Chiến dịch sẽ được triển khai đồng loạt từ cuối tháng 11 và đầu tháng 12/2018 tại 584 xã, phường, thị trấn thuộc 30 quận, huyện, thị xã. Đợt 1, các xã phường sẽ tiêm tại các trường mầm non, mẫu giáo công và tư thục đóng trên địa bàn các xã phường cho các trẻ đi học. Khi tiêm hết đối tượng đi học sẽ tiêm tại trạm y tế cho các trẻ chưa đi học. Đối tượng tham gia tiêm lần này là toàn bộ trẻ từ 1 đến 5 tuổi sống trên địa bàn Hà Nội (mốc sinh từ 01/01/2013 đến 30/09/2017), trừ những trẻ đã tiêm vắc xin sởi hoặc sởi - rubella, sởi - quai bị - rubella và thủy đậu trong vòng một tháng tính đến ngày tổ chức chiến dịch tiêm.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội là đơn vị thường trực, tổ chức thực hiện toàn bộ công tác tiêm chủng, hướng dẫn Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã thực hiện kế hoạch tiêm chủng; kiểm tra giám sát công tác điều tra, rà soát đối tượng và tổ chức tiêm vắc xin phòng sởi -rubella; chuẩn bị đủ các trang thiết bị, vật tư, vắc xin cho công tác tiêm chủng phòng chống dịch sởi; Đồng thời, phân công cán bộ phụ trách từng quận, huyện, thị xã để theo dõi, giám sát và hỗ trợ kỹ thuật trước, trong và sau thời gian triển khai chiến dịch, thống kê báo cáo một cách đầy đủ và kịp thời. Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn về nội dung, cách thức tổ chức, giám sát chiến dịch cho 100% cán bộ tham gia công tác chỉ đạo, giám sát chiến dịch. Tập huấn về xây dựng kế hoạch, điều tra đối tượng, bảo quản, sử dụng vắc xin, tiêm chủng an toàn, phòng chống sốc phản vệ, giám sát phản ứng sau tiêm chủng, thống kê báo cáo cho cán bộ, nhân viên y tế tuyến quận, huyện, thị xã.
PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội chủ trì hội nghị
Song song với các hoạt động chuyên môn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội tích cực tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại cộng đồng về tình hình dịch bệnh sởi cũng như việc tăng cường công tác tiêm chủng để phòng chống dịch. Hướng dẫn các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã tổ chức hoạt động truyền thông về chiến dịch tiêm chủng bổ sung vắc xin sởi-rubella cho trẻ từ 1-5 tuổi trên địa bàn.
Các Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã chủ động phối hợp với Phòng Giáo dục tham mưu cho UBND quận, huyện, thị xã trong việc tổ chức triển khai chiến dịch, kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các xã, phường, thị trấn.
Các bệnh viện trong và ngoài công lập có nhiệm vụ thường trực sẵn sàng tham gia xử trí cấp cứu ngoại viện khi có trường hợp phản ứng sau tiêm chủng tại các điểm tiêm chủng trên toàn thành phố (nếu có).
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề nghị các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã hướng dẫn và giám sát các xã, phường, thị trấn tổ chức điều tra, rà soát đối tượng, gửi giấy mời tiêm chủng một cách đầy đủ. Tổ chức rà soát đối tượng tại các hộ gia đình, lập danh sách toàn bộ trẻ từ 1 đển 5 tuổi, đảm bảo 100% trẻ trong độ tuổi được điều tra, từ đó xác định số trẻ cần tiêm bổ sung vắc xin sởi – rubella trong đợt này. Phối hợp với trường Mầm non, Mẫu giáo trên địa bàn lập danh sách toàn bộ trẻ đang đi học trong độ tuổi được tiêm, bố trí các điểm tiêm hợp lý. Đặc biệt, tránh bỏ sót đối tượng tại các trung tâm bảo trợ xã hội, trại trẻ mồ côi, trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật đóng trên địa bàn.
Vắc xin Sởi - rubella do Trung tâm Nghiên cứu, Sản xuất Văcxin và Sinh phẩm Y tế (Polyvac) thuộc Bộ Y tế sản xuất. Việt Nam là một trong 25 quốc gia thế giới và là nước thứ 4 tại Châu Á sản xuất thành công vắc xin MR, sau Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc. Giai đoạn 2014-2016, Việt Nam đã triển khai thành công chiến dịch tiêm vắc xin sởi-tubella cho hơn 23 triệu trẻ em dưới 19 tuổi trên toàn quốc do Ấn độ sản xuất, điều này đã góp phần kiểm soát dịch bệnh sởi, rubella với số ca mắc trong năm 2017 thấp nhất trong 10 năm gần đây. Sau đó, vắc xin này chính thức được đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng, trung bình mỗi năm có khoảng 1,5 triệu trẻ được tiêm miễn phí vắc xin này, đạt tỷ lệ trên 90%. |
Duy Tuân