Sáng nay, ngày 13/5 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội tổ chức giám sát định kỳ về công tác phòng dại trên địa huyện Sóc Sơn.
Trên địa bàn huyện Sóc Sơn năm 2024 không ghi nhận trường hợp tử vong do bệnh dại tuy nhiên đã ghi nhận 08 ổ dịch dại trên đàn chó gồm xã Minh Trí (01), Hồng Kỳ (01), Đức Hòa (01), Hiền Ninh (02), Thanh Xuân (01), Minh Phú (01) Bắc Sơn (01). Tính đến tháng 12/2024, có 2025 người bị phơi nhiễm được tiêm phòng đầy đủ.
Theo Kế hoạch số 401/KH-UBND ngày 31/12/2024 của UBND Thành phố về công tác phòng chống dịch thành phố Hà Nội năm 2025, Kế hoạch số 296/KH-SYT ngày 21/01/2025 của Sở Y tế Hà Nội về Phòng, chống bệnh Dại trên người tại Hà Nội năm 2025. Để chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn, UBND huyện Sóc Sơn xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh Dại trên người tại huyện Sóc Sơn năm 2025 với mục tiêu kiểm soát, phòng ngừa bệnh dại trên người, phấn đấu không có người tử vong do bệnh dại, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn. Đồng thời luôn duy trì hoạt động hệ thống đồng bộ: 100% đơn vị xây dựng kế hoạch hoạt động, 100% các đơn vị thực hiện phối hợp liên ngành Y tế - Thú y trong phòng chống bệnh dại theo quy định…

Các hộ dân được cấp giấy chứng nhận tiêm phòng dại.
Thực tế giám sát tại xã Hiền Ninh công tác phòng bệnh dại đã được trạm y tế tham mưa UBND xã xây dựng kế hoạch hoạt động phòng, chống bệnh dại năm 2025 trên địa bàn để kiểm soát, phòng ngừa bệnh dại trên người, giảm số bệnh nhân tử vong do dại, phấn đấu đến năm 2030 không còn người tử vong do bệnh dại, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn.
Trạm y tế xã phối hợp ban Thú y xã trong hoạt động phòng chống bệnh dại theo quy định. Nâng cao năng lực hoạt động giám sát, điều tra, xử lý ca bệnh/ ổ dịch bệnh dại. Khống chế không có trường hợp tử vong do bệnh dại trên địa bàn xãnăm 2025. 100% ca bệnh dại lâm sàng, ổ dịch dại trên địa bàn được phối hợp điều tra, xử lý trong vòng 48 giờ. 100% các trường hợp tiêm vắc xin phòng bệnh dại do động vật cắn,cào, liếm,... được báo cáo qua Hệ thống thông tin tiêm chủng Quốc gia năm 2025. Nâng cao chất lượng hoạt động điều trị dự phòng bệnh dại sau phơi nhiễm trong năm 2025. Tỷ lệ người phơi nhiễm với bệnh dại được xử lý vết thương trước khi tới cơ sở điều trị dự phòng đạt trên 90%. Tỷ lệ người phơi nhiễm với bệnh dại được điều trị dự phòng đầy đủ trên 90%.
Tăng cường công tác tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh xã về bệnh dại và cách phòng, chống bệnh dại ở động vật và ở người ít nhất 2 lần/tháng. Tăng cường công tác tuyên truyền lồng nghép về các biện pháp phòng, chống bệnh dại vào các buổi nói chuyện truyền thông tại cụm dân cư và tại các trường học. Tổ chức truyền thông vào Ngày Thế giới phòng, chống bệnh dại 28/9 với hình thức: Treo băng rôn, khẩu hiệu, phát tờ rơi, tuyên truyền lưu động.... Truyền thông cho các đối tượng có nguy cơ cao như: cán bộ thú y, người giết mổ, chế biến, kinh doanh thịt chó, mèo trên địa bàn huyện đi tiêm phòng vắc xin định kỳ hàng năm để phòng bệnh dại.
Phối hợp cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về kỹ năng tư vấn về tiêm phòng dại và xử lý vết thương khi bị chó, mèo nghi dại cắn theo quyết định số 1622/QĐ-BYT ngày 08/5/2014 về “Hướng dẫn giám sát, phòng chống bệnh dại trên người” cho nhân viên y tế huyện, xã, y tế khối cơ quan xí nghiệp và trường học. Kỹ năng truyền thông phòng, chống bệnh dại cho ban chỉ đạo phòng chống dịch, nhân viên y tế, cán bộ thôn xóm, cộng tác viên và các đối tượng nguy cơ cao (người nuôi chó, mèo, người giết mổ, chế biến, kinh doanh thịt chó, mèo).
Chị Trần Thị Phấn (thôn Yên Ninh, Hiền Ninh) cho biết: “Gia đình tôi lúc nào nuôi khoảng 3 con chó nhưng luôn tuân thủ tiên phòng định kỳ theo lịch của bên Thú y, bản thân tôi rất sợ nếu chẳng may bị chó dại cắn, nên để an toàn cho bản thân và gia đình tôi luôn tiêm phòng dại cho chó nhà đầy đủ”.
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút dại gây ra, thường tác động lên hệ thần kinh. Người bị mắc bệnh dại do bị lây truyền vi rút dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại trên da bị tổn thương (thường là chó, mèo). Người đã bị bệnh dại gần như tử vong 100%. Trên thế giới hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh dại nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được.
Để phòng chủ động phòng chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Cách phòng bệnh tốt nhất là phải tiêm phòng cho 100% chó, mèo nuôi đầy đủ và nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.
2. Nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.
3. Diệt chó chạy rông, chó vô chủ.
4. Không nên đùa nghịch, chọc phá các con vật nuôi.
5. Khi bị chó, mèo cắn cần:
- Rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút. Nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại.
- Vết thương cần được rửa sạch với cồn 70%, cồn iod hoặc povidone-iodine (nếu có).
- Hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.
- Đến ngay Trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.
- Tuyệt đối không tự chữa hoặc điều trị bệnh dại bằng đông y.
|
Việt Nga