“Với những bệnh nhân đến sớm trước 3 - 4,5 giờ, các can thiệp giúp người bệnh khỏi hoàn toàn rất cao. Nhưng thực tế, chỉ khoảng 5% người bệnh đến sớm. Các trường hợp còn lại nhập viện trong tình trạng rất nặng nề ở các giờ tiếp theo, do người dân không có thói quen đi cấp cứu khi có dấu hiệu ban đầu. Bởi khi mới đột quỵ biểu hiện nhẹ nên người bệnh chủ quan chờ xem có hồi phục không hoặc dùng thuốc theo tuyên truyền. Đến khi nặng lên, đưa đến viện đã qua giai đoạn tối ưu để điều trị”, PGS Tôn chia sẻ.
Vì vậy, khi một bệnh nhân nghi ngờ có dấu hiệu đột quỵ, người chứng kiến cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có chuyên sâu có khả năng điều trị đột quỵ nhanh nhất. PGS Tôn khuyến cáo, hãy kiểm tra, quan sát để phát hiện 3 dấu hiệu cho thấy bệnh nhân đột quỵ như sau: yêu cầu bệnh nhân nói, lặp lại một cụ từ đơn giản, nếu bệnh nhân nói không lưu loát, đó là dấu hiệu bất thường; quan sát xem miệng bệnh nhân có bị mất cân đối, hoặc xệ một bên miệng hay không; yêu cầu bệnh nhân giơ đều hay tay lên cao, nếu bên nào yếu hơn, hoặc rơi xuống trước cho thấy có bất thường. Nếu cùng lúc có 3 dấu hiệu này cho thấy bệnh nhân có nguy cơ đột quỵ rất cao, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có khả năng điều trị đột quỵ nhanh nhất.
Cũng theo PGS.TS Mai Duy Tôn, trước đây đột quỵ thường xảy ra ở người lớn tuổi. Tuy nhiên hiện nay, tỉ lệ bệnh nhân đột quỵ không còn phụ thuộc vào lứa tuổi, có rất nhiều người trẻ bị đột quỵ. Ở người trẻ, bị đột quỵ do chảy máu não nhiều hơn so với người già vì người trẻ có yếu tố nguy cơ tăng huyết áp nhưng chủ quan không điều trị, không được kiểm soát bệnh tăng huyết áp. Ngoài ra, người trẻ trước đó có các bất thường dị dạng mạch máu não, túi phình mạch máu não vỡ gây xuất huyết não.
Lam Dương