường, nhiều chất trong số đó có thể gây ung thư, bệnh tim mạch và hô hấp. Một số chất độc hại trong TLNN có thể có hàm lượng thấp hơn trong thuốc lá điếu thông thường, nhưng một số chất khác lại có hàm lượng cao hơn và một số chất chỉ xuất hiện trong các sản phẩm TLNN. Không có bằng chứng nào cho thấy các sản phẩm này ít gây tác hại về sức khỏe hơn so với thuốc lá điếu thông thường.
Các sản phẩm thuốc lá lai giữa TLĐT và TLNN sẽ mang những đặc tính và khả năng gây hại của cả TLĐT và TLNN
Sol khí/khói toả ra của TLĐT, TLNN là một hỗn hợp của các hóa chất độc hại và chưa được xác định, chứ không phải là hơi nước
Có quan điểm sai lầm rằng TLĐT, TLNN chỉ tạo ra hơi nước, thực chất những sản phẩm này tạo ra khói - một loại sol khí hóa học độc hại được tạo ra nhờ nhiệt ngay cả khi không đốt cháy[17].
Hệ thống cung cấp dung dịch điện tử làm nóng và hóa hơi dung dịch tạo nên sol khí/khói[18]vẫn thải ra môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng không khí, đặc biệt tại các nơi trong nhà[19]. Các nghiên cứu cho thấy nồng độ nicotin, hoá chất, và các chất gây ung thư trong sol khí TLĐT thụ động vượt quá mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới[20] [21] [22].
Ngoài ra, việc TLĐT không có mùi thuốc lá đặc trưng có thể làm người tiếp xúc thụ động chủ quan, giảm nhận thức về tác hại và làm tăng khả năng chịu đựng với sol khí này[23].
3.2. Các tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo rằng tất cả các loại thuốc lá, bao gồm TLĐT/TLNN đều có hại[24]. Ngoài những tác hại đã được biết đến bao gồm: gây nghiện do có chứa nicotine, ung thư, ảnh hưởng tới hệ miễn dịch, tâm thần, răng miệng, sinh sản, hô hấp và tim mạch,…thuốc lá mới còn có nguy cơ gây ra nhiều ảnh hưởng cấp tính nguy hiểm và nguy cơ phát sinh các vấn đề xã hội nghiêm trọng hơn rất nhiều so với thuốc lá điếu thông thường, bao gồm:
Hội chứng tổn thương phổi cấp (EVALI): Nhiều ca tổn thương phổi nghiêm trọng và cấp tính, gây tử vong đã được báo cáo trên toàn cầu, chủ yếu ở Hoa Kỳ (2.807 ca chấn thương phổi do hút TLĐT, bao gồm 68 ca tử vong, tính đến ngày ngày 18 tháng 2 năm 2020)[25] ; các ca tổn thương này này cũng đã được ghi nhận cả ở Canada, Nhật Bản, Anh[26] , Malaysia[27] , Bỉ[28] do việc sử dụng thuốc lá mới.
Ngộ độc: Với việc sử dụng TLĐT ngày càng tăng, hàng ngàn trường hợp ngộ độc nicotine, cả vô tình (chủ yếu là ở trẻ nhỏ) và cố ý (trong thanh thiếu niên và người lớn), đã được báo cáo ở Mỹ[29], Châu Âu[30] và các quốc gia khác trong những năm gần đây. Từ năm 2015 đến năm 2022, tổng cộng 66 trường hợp ngộ độc được báo cáo tiếp xúc với TLĐT và chất lỏng của TLĐT ở Malaysia. Hơn một nửa (40 trường hợp) liên quan đến trẻ em dưới 5 tuổi. Hầu hết các trường hợp đều vô tình nuốt phải chất lỏng của TLĐT (76%) tại nhà và các triệu chứng do phơi nhiễm dao động từ nhẹ đến nặng, bao gồm nhiễm toan chuyển hóa, co giật và suy nhược hệ thần kinh trung ương[31].
Bên cạnh đó, với việc sử dụng TLĐT ngày càng tăng dẫn đến hàng ngàn trường hợp ngộ độc nicotine, cả vô tình (chủ yếu là ở trẻ nhỏ) và cố ý (trong thanh thiếu niên và người lớn), đã được báo cáo ở Mỹ,[32] [33] Úc, [34] Canada, [35] Châu Âu,[36] và các quốc gia khác trong những năm gần đây. Tại khu vực Đông Nam Á, từ năm 2015 đến tháng 8 năm 2023, tổng cộng 100 trường hợp được báo cáo tiếp xúc với ngộ độc TLĐT và chất lỏng của TLĐT ở Malaysia, trong đó gần một nửa (46%) liên quan đến trẻ em dưới 5 tuổi. Vào năm 2022 và 2023, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai năm qua đã tiếp nhận gần 130 trường hợp nhập viện bị ngộ độc sau khi sử dụng TLĐT.
