Ngành y tế cùng với cả hệ thống chính trị vào cuộc để người dân nhận thức đầy đủ về bệnh lao
Tham dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế; PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao quốc gia; cùng đại biểu đại diện cho Văn phòng Chính phủ, các Bộ, Ban, ngành, đoàn thể Trung ương, UBND, Sở Y tế, Chương trình chống lao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đối tác trong nước và quốc tế.
Phát biểu tại sự kiện, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, với chủ đề của Ngày Thế giới phòng chống lao 24/3/2019 trên thế giới – “It’s time!” -“Đã đến lúc cùng hành động để chấm dứt bệnh lao” - nhấn mạnh vào sự cấp bách trong việc hành động, thực hiện các cam kết của các nhà lãnh đạo toàn cầu nhằm mở rộng quy mô tiếp cận phòng ngừa và điều trị bệnh lao; tiếp tục xây dựng trách nhiệm giải trình; đảm bảo nguồn lực tài chính đầy đủ và bền vững bao gồm cả cho nghiên cứu; chấm dứt sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người bệnh; thúc đẩy hành động nhân quyền, lấy người bệnh làm trung tâm. Đối Việt Nam, chủ đề Ngày Thế giới phòng, chống lao năm nay là “Đã đến lúc cùng hành động để chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030”. Chủ đề muốn nêu rõ định hướng và mục tiêu cụ thể đó là cơ bản chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030, tức là với dân số 100 triệu thì cả nước chỉ còn 1.000 người mắc lao 1 năm.
Việt Nam vẫn nằm trong số 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới, đứng thứ 16 về số người mắc lao cao và đứng thứ 15 gánh nặng lao kháng đa thuốc. Trong đó, 64% bệnh nhân lao thường và 98% bệnh nhân lao kháng thuốc phải chịu gánh nặng chi phí thảm họa. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Vì vậy, lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao quốc gia cho biết, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi chấm dứt căn bệnh lao. Trong 10 năm qua, dựa trên các nghiên cứu điều tra toàn quốc lần 1 năm 2007, lần 2 năm 2017 và các nghiên cứu phụ trợ, bệnh lao ở Việt Nam đã giảm được 31%, trung bình 3,8% một năm. Những năm gần đây tốc độ giảm nhanh hơn, nhất là sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Để Việt Nam thanh toán lao, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung công tác phòng chống lao vào Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm. Bên cạnh đó, trong công tác điều trị bệnh lao, hiện nay các cơ sở y tế đã làm chủ được các kỹ thuật phát hiện, chẩn đoán, điều trị với kết quả cao; đã xây dựng được một hệ thống mạng lưới mạnh từ trung ương đến địa phương. Đây là một kết quả rất đáng mừng nếu so sánh với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.
Cùng với đó, cơ chế tài chính cũng từng bước hình thành cơ bản bảo đảm cho công tác phòng chống và chữa trị bệnh lao từ nguồn ngân sách nhà nước, bảo hiểm y tế, tài trợ quốc tế, Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao… Đến thời điểm này, nguồn kinh phí dành cho hoạt động chống lao ở Việt Nam khoảng 60 triệu USD/năm, và để chữa chị cho 1 bệnh nhân lao chỉ cần chưa đến 10 triệu đồng, trong đó có 2 triệu đồng tiền thuốc.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, mỗi năm có 10 triệu người mới nhiễm bệnh, 1,6 triệu người chết vì bệnh lao. Mặc dù, Việt Nam là quốc gia được thế giới đánh giá hiệu quả trong phòng chống lao, nhưng đến nay vẫn còn 120.000 người mắc lao mới và 12.000 người chết vì bệnh lao, bằng 1,5 lần số người chết vì tai nạn giao thông. Trên thế giới, cứ 100 người nhiễm bệnh lao thì chỉ có 61 người được phát hiện, ở Việt Nam tỷ lệ này cao hơn, cứ 100 người nhiễm bệnh thì có tới 81 người được phát hiện. Việc phát hiện và điều trị sớm bệnh lao vô cùng quan trọng và có tính quyết định.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực và đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ trong phòng chống bệnh lao, đã hình thành một hệ thống phòng chống căn bệnh này với sự tham gia không chỉ của ngành y tế mà sự tham gia của các tổ chức xã hội.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phân tích, thực tế trước đây nhiều người cho rằng, bệnh lao là bệnh lây nhiễm nên thường giấu bệnh. Thậm chí, có những cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức khi có nhân viên bị bệnh lao đã cách ly, hoặc không cho người lao động tiếp tục công việc. Nhưng đến nay, sự phân biệt, e ngại đó đã giảm đi nhiều…
Để thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, trách nhiệm của ngành y tế cùng với cả hệ thống làm sao để người dân nhận thức đầy đủ về bệnh lao. Đây là căn bệnh lây nhiễm nhưng không đáng sợ, thậm chí với tiến bộ của y học ngày hôm nay không còn là “bệnh nan y.” Bản thân người bệnh khi có triệu chứng thì chủ động đi kiểm tra để được phát hiện, điều trị theo đúng lộ trình, phác đồ… để không bị kháng, nhờn thuốc. Đồng thời, củng cố cơ chế tài chính, ứng dụng các kỹ thuật phát hiện, điều trị mới, hình thành các chương trình hỗ trợ người bệnh, huy động sự tham gia của toàn xã hội thông qua các công cụ công nghệ thông tin thực hiện tốt công tác phòng chống lao.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, ngành y tế sẽ nỗ lực hơn nữa trong công tác phòng chống lao, củng cố mạng lưới hệ thống y tế từ Trung ương đến cơ sở để giúp phát hiện và điều trị sớm bệnh lao; sẽ tăng cường phát triển mạnh về số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ tham gia công tác phòng chống lao…
Nhân dịp này, nhằm vận động nhân dân cả nước ủng hộ, giúp đỡ người bị bệnh lao vượt qua bệnh tật, hòa nhập cộng đồng, Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình Chống lao Quốc gia, Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao đã phối hợp với cổng thông tin nhân đạo Quốc gia 1400 mở cổng nhắn tin ủng hộ Quỹ . Thời gian bắt đầu từ 00h00 ngày 10/3 đến 24h00 ngày 9/5/2019.
Duy Tuân