Tham dự buổi lễ có PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội; đồng chí Khổng Minh Tuấn Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố cùng các đồng chí lãnh đạo Sở Y tế, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, lãnh đạo và trưởng khoa các TTYT quận, huyện.
Diễu hành cổ động ngày phòng chống bệnh dại trên địa bàn huyện Hoài Đức
Dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút dại gây nên, 100% bệnh nhân tử vong khi đã lên cơn dại. Bệnh lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu là từ chó và mèo.
Mặc dù đã có nhiều thành công trong nghiên cứu và khống chế bệnh dại nhưng đến nay bệnh dại vẫn là một vấn đề y tế công cộng cần quan tâm trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Theo Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm có 50.000 - 70.000 người tử vong do bệnh dại và trên 10 triệu người phải điều trị dự phòng bằng vắc xin dại.
Tại Việt Nam, bệnh dại đã lưu hành trong nhiều năm và hiện nay số tử vong do dại vẫn ghi nhận ở mức cao với khoảng 100 trường hợp trong một năm. Trước tình hình đó, năm 2005 Chính phủ đã có Nghị định số 05/NĐ-CP về phòng chống bệnh dại ở động vật, năm 2017 Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 31/CT-TTg về tăng cường phòng chống bệnh dại và ngày 13/2/2017 Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 193/QĐ-TTg về phê duyệt “Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017 - 2021” nhưng bệnh dại vẫn là vấn đề thách thức trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Hà Nội là một trong những địa phương đã thực hiện tốt công tác phòng chống bệnh dại, đặc biệt ngày 26/1/2018, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 30/KH-UBND về “Thực hiện chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017 - 2021” . Tuy nhiên, do những nguyên nhân khách quan và chủ quan nên hàng năm tại một số huyện ngoại thành vẫn ghi nhận bệnh nhân tử vong do bệnh dại lên cơn. Theo thống kê, năm 2015 toàn thành phố ghi nhận 1 trường hợp, năm 2016 ghi nhận 2 trường hợp, năm 2017 ghi nhận 2 trường hợp, năm 2018 ghi nhận 3 trường hợp. Qua điều tra dịch tễ, tất cả các trường hợp tử vong đều bị chó cắn mà không được đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại hoặc tiêm muộn. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh dại có nguy cơ gia tăng là do tỷ lệ tiêm phòng cho đàn chó mèo tại một số địa phương còn thấp nên không khống chế được bệnh dại ở chó mèo, người dân còn chủ quan, nhận thức về bệnh dại còn hạn chế dẫn đến khi bị chó mèo cắn không đi khám, tư vấn y tế để được tiêm phòng vắc xin.
Trước ảnh hưởng của bệnh dại tới sức khỏe cộng đồng, lễ mít tinh hưởng ứng ngày ‘‘Thế giới phòng chống bệnh dại” được tổ chức với mục đích đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động cán bộ và người dân huyện Hoài Đức nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung nâng cao nhận thức về phòng, chống bệnh dại.
Tham luận về hoạt động phòng chống bệnh dại trên động vật của đại diện Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Hoài Đức Nguyễn Văn Huy chỉ ra nguyên nhân vẫn còn lưu hành bệnh dại chủ yếu do công tác phòng chống dạicòn nhiều khó khăn, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại trên người và động vật còn thấp. Nhiều trường hợp tử vong vô cùng đáng tiếc do người dân chủ quan không tiêm phòng vắc xin dại khi bị chó mèo bị bệnh cắn hoặc điều trị bằng các biện pháp chưa được phê duyệt. Vì vậy, đẩy mạnh truyền thông và truyền thông hiệu quả là biện pháp cực kỳ quan trọng góp phần giảm những ca tử vong đáng tiếc do dại.
Phát biểu tại lễ mít tinh, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao, để có thể ngăn ngừa và khống chế được bệnh dại cần thực hiện các giải pháp sau: một là, tăng cường sự vào cuộc, chỉ đạo của các cấp chính quyền, nghiêm túc thực hiện Nghị định số 05 của Chính phủ, Quyết định số 193 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 30 của UBND thành phố.
Hai là, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cần tăng cường công tác kiểm soát số lượng đàn chó mèo và loại trừ bệnh dại trên đàn chó mèo nuôi thông qua việc tiêm phòng vắc xin và duy trì tỷ lệ tiêm phòng vắc xin cho chó mèo đạt trên 90% tổng đàn.
Ba là, tăng cường công tác tuyên truyền về phòng chống bệnh dại cho cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống bệnh dại; người dân cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và được tư vấn khi bị chó mèo nghi dại cắn; tuyệt đối không sử dụng thuốc nam.
Bốn là, ngành y tế cần đảm bảo đầy đủ về nhân lực, vắc xin, huyết thanh để đáp ứng cho việc phòng và điều trị cho người dân khi bị súc vật nghi dại cắn.
Để tiến tới mục tiêu loại trừ bệnh dại, đòi hỏi không chỉ nỗ lực của riêng ngành y tế hoặc ngành nông nghiệp mà cần có sự cam kết và sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền các cấp cùng với việc phân bổ nguồn lực thích hợp cho công tác phòng, chống dại cũng như sự tham gia của toàn bộ cộng đồng.
Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại là một cơ hội nhằm tăng cường sự hiểu biết của người dân về phòng chống bệnh dại, tăng cường phối hợp liên ngành và kêu gọi sự hợp tác, cam kết của cộng đồng cũng như các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể cùng tham gia để đẩy lùi căn bệnh này.
Ngay sau đó, 30 đoàn viên và 30 xe máy đã đi diễu hành tuyên truyền phòng chống bệnh dại trên các tuyến đường trên địa bàn huyện Hoài Đức.
D.T (Nguồn Sở Y tế Hà Nội)