* Theo báo cáo tổng hợp gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, bệnh viện thuộc Sở Y tế và trung tâm y tế huyện: Chỉ tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng TLĐT, TLNN[37]. Trong đó số người nhập viện do sử dụng TLĐT, TLNN cụ thể như sau:
Nhóm tuổi
|
Số lượng nam
|
Số lượng nữ
|
Tổng
|
< 16
|
22
|
5
|
27
|
16- 18
|
42
|
2
|
44
|
19-24
|
52
|
6
|
58
|
25-44
|
125
|
13
|
138
|
45-64
|
346
|
31
|
377
|
Từ 65 tuổi trở lên
|
509
|
71
|
580
|
Tổng cộng
|
1.096
|
128
|
1.224
|
Thương tích và tử vong do cháy, nổ thiết bị điện tử: Ngoài độc tính hóa học, các thiết bị TLĐT bị lỗi/hỏng đã gây ra các vụ cháy nổ dẫn đến thiệt hại tài sản và thương tích nghiêm trọng (ví dụ như chân, tay, cổ và bỏng mặt, chấn thương mặt (mắt, mũi, miệng), và gây tổn thương tâm lý, chấn thương sọ và gãy xương cổ)[38],[39]. Chỉ riêng tại Hoa Kỳ từ năm 2015 đến 2017, ước tính có khoảng 2.035 vụ nổ TLĐT và các tổn thương do bỏng tại các khoa cấp cứu của bệnh viện Hoa Kỳ[40]. Từ năm 2016 đến 2019, 15 thanh thiếu niên Mỹ (13-18 tuổi) bị chấn thương do nổ thiết bị TLĐT. Các chấn thương bao gồm bỏng mặt, đùi, háng, bàn tay, mắt, mất nhiều răng, chấn thương dây thần kinh hướng tâm, rách mặt và gãy xương hàm dưới[41]. Ít nhất hai trường hợp chết đã được ghi nhận ở Mỹ do TLĐT phát nổ [42],[43].
TLĐT, TLNN có xu hướng nhắm đến nhóm đối tượng dễ bị tổn thương là giới trẻ và nữ giới, nguy cơ tác động đến cả một thế hệ tương lai của đất nước
Mặc dù các nhà sản xuất TLĐT, TLNN vẫn tuyên bố các sản phẩm này là giải pháp thay thế cho người hút thuốc và không nhắm vào giới trẻ. Nhưng bằng chứng thực tiễn cho thấy các sản phẩm này nhắm tới một lượng lớn khách hàng mới (chưa từng hút thuốc) bao gồm cả phụ nữ và trẻ em.
Các nhà sản xuất đã và đang sử dụng nhiều cách thức khác nhau để thu hút thanh thiếu niên sử dụng TLĐT, TLNN thông qua hương vị hấp dẫn, thiết kế sản phẩm bắt mắt, thời trang, theo xu hướng công nghệ, bán hàng qua mạng (bán qua app điện thoại thông minh, quảng cáo và mua bán trên internet) là hình thức mà giới trẻ thường sử dụng, tài trợ cho người nổi tiếng và có ảnh hưởng trên mạng xã hội để giúp quảng cáo các sản phẩm và dễ dàng tiếp cận với giới trẻ.
Sử dụng nicotine gây hại lớn đến sự phát triển não bộ của thanh thiếu niên vì não bộ của trẻ vẫn đang trong giai đoạn phát triển cho tới tuổi 25. Nicotine đã được chứng minh làm suy yếu sự trưởng thành não bộ của thanh thiếu niên với những hậu quả ngắn hạn và hậu quả lâu dài nghiêm trọng đó là nghiện, rối loạn nhận thức và cảm xúc, giảm khả năng học tập và rối loạn tâm thần. Những thay đổi do nicotine gây ra trong hệ thần kinh khiến người dùng ở nhóm tuổi này dễ bị nghiện nicotine hơn và vì thế ảnh hưởng đến sức khỏe sẽ đến sớm và trầm trọng hơn trong tương lai.[44] Phơi nhiễm nicotine còn tác động bất lợi cho sức khỏe bà mẹ và bào thai trong thời kì thai nghén, gây ra đẻ non, thai chết lưu, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, gây hậu quả nghiêm trọng kéo dài đối với sự phát triển não bộ bào thai, trẻ em và vị thành niên. Nicotine có thể đi qua nhau thai và tác động lên sự phát triển của thai nhi và trẻ nhỏ. Do đó, phơi nhiễm với nicotin ở phụ nữ có thai có thể dẫn đến nhiều hậu quả, bao gồm hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh hay những dị tật thính giác và béo phì[45]
TLĐT và TLNN đang làm tăng nguy cơ dẫn tới sử dụng thuốc lá điếu thông thường ở người trẻ. Nghiên cứu cho thấy thanh thiếu niên và người trẻ chưa bao giờ hút thuốc lá nhưng sử dụng TLĐT thì có nguy cơ bắt đầu hút thuốc lá điếu thông thường cao hơn 3,5 lần so với với những người chưa từng sử dụng TLĐT[46] [47].
