Phát biểu cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc 17 ngày qua, Việt Nam chưa có ca nhiễm Covid-19 mới. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và đã lây lan ra 67 quốc gia, vùng lãnh thổ, ở nhiều nước, dịch có tốc độ lây lan cao, tử vong nhanh. Do đó, Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục hành động chống dịch Covid-19 với tinh thần khẩn cấp và kiên quyết, không lơ là song cũng không để sợ hãi ảnh hưởng đến tâm lý người dân, xã hội.
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, tính từ 13/2 đến nay, Việt Nam không ghi nhận trường hợp mắc. Đã loại trừ 1.593 trường hợp nghi ngờ, hiện đang theo dõi, cách ly 115 trường hợp nghi ngờ khác. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 10.089 người, trong đó có 156 người cách ly tập trung tại bênh viện, 4.810 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 5.123 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Trên thế giới, ghi nhận 89.068 trường hợp mắc; 3.046 trường hợp tử vong tại 67 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó các quốc gia có nhiều người mắc nhất gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Italy, Nhật Bản, Iran.
Ban Chỉ đạo thống nhất mức cảnh báo đối với Hàn Quốc, Iran, Italy là quốc gia nằm trong vùng dịch; khuyến cáo người dân hạn chế đi đến các quốc gia này và thực hiện cách ly người nhập cảnh từ các quốc gia này 14 ngày theo quy định.
Về các biện pháp ngăn chặn dịch từ Hàn Quốc, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, đối với người có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiến hành phỏng vấn tại chỗ, đồng thời liên hệ chính quyền cơ sở và gia đình để cùng xác minh các thông tin đã khai báo, tổ chức cách ly tại cộng đồng đối với các trường hợp không phải cách ly y tế bắt buộc. Đối với người có hộ khẩu thường trú tại các địa phương khác sẽ giữ lại tiếp tục cách ly tập trung theo quy định.
Bên cạnh đó, đại diện Bộ Quốc Phòng cũng cho biết, đến nay quân đội đã tiếp nhận 10.398 người, trong đó dừng cách ly khoảng 3.000 người. Quân đội chăm lo chu đáo người bị cách ly, từ ăn ở, mùng màn, chăn gối cũng như các vật dụng cho sinh hoạt thường ngày.
Về sản xuất khẩu trang, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, chúng ta có trên 10 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn và đưa ra thị trường trên 11 triệu khẩu trang. Là một trong số cường quốc dệt may, năng lực sản xuất khẩu trang vải có thể đáp ứng nhu cầu cho 100 triệu dân và làm chủ hoàn toàn công nghệ sản xuất, xử lý kháng khuẩn, kháng nước cho khẩu trang.
Để đánh giá chất lượng khẩu trang, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 giao Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long làm Chủ tịch Hội đồng đánh giá, so sánh hiệu quả của khẩu trang kháng khuẩn do Tập đoàn Dệt may Việt Nam sản xuất với khẩu trang y tế để có khuyến cáo sử dụng phù hợp.
Tại cuộc họp, các chuyên gia y tế và các đại biểu khẳng định, với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, Việt Nam làm rất tốt công tác kiểm soát, ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng, điều trị… Tuy nhiên, dịch bệnh đã xuất hiện tại nhiều quốc gia có quan hệ kinh tế, xã hội sâu rộng với Việt Nam. Do đó, Việt Nam vừa phải tập trung mạnh mẽ vào việc ngăn chặn dịch bệnh, vừa phải tổ chức điều tiết hợp lý số lượng người nhập cảnh để làm tốt việc ngăn ngừa, cách ly, rà soát, phát hiện, khoanh vùng, điều trị, dập tắt dịch bệnh.
Tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho rằng, cần có sách lược mới để ứng phó tình hình mới khi thế giới có thêm các “điểm nóng” về dịch như Hàn Quốc, Italy, Iran. Công tác phòng chống dịch cần chuyển dần sang trạng thái mới, bên cạnh ngăn chặn lây nhiễm từ bên ngoài thì tích cực phòng ngừa lây nhiễm trong cộng đồng, nhất là khâu phát hiện bệnh. Việt Nam phải lường trước, chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống có thể xuất hiện thêm ca nhiễm mới trong thời gian tới. Dù xác định hay không xác định được nguồn lây nhiễm, đều phải nhanh chóng cách ly, điều trị kịp thời, khoanh vùng triệt để, tránh lây lan rộng ra cộng đồng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự đóng góp phòng chống dịch Covid-19 của các cấp, các ngành, các địa phương, kể cả các đại sứ ở nước ngoài. Tuy nhiên, để công tác phòng chống dịch được quyết liệt hơn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cần đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp chống dịch Covid-19, những khu vực cách ly tập trung cần phải phòng ngừa kỹ việc lây nhiễm chéo, cần trung tâm thông tin kết nối hiện đại, bổ sung một số trang thiết bị cần thiết, hạn chế việc di chuyển bệnh nhân, hỗ trợ bệnh nhân tại nơi bị bệnh, có thể chẩn đoán, điều trị từ xa, tạo niềm tin cho người dân an tâm khi có bệnh sẽ được chữa trị kịp thời.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phương châm chống dịch của Chính phủ là khẩn trương, kiên quyết nhưng bình tĩnh, đúng mức, không chủ quan. Thông tin đến người dân, đến quốc tế minh bạch, chuẩn xác, công khai và kịp thời. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành y tế phối hợp với truyền thông phải có những hướng dẫn rất cụ thể cho người dân chủ động phòng ngừa dịch Covid-19; từng người dân, từng địa phương, từng tổ chức, đơn vị phải chủ động ứng phó tốt nhất với những biện pháp thông thường phòng bệnh Covid-19 hiện nay như rửa tay, tránh tụ tập đông người, dừng các hoạt động không cần thiết... để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng; tiếp tục thực hiện tốt biện pháp cách ly, rà soát, phát hiện, khoanh vùng, điều trị, dập tắt dịch bệnh tránh lây lan rộng ra cộng đồng.
Q.H