Bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus African swine fever virus (ASFV) gây ra. Bệnh lây lan nhanh trên tất cả các loại lợn với tỷ lệ chết cao, lên đến 100%. Bệnh lây truyền qua các đàn lợn thông qua việc tiếp xúc với máu, dịch nhầy của lợn bệnh. Trong các năm từ 2017 - 2019, nhiều nước thuộc châu Phi, châu Âu và châu Á đã ghi nhận các vụ dịch bệnh tả lợn châu Phi ở các đàn lợn. Đến ngày 3/3/2019, đã có hơn 20 quốc gia báo cáo có bệnh.
Tại Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, về tình hình và công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, tại Hội trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi (ngày 4/3/2019), từ ngày 1/2-3/3/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 7 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương). Tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con, với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn.
Để phòng chống dịch tả lợn châu Phi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tuyên truyền, vận động người chăn nuôi, buôn bán thực hiện nghiêm túc 5 Không theo quy định của Luật thú y, cụ thể là:
1. Không giấu dịch.
2. Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết.
3. Không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết.
4. Không vứt lợn chết ra môi trường.
5. Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.
Bệnh dịch tả lợn châu Phi, mặc dù là một bệnh bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với các đàn lợn, tỷ lệ chết trên lơn mắc bệnh là 100%, nhưng không có khả năng gây bệnh trên người mà chỉ tác động xấu đến kinh tế của người chăn nuôi. Vì vậy người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang và tẩy chay thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn. Người dân có thể tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh.
BSCKII Khổng Minh Tuấn