Thực tế cho thấy, các quốc gia cho phép các sản phẩm TLĐT, TLNN nhưng ban hành các chính sách về cấm bán cho trẻ vị thành niên đã thất bại trong việc ngăn chặn việc sử dụng của giới trẻ. Ở các quốc gia này, việc sử dụng TLĐT cũng đã không đẩy nhanh sự suy giảm tỷ lệ hút thuốc lá điếu thông thường, một tỷ lệ lớn người sử dụng TLĐT là người dùng kép (sử dụng đồng thời TLĐT với các sản phẩm thuốc lá và/hoặc TLNN) thay vì bỏ hút thuốc [48],[49]. Tại Hoa Kỳ, giai đoạn 2017-2019 tỷ lệ sử dụng TLĐT tăng vọt từ 11,7% lên 27,5% ở học sinh THPT, và từ 3,3% lên 10,5% ở học sinh THPT.[50] Tại Vương quốc Anh, sử dụng TLĐT ở trẻ em gái 15 tuổi đã tăng từ 10% vào năm 2018 lên 21% vào năm 2021[51], trong khi ở New Zealand 27% thanh niên sử dụng TLĐT[52]. Tại Hàn Quốc, sau 01 năm TLNN được giới thiệu trên thị trường, đã có 2,8% thanh thiếu niên cấp 2 và cấp 3 đã sử dụng sản phẩm này. Trong đó, 40,3% là người sử dụng đồng thời cả TLNN và thuốc lá điếu.
Các sản phẩm thuốc lá mới có nguy cơ cao tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện đồng thời với TLĐT, TLNN, ảnh hưởng đến sức khỏe, an ninh trật tự xã hội
Thực tế cho thấy, TLĐT và kể cả một số loại TLNN mới phát sinh, có sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải là từ nguyên liệu lá thuốc lá điếu thông thường. Nguyên liệu phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy. Thông qua việc phối trộn, người sử dụng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine quá mức hoặc thêm ma túy và các chất gây nghiện khác vào để sử dụng mà khó bị phát hiện. Các nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy rõ mối liên quan giữa sử dụng TLĐT với các tệ nạn xã hội khác như ma túy, hút shisha và các chất gây nghiện khác. Điều tra ở Mỹ cho thấy 30.6% thanh thiếu niên (lớp 6-12) sử dụng TLĐT đã từng phối trộn chất ma túy từ cây cannabis với dung dịch điện tử[53].
Trong những năm gần đây, nhiều loại ma túy mới đã bị trà trộn có trong thuốc lá điện tử, đặc biệt hàng trăm hóa chất ma túy tổng hợp thể hệ mới thuộc nhóm cần sa tổng hợp. Đây là nhóm ma túy thế hệ mới lớn nhất, với số lượng các chất lớn nhất, liên tục được tạo mới và thay đổi vượt ra khỏi các danh mục kiểm soát. Các ma túy cần sa tổng hợp là các chất độc mạnh với thần kinh, tâm thần, tim mạch và đa cơ quan, rất khác nhau tùy theo từng chất cụ thể. Việc xét nghiệm phát hiện được toàn bộ các ma túy cần sa tổng hợp là hoàn toàn không khả thi với tất cả các phòng xét nghiệm hàng đầu trên thế giới. Đặc biệt, việc xét nghiệm các ma túy mới chỉ có thể các phương tiện xét nghiệm chuyên sâu của đất nước, do đó, tại các cửa khẩu các nguyên liệu và sản phẩm ma túy nhóm cần sa tổng hợp có thể dễ dàng công khai được vận chuyển qua mà không thể bị phát hiện
TLĐT không phải là sản phẩm giúp cai nghiện thuốc lá điếu thông thường
Theo WHO, chưa có bằng chứng về việc TLĐT giúp cai nghiện thuốc lá điếu thông thường. WHO cũng không xác nhận TLĐT là một biện pháp hỗ trợ cai nghiện.[54] Ngược lại, bằng chứng cho thấy người sử dụng TLĐT, TLNN tăng nguy cơ sử dụng cùng lúc nhiều loại thuốc lá. Việc người dùng sử dụng đồng thời cả TLĐT, TLNN và thuốc lá điếu thông thường đã được ghi nhận ở nhiều quốc gia. Cụ thể, như ở Mỹ, bằng chứng cho thấy hầu hết người sử dụng TLĐT để cai thuốc lá đều không bỏ được thuốc lá, thay vào đó họ tiếp tục sử dụng đồng thời cả TLĐT và thuốc lá điếu thông thường (CDC Hoa Kỳ)[55]. Khoảng 70% người dùng TLNN ở Nhật Bản và 96,2% người dùng TLNN ở Hàn Quốc sử dụng đồng thời TLNN với thuốc lá điếu thông thường[56].
