Các chuyên gia y tế khuyến cáo nên sinh con trước 35 tuổi để giảm rủi ro cho cả mẹ và bé
Trong bối cảnh xã hội hiện đại, ngày càng nhiều người lựa chọn kết hôn và sinh con muộn với nhiều lý do như phát triển sự nghiệp, ổn định tài chính hoặc chưa sẵn sàng về tâm lý. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khuyến cáo việc trì hoãn sinh con sau tuổi 35 có thể làm tăng đáng kể nguy cơ gặp phải các biến chứng trong thai kỳ và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của cả mẹ lẫn bé.

Công tác tuyên truyền nâng cao chất lượng dân số luôn được đẩy mạnh.
Chi cục trưởng Chi cục Dân số, Trẻ em và Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội TS Vũ Duy Hưng cho biết: Công tác dân số và phát triển của Thủ đô Hà Nội đến nay đã đạt được nhiều kết quả nổi bật như tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên tiếp tục giảm, còn 6,3 % trong 6 tháng đầu năm 2025. Các chỉ tiêu về nâng cao chất lượng dân số, như: Sàng lọc trước sinh đạt 87,5%; sàng lọc sơ sinh đạt 90,4%; tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân đạt 82%... đều đạt và vượt kế hoạch, tăng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, Hà Nội hiện vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức như mức sinh thay thế chưa thực sự bền vững; tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh dù có xu hướng giảm nhưng 6 tháng đầu năm vẫn cao hơn mức tự nhiên (111,3 bé trai/100 bé gái); già hóa dân số đang diễn ra nhanh...
Theo khuyến cáo, mức sinh thay thế đảm bảo khi đạt 2,1 con/ phụ nữ thế nhưng mức sinh thay thế tại Hà Nội hiện là 2,01 con/phụ nữ - gần mức cân bằng, nhưng đang có dấu hiệu sụt giảm không bền vững. Điển hình tại phường Giảng Võ, mức sinh thay thế trên địa bàn giảm còn 1,0 con/ phụ nữ. Trưởng Trạm y tế phường Giảng Võ Nguyễn Thanh Hiếu cho biết: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến mức sinh thay thế giảm như hiện nay có nhiều xu hướng đó là người ta chỉ muốn gây dựng được công việc ổn định có mức sống thu nhập cao để khẳng định bản thân và trì hoãn việc kết hôn, nhiều bạn để làm đẹp lòng gia đình vẫn kết hôn nhưng trì hoãn sinh con. Việc kết hôn muộn không chỉ ảnh hưởng đến cấu trúc dân số mà còn tiềm ẩn nguy cơ với sức khỏe sinh sản. Phường Giảng Võ đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền tập trung các nội dung về mất cân bằng giới tính khi sinh, già hóa dân số, sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, sức khỏe sinh sản/KHHGĐ, không kết hôn muộn và không sinh con muộn nhằm đảm bảo cân bằng cơ cấu dân số, giảm áp lực tài chính và chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ khi sinh con muộn...”.

