Hoạt động phòng chống sốt rét thuộc Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016 - 2020 trong những năm qua luôn được duy trì từ thành phố đến quận huyện, xã, phường và được ngân sách trung ương cấp miễn phí các loại thuốc sốt rét tới các trạm y tế xã, phường để điều trị cho bệnh nhân nên kết quả phòng chống sốt rét ổn định trong nhiều năm qua. Các hoạt động thường xuyên được duy trì, cấp thuốc sốt rét cho 30 TTYT quận, huyện, thị xã để kịp thời điều trị khi có bệnh nhân sốt rét.
Tuy nhiên, công tác phòng, chống sốt rét trên địa bàn thành phố còn gặp một số khó khăn do mạng lưới chuyên trách sốt rét (cán bộ phụ trách hoạt động sốt rét; kỹ thuật viên xét nghiệm tìm ký sinh trùng sốt rét) không cố định, thường xuyên thay đổi và kiêm nhiệm nhiều hoạt động, chương trình, nên thời gian đầu tư cho hoạt động sốt rét không nhiều, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của chương trình đặc biệt ở các tuyến cơ sở. Ngoài ra, bệnh nhân mắc sốt rét ngoại lai ở Hà Nội chủ yếu từ châu Phi về nên dễ mắc sốt rét có ký sinh trùng Plasmodium falciparum (P.falci) là loại ký sinh trùng hay gây ác tính, kháng thuốc điều trị sốt rét, bệnh nhân dễ có nguy cơ tử vong. Bên cạnh đó, việc quản lý đối tượng có nguy cơ mắc sốt rét là một thách thức không chỉ với Hà Nội mà cả toàn quốc. Do sự chủ quan trong nhận thức của chính quyền địa phương và bản thân cán bộ ngành y tế làm công tác phòng chống sốt rét nên công tác lập kế hoạch cũng như chỉ đạo và điều hành chưa được quan tâm đúng mức.
Để hoạt động loại trừ sốt rét trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2019 đạt hiệu quả cao, CDC Hà Nội sẽ tiếp tục kiểm tra điểm kính sốt rét nhằm điều trị sớm bệnh nhân tại cộng đồng và giám sát tình hình lưu hành dịch. Đồng thời, tập huấn hướng dẫn và chẩn đoán bệnh sốt rét cho khối bệnh viện đa khoa (bác sĩ khoa truyền nhiễm và khám bệnh) trực thuộc Sở Y tế và tập huấn cho 30 TTYT quận, huyện, thị xã về quản lý ca bệnh sốt rét, bao gồm giám sát, chẩn đoán, điều trị, theo dõi bệnh nhân sốt rét.
Duy Tuân