Việc khuyến khích người hút thuốc chuyển sang TLĐT, TLNN không làm cho họ có thể bỏ thuốc lá, mà ngược lại tiếp tục duy trì tình trạng nghiện nicotine và phơi nhiễm với nhiều hóa chất độc hại khi sử dụng đồng thời nhiều loại thuốc lá.
TLĐT, TLNN không phải là sản phẩm ít hại hơn thuốc lá điếu thông thường
Tổ chức Y tế thế giới đã khẳng định: “Không có bằng chứng nào chứng minh rằng TLĐT, TLNN ít gây hại hơn các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường.”[57] TLĐT, TLNN đều chứa nicotine là chất gây nghiện cao, gây hại đến sức khỏe đặc biệt là sự phát triển não bộ ở trẻ em và thanh thiếu niên.[58]
Khói TLĐT có chứa các chất độc hại gồm aceton, acrolein, acet-aldehyde, formaldehyde, các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC), hydrocacbon thơm đa vòng (PAHs), nitrosamine đặc trưng của thuốc lá (TSNA), và kim loại (nồng độ chì, crom, niken và fomandehit được tìm thấy trong một số khói của một số sản phẩm TLĐT ở mức bằng và cao hơn thuốc lá điếu thông thường).[59]
Khói TLNN có chứa các hóa chất độc hại tương tự như khói thuốc lá điếu thông thường. Nồng độ một số hóa chất trong TLNN thấp hơn thuốc lá điếu thông thường, nhưng nồng độ một số hóa chất khác lại cao hơn, và tạo ra những chất mới không có trong thuốc lá điếu thông thường, có khả năng gây hại cho sức khỏe.[60]
Tuyên bố: “Thuốc lá điện tử giảm hại hơn 95% so với thuốc lá điếu thông thường” là không có bằng chứng khoa học. Thông tin “giảm hại” này dựa trên ý kiến của một nhóm nhỏ các chuyên gia, được đưa trên cơ sở một bài báo được tài trợ bởi ngành công nghiệp thuốc lá và không đảm bảo cơ sở khoa học.[61] Theo lời của một bài xã luận[62] trên tạp chí y khoa uy tín toàn cầu, The Lancet, “ý kiến của một nhóm nhỏ các cá nhân không có chuyên môn về kiểm soát thuốc lá đã đưa ra hầu như thiếu hoàn toàn bằng chứng về tác hại”. Nghiên cứu tổng quan theo Phương pháp Meta-Analysis cho thấy Phân tích dịch tễ học mới nhất kết luận rằng tỷ lệ mắc bệnh liên quan đến việc sử dụng TLĐT tương tự tỷ lệ mắc khi hút thuốc lá điếu đối với các bệnh như bệnh tim mạch, đột quỵ và rối loạn chuyển hóa (như tăng huyết áp, béo phì).[63]
Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) không phê duyệt sản phẩm TLNN, IQOS là “giảm hại”. FDA chỉ phê duyệt IQOS là sản phẩm điều chỉnh nguy cơ, và bác bỏ tuyên bố rằng việc sử dụng sản phẩm này ít gây hại hơn so với các sản phẩm thuốc lá khác.[64]
WHO khuyến cáo các quốc gia cần có biện pháp “ngăn chặn việc đưa ra các kết luận thiếu căn cứ về an toàn của TLĐT, TLNN” (COP8/FCTC). Tổ chức Y tế thế giới cũng nhấn mạnh tất cả các sản phẩm thuốc lá đều gây hại đối với sức khỏe và đưa ra tuyên bố vào ngày 27 tháng 7 năm 2020: Việc tuyên truyền thuốc lá nung nóng ít hóa chất độc hại hơn so với thuốc lá truyền thống sẽ gây hiểu nhầm cho người sử dụng về tác hại của thuốc lá nung nóng. WHO kêu gọi các quốc gia thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá trong Công ước khung FCTC thay vì sử dụng các sản phẩm được gọi là ít có hại hơn thuốc lá thông thường.