Công tác tuyên truyền không kết hôn muộn và không sinh con muộn được đẩy mạnh.
Xu hướng ngại kết hôn, kết hôn muộn đang dần trở nên phổ biến trong giới trẻ, nhất là tại các thành phố lớn. Hoặc nhiều cặp vợ chồng lười sinh con do áp lực về cuộc sống, kinh tế, chi phí sinh hoạt, nuôi dạy con càng tăng nên không muốn sinh nhiều... Từ đó dẫn đến nguy cơ mức sinh thấp làm lực lượng lao động thiếu hụt, tăng tốc độ già hóa dân số, gia tăng quỹ phúc lợi xã hội cho người già, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi...
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Thị Mai, khoa Phụ sản, Bệnh viện đa khoa Vân Đình: “Nên sinh con trước 35 tuổi để giảm rủi ro cho cả mẹ và bé. Theo các nghiên cứu thì khi mẹ sinh con nhiều tuổi sẽ ảnh hưởng nhất định đến tuổi mẹ và sức khỏe em bé. Vì các nghiên cứu chỉ ra rằng dị tật của thai sẽ tăng cùng tuổi mẹ. Khi tuổi của thai phụ càng lớn, các nguy cơ gặp phải trong thai kỳ cũng tăng theo. Phụ nữ từ sau tuổi 35 có thể phải đối mặt với nhiều nguy cơ hơn nếu mang thai như khó đậu thai hoặc nếu thụ tinh trong ống nghiệm có thể gặp phải tình trạng mang đa thai (mang từ 2 thai trở lên). Điều này có thể khiến cân nặng của bé thấp, sinh non hoặc sinh khó; hoặc thai chết lưu hoặc sẩy thai, dễ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ, từ đó có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe cho cả mẹ và bé. Bên cạnh đó, phụ nữ lớn tuổi thường không đủ sức để sinh thường mà phải sinh mổ hoặc bị tiền sản giật, dễ mắc phải tình trạng rau tiền đạo (placenta praevia), hiện tượng này có thể gây chảy máu và cần phải được điều trị bằng thuốc. Ngoài ảnh hưởng đến sức khỏe của bà mẹ và quá trình mang thai, em bé sinh ra từ những bà mẹ mang thai khi đã mãn kinh có thể gặp những biến chứng nguy hiểm như sinh non hoặc nhẹ cân, nguy cơ mắc phải các dị tật bẩm sinh như hội chứng down, dị tật cơ xương hoặc các bệnh liên quan đến phổi hoặc tim mạch. Tỷ lệ mắc dị tật bẩm sinh ở những trường hợp này thường rất cao, vì vậy các mẹ cần tiến hành các biện pháp chẩn đoán sàng lọc trước sinh để phát hiện dị tật bẩm sinh ở trẻ và xem xét liệu mình có nên giữ lại thai hay không; trẻ dễ bị chậm phát triển hoặc gặp các vấn đề về nhận thức... Do đó, độ tuổi kết hôn và sinh con hợp lý nhất là trước 35 tuổi”.

Phụ nữ lớn tuổi muốn có thai, sinh đẻ thì cần phải được các bác sĩ chuyên khoa theo dõi, giám sát chặt chẽ.
Bác sĩ Nguyễn Thị Mai cũng khuyến cáo, phụ nữ lớn tuổi muốn có thai, sinh đẻ thì cần phải được các bác sĩ chuyên khoa theo dõi, giám sát chặt chẽ. Thai phụ sẽ được khám, xét nghiệm tiền sản theo định kỳ như theo dõi lâm sàng, xét nghiệm glucose sàng lọc bệnh tiểu đường thai kỳ, xét nghiệm sàng lọc sinh hóa, sàng lọc bất thường nhiễm sắc thể không xâm lấn (NIPT), sinh thiết gai nhau (CVS), xét nghiệm dịch ối sớm để loại trừ hội chứng down và các bất thường di truyền khác… Đồng thời, nếu có thai cần siêu âm định kỳ để theo dõi sự tăng trưởng của em bé...
Để đẩy mạnh các hoạt động nâng cao chất lượng dân số, TS Vũ Duy Hưng cho biết, thực hiện kế hoạch của UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 30/KH-UBND, ngày 31/1/2025, về thực hiện chương trình điều chỉnh mức sinh đến năm 2030 trên địa bàn thành phố, mục tiêu chung là duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên toàn thành phố; mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tổng tỷ suất sinh toàn thành phố đạt mức 2,1 con/phụ nữ, Hà Nội tăng cường triển khai tổ chức các hoạt động truyền thông cung cấp thông tin về hệ lụy của vấn đề mức sinh thấp; truyền thông nâng cao nhận thức, vận động các cặp vợ chồng không sinh con muộn, sinh đủ 2 con trước tuổi 35; tuyên truyền, vận động nam nữ thanh niên không kết hôn muộn, kết hôn trước tuổi 30; các hoạt động truyền thông vận động về giới và mất cân bằng giới tính khi sinh cũng được đẩy mạnh tại cộng đồngtrên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhấn mạnh về hệ lụy, tập trung đối tượng thanh niên, nam nữ chuẩn bị kết hôn, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ; tăng cường các hoạt động tầm soát, chẩn đoán sàng lọc trước sinh và sơ sinh; tuyên truyền kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản; đẩy mạnh các hoạt động nâng cao tầm vóc, thể lực thanh niên Thủ đô; tăng tỷ lệ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước kết hôn; đẩy mạnh tuyên truyền vận động, lồng ghép các nội dung truyền thông về dân số phù hợp đặc thù của từng ban, ngành, đoàn thể góp phần tạo đồng thuận trong thực hiện chính sách dân số, chuyển trọng tâm từ dân số - kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển…
Thắng Đạt