3.2. Thiệt hại về kinh tế
Theo ước tính sợ bộ của Hội Kinh tế Y tế, tổng chi phí quy cho hút thuốc ở Việt Nam năm 2022 lên đến 108,2 nghìn tỷ, tương đương 1,14% GDP. Chi phí y tế trực tiếp chiếm 15,2%, chi phí gián tiếp do bệnh tật chiếm 5,5% và chi phí gián tiếp do tử vong chiếm 79,3% tổng chi phí. Trong khi đó tổng nguồn thu thuế từ thuốc lá năm 2022 là 17,6 nghìn tỷ, chưa bằng 1 phần 5 của chi phí y tế. Đó là chưa kể tới việc người dân mỗi năm phải bỏ ra gần 50 nghìn tỷ để mua thuốc lá. Việc cho phép các sản phẩm thuốc lá mới sẽ chỉ làm trầm trọng thêm gánh nặng kinh tế do thuốc lá gây ra.
Một số quốc gia, chi phí chăm sóc sức khỏe cho một người sử dụng TLĐT cũng đang tăng lên đáng kể, có thể kể đến một số quốc gia điển hình có nền kinh tế phát triển và hệ thống quản lý, kiểm soát thuốc lá chặt chẽ, hiệu quả như:
Tại Mỹ, theo một nghiên cứu của Trường Điều dưỡng UC San Francisco công bố vào ngày 23/5/2022 trên tạp chí Kiểm soát thuốc lá, việc sử dụng TLĐT khiến Hoa Kỳ tốn 15 tỷ USD hàng năm cho chi phí chăm sóc sức khỏe - hơn 2.000 USD mỗi người một năm[65]. Đây là nghiên cứu đầu tiên xem xét chi phí chăm sóc sức khỏe của việc sử dụng TLĐT ở người lớn từ 18 tuổi trở lên. Các nhà nghiên cứu dựa trên ước tính của họ về chi phí chăm sóc sức khỏe và việc sử dụng dữ liệu từ Khảo sát phỏng vấn sức khỏe quốc gia năm 2015-2018 cho biết chi phí chăm sóc sức khỏe của một người sử dụng TLĐT cao hơn 2.024 USD mỗi năm so với một người không sử dụng bất kỳ sản phẩm thuốc lá nào. Việc sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe bao gồm chi phí nằm viện, cấp cứu, khám bác sĩ tại bệnh viện và nhân viên y tế đến nhà chăm sóc.
Tại Úc, các nhà nghiên cứu của QIMR Berghofer công bố trên Tạp chí Y tế Úc, cảnh báo rằng tỷ lệ sử dụng TLĐT ngày càng tăng, có thể khiến hệ thống y tế Úc phải trả tới 180 triệu USD mỗi năm để điều trị ngày càng nhiều người mắc các bệnh về đường hô hấp, bệnh tim mạch và ung thư.[66] Khoản tiền này cộng thêm vào chi phí chăm sóc sức khỏe hiện tại của 25 bệnh liên quan đến hút thuốc ước tính trị giá 2,6 tỷ USD mỗi năm.
4. Sự cần thiết phải quy định cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo, sử dụng TLĐT, TLNN và các sản phẩm thuốc lá mới khác để bảo vệ sức khỏe cộng đồng
a) Về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước
- Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành trung ương tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành trung ương Đảng Khoá XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới đã đưa ra quan điểm: “Sức khoẻ là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các ngành, trong đó ngành Y tế là nòng cốt.”.
Tại mục 2.III Nghị quyết yêu cầu “Tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống và cai nghiện ma tuý. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm tiêu thụ rượu, bia, thuốc lá”.
- Luật PCTHTL được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2012 và có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2013.
Tại Khoản 1 Điều 9 Luật PCTHTL quy định nghiêm cấm hành vi “Sản xuất, mua bán, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá giả, sản phẩm được thiết kế có hình thức hoặc kiểu dáng như bao, gói hoặc điếu thuốc lá; mua bán, tàng trữ, vận chuyển nguyên liệu thuốc lá, thuốc lá nhập lậu”.
- Ngày 25/1/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 229/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược Quốc gia về Phòng chống tác hại của thuốc lá. Gần đây nhất, ngày 24/5/2023, Thủ tướng Chính phủ lại tiếp tục ban hành Quyết định số 568/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030. Tại Mục 1.I. Điều 1 quy định mục tiêu đầu tiên là “Giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong cộng đồng là mục tiêu quan trọng trong việc giảm các yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe, giảm tỷ lệ tử vong do sử dụng các sản phẩm thuốc lá gây ra, thực hiện các cam kết của Việt Nam khi tham gia Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá và cam kết về phát triển bền vững đến năm 2030”.
Mục tiêu cụ thể trong Chiến lược giai đoạn 2023-2025 là “Ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm TLĐT, TLNN, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng”, Giai đoạn 2026 - 2030 “Tiếp tục ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm TLĐT, TLNN, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng”.
Điểm c.1.III về nhiệm vụ, giải pháp quy định “Đề xuất ban hành quy định về ngăn ngừa các sản phẩm TLĐT, TLNN, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng”. “Tiếp tục bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật về cấm quảng cáo, khuyến mại các sản phẩm thuốc lá, trong đó có các hình thức quảng cáo, khuyến mại trực tuyến trên nền tảng kỹ thuật số, mạng internet”;
Do tác hại nghiêm trọng của các sản phẩm thuốc lá mới tới sức khoẻ, đặc biệt là thế hệ trẻ, nên nếu chúng ta không quyết liệt ngăn chặn các sản phẩm thuốc lá mới này tại Việt Nam trước khi quá muộn thì thế hệ trẻ của chúng ta sẽ phải gánh chịu hậu quả rất lớn, đặc biệt đặc biệt việc cho phép sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng sẽ làm gia tăng tình trạng sử dụng ma tuý, rất khó kiểm soát, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, trật tự an toàn xã hội.
Trên Thế giới đã có 42 nước cấm. Trong khu vực ASEAN đã có 5 quốc gia cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei,Campuchia.
Trên quan điểm lấy lợi ích sức khỏe của người dân là trên hết, đặc biệt ngăn ngừa thế hệ trẻ phụ thuộc vào sản phẩm gây nghiện, cần sớm ban hành quy định để cấm cấm sản xuất, kinh doanh, lưu hành, quảng cáo, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trước khi quá muộn.
Đề xuất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo, sử dụng TLĐT, TLNN chính là là ưu tiên cho việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là bảo vệ thế hệ trẻ, phù hợp với quan điểm chính sách của nhà nước ta là từng bước giảm nguồn cấp thuốc lá, giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá.
[1] Theo Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại 34 tỉnh, thành phố năm 2020 của Bộ Y tế (PGATS)
[2] Theo Báo cáo Khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam của Tổ chức Y tế thế giới (WHO)
[3], Điều tra về sử dụng thuốc lá mới ở nhóm học sinh THCS và THPT ở 11 tỉnh thành.
[4] Theo điều tra GYTS 2022.
[5] Điều tra ở 11 tỉnh thành.
[6] Breland A, Soule E, Lopez A, Romôa C, El-Hellani A, Eissenberg T. Electronic cigarettes: what are they and what do they do? Ann NY Acad Sci. 2017;1394(1): 5–30.
[7] Đại học John Hopskins, 2021: https://hub.jhu.edu/2021/10/07/vaping-unknown-chemicals/
[8] https://www.who.int/publications/i/item/WHO-HEP-HPR-2020.2
[9]O’Connor R. Heated tobacco products. In: WHO study group on tobacco product regulation.Report on the scientific basis of tobacco product regulation: seventh report of a WHO studygroup. Geneva: World Health Organization; 2019:3–29 https://apps.who.int/iris/bitstream/handle/10665/329445/9789241210249-eng.pdf?ua=1).
[10] https://www.cdc.gov/tobacco/basic_information/heated-tobacco-products/index.html#what-are-htp
[11] Greenhalgh EM, Scollo MM, Winstanley MH. (2023). Tobacco in Australia: Facts and issues. (Internet). Melbourne, Cancer Council Victoria. Available at: www.TobaccoInAustralia.org.au
[13] Hong Kong Department of Health. E-cigarette – for healthcare professionals. Factsheet, Tobacco and Alcohol Control Office (TACO), Department of Health, Hong Kong. Available at: https://www.livetobaccofree.hk/pdfs/factsheet_ec_en.pdf
[14]https://www.who.int/fctc/cop/cop7/FCTC_COP_7_11_EN.pdf
[15] Krishnan-Sarin S, O’Malley SS, Green BG, Jordt S-E. The science of flavour in tobacco products. In: Report on the scientific basis of tobacco product regulation: Seventh report of the WHO study group on tobacco product regulation. Geneva: World Health Organization; 2019:125–142.
[16] Mishra VK, Kim K-H, Samaddar P, Kumar S, Aggarwal M, Chacko KJEER. Review on metallic components released due to the use of electronic cigarettes. 2017;22(2):131-140
[17] Southeast Asia Tobacco Control Alliance ngày 22/12/2023 về việc Ủng hộ chính sách cấm lưu hành TLĐT, TLNN và shisha.
[18]Theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức Kiểm soát thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA) về tác hại của thuốc lá điện tử, bà Tan Yen Liam - Giám đốc Thông tin và Quản trị tri thức SEATCA.
[19] Kuga K., Ito K., Chen W., Wang P., Kumagai K. A numerical investigation of the potential effects of e-cigarette smoking on local tissue dosimetry and the deterioration of indoor air quality. Indoor Air. 2020
[20] Guidelines for implementation of Article 8: protection from exposure to tobacco smoke. World Health Organization Framework Convention on Tobacco Control. Geneva: World Health Organization; 2007.
[21] Borgini A, Veronese C, De Marco C, Boffi R, Tittarelli A, Bertoldi M et al. Particulate matter in aerosols produced by two last generation electronic cigarettes: a comparison in a real-world environment. Pulmonology. 2021
[22] Exposure to aerosols from smoking-proxy electronic inhaling systems: a systematic review. Barcelona: Tobacco Control Unit, Institut Català d’Oncologia; 2016.
[23] Strombotne K, Buckell J, Sindelar JL. 2021. Do JUUL and e-cigarette flavours change risk perceptions of adolescents? Evidence from a national survey. Tob. Control 30:199–205
[24] World Health Organization. (2018). Heated tobacco products (HTPs) [information sheet], May 2018.
[25] US Centers for Disease Control and Prevention. (2020). Outbreak of Lung Injury Associated with the Use of E-Cigarette, or Vaping, Products (25 February 2020). Available at: https://www.cdc.gov/tobacco/basic_information/e-cigarettes/severe-lung-disease.html
[26] Nair N, Hurley M, Gates S, et al. (2020). Life-threatening hypersensitivity pneumonitis secondary to e-cigarettes. Arch Dis Child;105:1114-1116. Available at: http://dx.doi.org/10.1136/archdischild-2019-317889.
[27] Muhammad Y. (20220 là 2020 hay 2022?. New evidence shows vaping causes lung injuries, say health experts. The Sun, 29 July 2022. Available at: https://www.thesundaily.my/home/new-evidence-shows-vaping-causes-lung-injuries-say-health-experts-DF9513162
[28] Marlière C, De Greef J, Gohy S, et al. (2020). Fatal e-cigarette or vaping associated lung injury (EVALI): a first case report in Europe. Eur Respir J 56 (1) 2000077; DOI: 10.1183/13993003.00077-2020
[29] Payne D, Michaels D, Orellana-Barrios M, and Nugent K. (2017). Electronic cigarette toxicity. Journal of Primary Care & Community Health 2017, Vol. 8(2): 100-102. DOI: 10.1177/2150131916668645
[30] Vardavas CI, Girvalaki C, Filippidis FT, et al. (2017). Characteristics and outcomes of e-cigarette exposure incidents reported to 10 European poison centers: a retrospective data analysis. Tob Induc Dis 15:36. DOI 10.1186/s12971-017-0141-z
[31] Sulastri S, Leong Y H, Adilah M A. (2022). Nicotine poisoning trend after emerging of e-cigarette products in Malaysia. Abstract article. National Poison Center, University Sains Malaysia, Penang, Malaysia.
[32] Payne D, Michaels D, Orellana-Barrios M, and Nugent K. (2017). Electronic cigarette toxicity. J Prim Care Community Health 2017;8(2):100-102. doi: 10.1177/2150131916668645
[33] Mundell E. (2023). Steady Rise in Vape Product Poisonings Among Kids Under 5. US News, 22 June 2023. Available at: https://www.usnews.com/news/health-news/articles/2023-06-22/steady-rise-in-vape-product-poisonings-among-kids-under-5
[34] Hansen J. (2022). Vape poisonings in kids, infants rise by 300 per cent. The Daily Telegraph, 17 December 2022. Available at: https://www.dailytelegraph.com.au/news/nsw/vape-poisonings-in-kids-infants-rise-by-300-per-cent/news-story/17891d1e429890a7d02e1c42e4fe4b6f
[35] McFaull SR, Do MT, Champagne A, and Bang F. (2020). Injuries and poisonings associated with e-cigarettes and vaping substances, electronic Canadian Hospitals Injury Reporting and Prevention Program, 2011–2019. Health Promot Chronic Dis Prev Can 2020;40(7/8) doi: 10.24095/hpcdp.40.7/8.05
[36] Vardavas CI, Girvalaki C, Filippidis FT, et al. (2017). Characteristics and outcomes of e-cigarette exposure incidents reported to 10 European poison centers: a retrospective data analysis. Tob Induc Dis 2017;15:36. doi: 10.1186/s12971-017-0141-z
[37] Tính đến ngày 23/4/2024 từ nguồn báo cáo của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gửi về Cục QLKCB, Bộ Y tế
[38] McKenna Jr., LA. (2017). Electronic cigarette fires and explosions in the United States 2009–2016. Research Group, National Data Fire Center, United States Fire Administration, U.S. Department of Homeland Security.
[39] Kaplan S. (2019). E-cigarette exploded in a teenager’s mouth, damaging his jaw. The New York Times, 19 June.
[40] Rossheim ME, Livingston MD, Soule EK, et al. (2019). Electronic cigarette explosion and burn injuries, US Emergency Departments 2015–2017. Tob Control 28:472-474
[41] Katie W.Russell, Micah G. Katz, Ryan C. Phillips, Lorraine I. Kelley-Quon, et.al. (2022). Adolescent Vaping-Associated Trauma in the Western United States. Journal of surgical research, Volume 276, P251-256, 1 August 2022.
[42] Brodwin E. (2018). A vape pen killed a 38-year-old man — and it's a type of e-cig that's wildly popular among one group of vapers. Business Insider, 17 May.
[43] Beasley Allen Law Firm. (2019). E-cigarette explosion kills Texas man. Published February 5, 2019.
[44] US Department of Health and Human Services. E-cigarette use among youth and young adults: a report of the Surgeon General. 2016.
[45] U.S. Department of Health and Human Services. E-Cigarette Use Among Youth and Young Adults: A report of the Surgeon General. 2016
[46] Berry KM, Fetterman JL, Benjamin EJ, Bhatnagar A, Barrington-Trimis JL, Leventhal AM et al. Association of electronic cigarette use with subsequent initiation of tobacco cigarettes in US youths. JAMA Open Network. 2019;2(2):e187794
[47] Owotomo O, Stritzel H, McCabe SE, Boyd CJ, Maslowsky J. Smoking Intention and Progression From E-Cigarette Use to Cigarette Smoking. Pediatrics. 2020 Dec;146(6):e2020002881.
[48] Kasza KA, Ambrose BK, Conway KP, et al. (2017). Tobacco-product use by adults and youths in the United States in 2013 and 2014.N Engl J Med. 2017 January 26; 376(4): 342–353. doi:10.1056/NEJMsa1607538.
[49] Sweet L, Brasky TM, Cooper S, et al. (2019). Quitting behaviors among dual cigarette and e-cigarette users and cigarette smokers enrolled in the Tobacco User Adult Cohort. Nicotine & Tobacco Research, 2019, 278–284 doi:10.1093/ntr/nty222.
[51] Madeline Ratcliffe. (2022). Vaping popularity rising among teenagers in England as cigarette use declines, skynews. Available at: https://news.sky.com/story/vaping-popularity-rising-among-teenagers-in-england-as-cigarette-use-declines-12691206
[53] Prevalence of Cannabis Use in Electronic Cigarettes Among US Youth. JAMA Pediatr, 172(11), 1097–1099)
[54] WHO, Báo cáo về Đại dịch thuốc lá toàn cầu năm 2019
[55] https://www.cdc.gov/pcd/issues/2017/pdf/16_0600.pdf
[56] WHO (2020). WHO’s brief to the Ministry of Health of Vietnam on novel and emerging nicotine and tobacco products
[57] WHO (2019). Report on the Global Tobacco Epidemic
[58] WHO(2020). Heated Tobacco Products, Information Sheet.
[59] WHO (2020). WHO’s brief to the Ministry of Health of Vietnam on novel and emerging nicotine and tobacco products.
[60] WHO (2019). Report on the Global Tobacco Epidemic
[63] Glantz, SA, Nguyen N & da Silva ALO. ‘Population-Based Disease Odds for E-Cigarettes and Dual Use versus Cigarettes’. NEJM Evid 2024;3(3), published 24 February 2024.
[64] FDA News Release (7/2020). FDA authorizes marketing of IQOS tobacco heating system with “Reduce exposure” information.
[65] https://www.ucsf.edu/news/2022/05/422891/e-cigarette-use-costs-us-15b-year-reports-ucsf-first-study-its-kind
[66] https://www.qimrberghofer.edu.au/news/australian-first-research-reveals-the-high-cost-of-vaping/
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội